Không bổ sung nước khoáng và nước thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật

Thứ ba, 29/08/2023 09:29
(ĐCSVN) – Cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều đại biểu đề xuất không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh luật Tài nguyên nước với nước nóng, nước khoáng thiên nhiên.
Các đại biểu dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: QH

Chiều 28/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước.

Không mở rộng phạm vi điều chỉnh luật với nước nóng, nước khoáng thiên nhiên

Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Phiên họp lần thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo 04 nhóm chính sách lớn, đảm bảo quản lý toàn diện về nước từ bảo vệ, phát triển, điều hòa, phân phối, đến khai thác, sử dụng và phòng chống tác hại do nước gây ra.

Đặc biệt, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, không bổ sung 02 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tích cực triển khai công việc, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên sâu để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu về các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật.

Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu cho biết, đây là vấn đề đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, tập trung vào việc có nên đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật.

Đại biểu nêu quan điểm, không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh luật Tài nguyên nước với nước nóng, nước khoáng thiên nhiên. Về bản chất, nước nóng, nước khoáng thiên nhiên là khoáng sản, có nguồn gốc hình thành từ hoạt động nội sinh trong lòng đất, có thành phần khoáng chất và tính chất hóa học, lý học, độ tinh khiết nguyên thủy ổn định theo thời gian.

Vì tính chất tự nhiên của hai nguồn nước này, đại biểu cho rằng, trên thế giới và cả ở Việt Nam hiện nay, đây được coi là khoáng sản và đang được quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả trong việc phục vụ phát triển y học cũng như kinh tế - xã hội. Vì xác định đây là khoáng sản, nên hiện nay nước nóng, nước khoáng thiên nhiên đang được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản, đang được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy trình chặt chẽ như đối với các khoáng sản khác. Ngay ở khâu thăm dò cũng phải có giấy phép thăm dò, trong quá trình thăm dò phải thiết lập vành đai bảo vệ, khi khai thác, các chủ thể phải đáp ứng nhiều nhóm điều kiện, tiêu chí cụ thể như ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại chỗ ở địa phương, có trách nhiệm, nghĩa vụ phải phối hợp, hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi…

Ngoài ra, nếu đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước, áp dụng cơ chế quản lý của Luật Tài nguyên nước thì sẽ không phù hợp về bản chất, đồng thời cũng gây nguy cơ gây thất thoát nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao này.

Tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm và nước mặt

Đóng góp ý kiến về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng cần bảo vệ nguồn nước ngầm để bảo vệ an ninh nguồn nước. Ngoài ra, việc bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt cũng cần được quan tâm hơn, đồng thời cũng cần chú ý đến công tác bảo vệ an toàn hồ đập, tăng khả năng chịu tải của hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân ở vùng lũ…

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, ở Điều 22 nên chi làm 2 phần. Một là, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước. Hai là, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt chủ động, tích cực lưu giữ nguồn nước mặt như xây hồ đập, tích trữ nước mưa…

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần sửa đổi khoản 2 của dự thảo Luật theo hướng đảm bảo lưu thông dòng chảy, làm rõ việc tăng khả năng chịu tải của nguồn nước. Mặt khác, cần nhấn mạnh giá trị và việc đảm bảo hồ đập trong việc trữ nước, làm thủy điện, phòng chống lũ lụt, xả lũ; xây dựng nhiều vị trí tháo nước, xả lũ phân tán ở nhiều phía, nhiều vùng, nhiều tỉnh…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà -- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung, làm rõ khái niệm phát triển nguồn nước, phát triển tài nguyên nước, về nước lợ… để đảm bảo tính khả thi.

Về phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống khắc phục tác hại do nước gây ra, đại biểu Nguyễn Thu Hà đề nghị bổ sung quy định về nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt để tạo lập tiềm năng tài nguyên mới về nguồn nước cũng như đảm bảo an ninh nguồn nước trong tương lai. Về chức năng nguồn nước, đại biểu đề nghị bổ sung chức năng cấp nước cho hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị xem xét, bổ sung việc thực hiện giám sát tự động liên tục chất lượng nguồn nước khai thác và kết nối truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cơ sở cấp nước sạch, cấp nước sinh hoạt tập trung./.

 

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực