Luật việc làm có hiệu lực từ ngày 1/1/2015

Thứ tư, 24/12/2014 15:31

(ĐCSVN) - Luật việc làm được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29/11/2013 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Luật việc làm có 7 chương với 62 điều.

Luật việc làm quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, bao gồm: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm Luật đã cụ thể hóa đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người lao động. Nếu đối tượng vay vốn này sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số thì được ưu tiên áp dụng mức lãi suất thấp hơn.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Về điều kiện vay vốn, đối tượng vay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã phải có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; dự án vay vốn phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án và phải có bảo đảm tiền vay. Nếu tối tượng vay là người lao động thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm; và cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động ở khu vực nông thônđược thực hiện thông qua việc hỗ trợ học nghề (dưới 03 tháng hoặc trình độ sơ cấp nghề), tư vấn, giới thiệu việc làm và vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm nhằm nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phi nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh để khuyến khích giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Chính sách việc làm công, đây là chính sách mới nhằm cung cấp việc làm tạm thời có trả công cho người lao động thông qua việc thực hiện dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã, gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng tại địa phương. Việc thực hiện chính sách việc làm công sẽ góp phần quan trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động song song với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, chất lượng công trình với sự tham gia trực tiếp của người dân.

Các chính sách hỗ trợ khác Luật việc làm quy định chính sách khuyến khích và hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc làm ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng. Để hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, Luật cũng quy định các chính sách vê tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên; đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên thông tin thị trường lao động được quy định trong văn bản luật, góp phần phát triển thị trường lao động năng động, cạnh tranh, minh bạch và thống nhất, bao gồm: tình trạng, xu hướng việc làm; thông tin về cung cầu lao động, biến động cung cầu lao động trên thị trường lao động; thông tin về lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và thông tin về tiền lương, tiền công.

Về vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, Luật việc làm quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở kế thừa các quy định về bảo hiểm thất nghiệp của Luật bảo hiểm xã hội và sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo phù hợp với tình hình mới, thực hiện tốt mục tiêu nhanh chóng đưa người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động, đồng thời, tạo thuận lợi cho người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Về đối tượng, Luật quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng và mọi người sử dụng lao động.

Về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Luật quy định các chế độ đối với người thất nghiệp như hiện hành, gồm: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề, đồng thời, bổ sung chế độ hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Ngoài ra Luật còn quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tiếp thu, kế thừa các quy định hiện hành và sửa đổi, bổ sung các quy định mới đảm bảo phù hợp hơn, tiến bộ hơn.

Về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Luật giữ nguyên như quy định hiện hành trong Luật bảo hiểm xã hội, nhưng có tiếp thu, sửa đổi quy định về mức hỗ trợ của Nhà nước theo hướng nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp căn cứ tình hình kết dư Quỹ từng thời kỳ. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực