Hoàn thiện các quy định về quyền của các nhóm yếu thế trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Thứ năm, 11/12/2014 22:02

(ĐCSVN) - Nhằm góp phần cải thiện việc tiếp cận luật pháp của người dân, đặc biệt là của các nhóm yếu thế, ngày 11/12, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Bộ Tư pháp để tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền của các nhóm yếu thế trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có 710 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

 

  Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TH).


Phát biểu tại Hội thảo, bà Anne Aarnes, Quyền Giám đốc khu vực Châu Á của USAID bày tỏ sự vui mừng khi Ban soạn thảo đã chào đón các ý kiến đóng góp của người dân, đặc biệt của các nhóm yếu thế trong quá trình soạn thảo, sửa đổi Bộ luật dân sự. “Tôi hiểu rằng một số vấn đề quan trọng đã được nhìn nhận bởi các bên, những vấn đề này có khả năng tăng cường trao quyền cho phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới, cải thiện khả năng tiếp cận pháp lý cho người dân và bảo vệ những quyền căn bản của mọi công dân”, bà Anne Aarnes nói.

Hội thảo đã tập trung thảo luận về quyền nhân thân, quyền về nơi cư trú của nhóm yếu thế; về hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân, pháp nhân phi thương mại khi tham gia quan hệ dân sự; quyền sở hữu, các vật quyền khác, giao dịch có đối tượng là quyền sử dụng đất, nhà ở liên quan đến các nhóm yếu thế.

Theo ông Lương Thế Huy, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tên gọi là một trong những “tài sản” của công dân, đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân sự của mỗi cá nhân. Nhưng với người chuyển giới, đa số tên gọi trong khai sinh không phản ánh đúng nhận dạng giới tính, gây khó khăn trong cuộc sống, thậm chí bị phân biệt đối xử.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Vũ Công Giao, Phó Giám đốc Viện Chính sách công và pháp luật cho rằng, nên tiếp tục xem xét bổ sung người phẫu thuật chuyển giới là đối tượng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên. Việc “đẩy” sang pháp luật hộ tịch là không thích hợp vì họ tên gắn liền với nhân thân, thay đổi họ tên là một quyền nhân thân quan trọng, cần quy định ngày trong Bộ Luật dân sự.

Về quyền kết hôn và lập gia đình của phụ nữ, một số ý kiến cho rằng, Bộ luật Dân sự hiện hành mới chỉ có thể đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ trong trường hợp có đăng ký kết hôn mà chưa đề cập đến khả năng bảo vệ quyền của những phụ nữ chung sống như vợ chồng khi chưa có đăng ký kết hôn mặc dù thực tế tình trạng này diễn ra khá phổ biến và vẫn có các quan hệ dân sự phát sinh từ việc sống chung. Nếu Bộ luật dân sự ( sửa đổi) không ghi nhận quyền kết hôn và lập gia đình một cách riêng biệt thì sẽ thiếu đi cơ sở nền tảng cho việc ấp dụng các quy định pháp luật khác trong bảo đảm quyền của người phụ nữ trong hôn nhân và gia đình, làm giảm đi cơ hội thúc đẩy bình đẳng giữa nam và nữ, mất khả năng chia tài sản, di sản, thanh toán nghĩa vụ tài sản; mất đi quyền được hưởng di sản thừa kế của ông bà, cha mẹ hai bên để lại của những cặp chung sống như vợ, chồng…

Theo các chuyên gia, cần phải tiếp tục rà soát để làm rõ và củng cố quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong mọi quan hệ dân sự (tuyển dụng, lao động, kinh doanh…); bổ sung tình trạng sức khỏe, đặc thù cơ chế, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tình dục vào những yếu tố cấm sử dụng để phân biệt đối xử nói chung, phân biệt đối xử về quyền lao động, quyền tự do kinh doanh nói riêng…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực