Bộ Kế hoạch và Đầu tư đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số

Thứ năm, 13/07/2023 16:10
(ĐCSVN) - Xếp hạng tiếp sau Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức độ chuyển đổi là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với giá trị DTI lần lượt là 0,7107, 0,6235, 0,6155 và 0,6103.

Theo Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 (DTI 2022) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, trong các cơ quan cấp bộ và ngang bộ có dịch vụ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vươn lên vị trí số 1 với giá trị DTI là 0,8219, tăng 0,2093 so với năm trước.

Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 

Xếp hạng tiếp sau Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức độ chuyển đổi là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với giá trị DTI lần lượt là 0,7107, 0,6235, 0,6155 và 0,6103.

Chia sẻ về công tác chuyển đổi số của Bộ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia diễn ra chiều 13/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc Chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp để triển khai các hoạt động về chuyển đổi số.

Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Nhờ vậy, Bộ đã đạt được những kết quả quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của Bộ, góp phần, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Đồng thời, Bộ cũng triển khai chuyển đổi số phục vụ hoạt động chuyên ngành của ngành kế hoạch và đầu tư, tập trung vào 4 nền tảng, đó là: Chuyển đổi số trong quản lý đầu tư công; chuyển đổi số trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã; chuyển đổi số trong lựa chọn nhà thầu, mua sắm công; chuyển đổi số trong lĩnh vực thống kê.

Song song với đẩy mạnh kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, công tác chuyển đổi số trong nội bộ cũng được Bộ ưu tiên thông qua ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Theo đó, 100% văn bản trao đổi trong Bộ được gửi điện tử có ký số, việc chỉ đạo điều hành của các đơn vị đều thực hiện qua hệ thống điện tử; 100% các hệ thống thông tin có các phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng.

Đạt được kết quả tích cực nêu trên, Thứ trưởng Trần Duy Đông đưa ra 3 bài học kinh nghiệm của Bộ. Trong đó, yếu tố đầu tiên là triển khai các hoạt chuyển đổi số phải bám sát và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên quản của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ trong triển khai thực hiện.

Cũng theo ông Đông, chuyển đổi số là công việc lớn, các nhiệm vụ đòi hỏi xử lý nhanh, kịp thời, thực hiện nhiều nhiệm vụ trong cùng một thời gian. Do đó, để hoạt động đi vào hiệu quả, thực chất cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cơ quan và sự chung tay vào cuộc của tất cả các đơn vị.

Ngoài ra, chú trọng xây dựng kế hoạch và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, trong đó xác định mục tiêu, giải pháp và kết quả đầu ra rõ ràng, cụ thể để thuận lợi trong việc giám sát, kiểm tra, đánh giá.

"Cần xây dựng, sử dụng các nền tảng số của Bộ, ngành, ứng dụng công nghệ mới vào các lĩnh vực hoạt động của ngành (như trợ lý ảo, AI vào các nền tảng số) và tăng cường đào tạo, tập huấn, phổ biến về chuyển đổi số, kỹ năng số cho công chức, viên chức tại Bộ", ông Trần Duy Đông nêu vấn đề.

Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra một số kiến nghị để thực hiện chuyển số ngày càng hiệu quả, như: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế ưu đãi ngộ cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong cơ quan nhà nước; sớm ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm chuyên ngành thông tin và truyền thông để các cơ quan, đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện; có hướng dẫn, yêu cầu kỹ thuật, tham chiếu cụ thể đối với các nền tảng số để các cơ quan có cơ sở triển khai thực hiện.

Minh Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực