Người đảng viên luôn hướng về cộng đồng

Thứ sáu, 02/07/2021 16:45
(ĐCSVN) - Đảng viên Hà Phủ là người đầu tiên ở thôn Thác Vác, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bê tông hóa bờ ruộng. Việc làm hay của đảng viên Hà Phủ mang lại nhiều lợi ích cho gia đình, cộng đồng, đồng thời gợi mở khả năng nhân rộng ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
 Đảng viên Hà Phủ là người đầu tiên ở thôn Thác Vác, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đầu tư kiên cố hóa toàn bộ bờ bao khoảnh ruộng rộng 2.200 m2 của gia đình.

Theo yêu cầu sản xuất, mỗi vụ trồng lúa, người nông dân phải làm sạch cỏ dại, be đắp lại bờ ruộng để giữ nước cho cây. Việc làm này tốn khá nhiều công sức. Đảng viên Hà Phủ, 45 tuổi, người dân tộc Tày ở thôn Thác Vác, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái - một người trồng lúa lâu năm cho biết, thông thường mỗi vụ lúa, gia đình mất 3 đợt làm cỏ, mỗi đợt 3 ngày. Khi nhà neo người hoặc có việc bận không thể tự làm cỏ được thì phải thuê người làm. Mức tiền công khoảng 220.000đồng/ngày. Như vậy, nếu đi thuê, mỗi vụ sản xuất tốn hơn 2 triệu đồng.

Là đảng viên, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Hà Phủ đã đầu tư hơn 10 triệu đồng để bê tông hóa toàn bộ bờ bao khoảnh ruộng rộng 2.200m2 của gia đình.

Từ sau khi kiên cố hóa bờ ruộng, tính ra gia đình anh Phủ tiết kiệm được 9 ngày công làm cỏ/vụ lúa. Một năm sản xuất 2 vụ lúa tiết kiệm được 4 triệu đồng chi phí thuê người làm cỏ. Chỉ sau hơn 2 năm, số tiền tiết kiệm được đã gần bằng chi phí đầu tư ban đầu.

Theo anh Hà Phủ, chi phí để kiên cố hóa bờ ruộng không phải là quá lớn nhưng mang lại nhiều lợi ích. Ví như thời gian đáng ra người nông dân phải đi làm cỏ lúa thì nay được nghỉ ngơi hoặc chuyển sang chăn nuôi gia súc, chăm sóc cây trồng khác...   

"Do bao kín bờ nên nước, phân bón được giữ nguyên trong ruộng, hạn chế tình trạng tràn dinh dưỡng từ thửa ruộng cao hơn sang thửa ruộng thấp hơn khi trời mưa to; giảm thời gian lấy nước vào ruộng, giảm lượng phân bón hóa học, tiết kiệm chi phí sản xuất; góp phần hạn chế thoái hóa đất và bảo vệ môi trường trong khi năng suất lúa vẫn đảm bảo" - anh Phủ chia sẻ thêm.

Không chỉ vậy, nhờ bê tông hóa toàn bộ bờ ruộng theo tiêu chuẩn tự đặt ra là cao 50cm, rộng 30cm đủ rộng để anh Phủ sử dụng được xe rùa chở phân bón ra đồng hay chở lúa từ ngoài ruộng vào nhà lúc thu hoạch thay vì phải gánh, vác cực nhọc như trước đây. Việc ra thăm đồng của người nông dân cũng dễ dàng hơn rất nhiều, không còn lấm bẩn hoặc bị ngã nữa.

Theo cách của anh Hà Phủ, nhà ông Vũ Xuân Liên cũng đã đầu tư 8 triệu đồng để kiên cố hóa toàn bộ bờ bao mảnh ruộng rộng 1.700 m2. Đến nay, 30% hộ dân thôn Thác Vác đã học theo anh Hà Phủ tiến hành kiên cố hóa bờ ruộng. Những thửa ruộng san sát được kiên cố hóa bờ bao quanh đã tạo nên cảnh quan mới mẻ, sạch sẽ cho khu vực sản xuất, qua đó, góp phần xây dựng diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Những thửa ruộng san sát được kiên cố hóa bờ bao đã tạo ra diện mạo mới khang trang, sạch đẹp cho khu vực sản xuất ở  vùng nông thôn  

Đồng chí Lê Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Khê cho rằng, quá trình kiên cố hóa bờ ruộng là một dịp để các hộ dân xác định lại và xác định đúng diện tích đất sản xuất của gia đình hoặc có cơ hội thỏa thuận, giải quyết dứt điểm những tranh chấp giữa các hộ xung quanh (nếu có). Trường hợp hộ nào tự bỏ tiền để kiên cố hóa bờ ruộng trên diện tích nhà mình thì không có gì phải bàn. Hộ ở xung quanh tuy không đầu tư nhưng cũng được hưởng lợi theo. Nếu các hộ liền kề thỏa thuận cùng nhau chia sẻ chi phí sẽ vừa tiết kiệm, vừa thắt chặt tình đoàn kết và củng cố trật tự an toàn xã hội ở vùng nông thôn.

Nhận xét về việc làm của một số hộ dân thôn Thác Vác, đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn khẳng định, việc làm đã mang lại hiệu quả bước đầu thấy rõ. Quan điểm của huyện là giao cho các ngành chức năng tuyên truyền vận động nhân rộng ở những gia đình, những nơi có điều kiện, nhằm tiết giảm chi phí sản xuất cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh nông thôn.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, xây đê bao ruộng lúa để chống lũ, ngăn mặn đã được triển khai từ lâu. Song ở các tỉnh miền núi, vốn là nơi sinh sống và sản xuất lúa nước lâu đời của các dân tộc Tày, Thái… thì việc này còn quá hiếm. Do đặc điểm địa hình miền núi có độ dốc cao, ruộng lúa không cùng nằm trên một đường đồng mức nên rất khó có điều kiện dồn điền đổi thửa để đưa máy móc vào sản xuất. Vì thế, bê tông hóa bờ ruộng như việc làm của người dân thôn Thác Vác sẽ không cản trở quá trình dồn điền đổi thửa mà ngược lại đang đưa tới nhiều ích lợi trong cuộc sống và sản xuất, đáng để các hộ dân vùng miền núi, dân tộc thiểu số tham khảo, nhân rộng./.


Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực