Tỉnh Yên Bái thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, có 46 xã đặc biệt khó khăn. Với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mặt bằng chung của cả nước, ngân sách trung ương vẫn phải đảm bảo trên 80% nguồn chi của tỉnh.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tổng thể các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) với tổng mức vốn đầu tư phát triển Trung ương hỗ trợ là 2.252,863 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% vốn đầu tư toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
|
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia |
Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được hỗ trợ từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 1.384,7 tỷ đồng, chiếm 54% tổng vốn đầu tư ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2023 là 1.195,5 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư 603,057 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 592,466 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đến nay, tỉnh đã giải ngân đạt gần 400 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch nguồn vốn đầu tư để thực hiện 218 công trình, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, văn hoá, giáo dục…
Bên cạnh đó, 31 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp đã được thực hiện để hỗ trợ nhà ở cho 828 hộ nghèo với tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ là 33,160 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 69 hộ dân và giải ngân với tổng kinh phí 453 triệu đồng; hỗ trợ nước phân tán cho 489 hộ dân và giải ngân vốn 1.466,5 triệu đồng.
Vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn giúp tỉnh Yên Bái phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỉnh đã hỗ trợ cho 37.250 ha rừng giao khoán bảo vệ, đã giải ngân vốn gần 17.447 triệu đồng; giải ngân 645 triệu đồng thực hiện duy tu, bảo dưỡng 15 công trình cơ sở hạ tầng.
Yên Bái cũng đã chi 2.433 triệu đồng để thực hiện nội dung Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số nội dung khác cũng được tỉnh tập trung thực hiện như: đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Theo ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được một số kết quả khả quan trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 96,8% số thôn có nhà văn hoá. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 13/59 xã.
|
Nhờ chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái ngày càng được cải thiện |
Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá đạt 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp đạt 97,6%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 99,4%.
Những kết quả đạt được cho thấy Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả ở Yên Bái, góp phần đưa chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 62,57% - đạt mức 2, mức khá hạnh phúc.
Ông Giàng A Châu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên phấn khởi nhận xét, nhờ đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước nên đời sống của đồng bào các dân tộc đang ngày càng được nâng cao, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước càng được củng cố.