CCB Văn Lâm: Vì sự an toàn cho những chuyến tàu

Thứ năm, 27/06/2019 10:05
(ĐCSVN)- Phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ, thực hiện cuộc vận động: “Cựu chiến binh tham gia bảo đảm an toàn giao thông”. Từ năm 2012 đến nay, 8 tổ tự quản CCB huyện Văn Lâm (Hưng Yên) không quản ngại thời tiết nắng, mưa, ngày, đêm duy trì tốt việc trực gác chắn ở 8 điểm đường ngang qua đường sắt, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng qua địa bàn huyện.

                                                      

CCB Lê Xuân Phả đang làm nhiệm vụ tại điểm xã Đình Dù

Đường sắt Hà Nội – Hải Phòng qua tỉnh Hưng Yên với chiều dài 18,7 km nằm trên địa bàn huyện Văn Lâm. Cùng với đường sắt, Quốc lộ 5A qua Hưng Yên đã tạo điều kiện thuận lợi để Hưng yên nói chung và Văn Lâm nói riêng phát triển công nghiệp. Đến nay, huyện có nhiều khu công nghiệp, do đó dân số cơ học tăng lên 30%, hàng ngày mật độ phương tiện giao thông trên các trục đường giao thông khá đông, nhất là từ khi có trạm thu phí số 1 quốc lộ 5A trên địa bàn. Nhiều xe tìm mọi cách trốn vé đi qua đoạn đường bộ giao với đường sắt nhất là 3 điểm ở xã Đình Dù, Lạc Đạo và xã Chỉ Đạo rất đông, do đó gây ách tắc giao thông và làm cho các tuyến đường của tỉnh, huyện, xã bị xuống cấp nghiêm trọng đồng thời hàng ngày làm cho việc lưu thông trên nhiều tuyến đường của huyện luôn rất nguy hiểm. Trên tuyến đường sắt qua huyện có 8 vị trí đường ngang qua đường sắt thường xuyên có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Trước năm 2012 đã có nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết 7 người, bị thương 4 người, nhiều phương tiện giao thông bị va quệt hư hỏng…trước tình hình đó, Hội CCB huyện đã tham mưu với Ban ATGT huyện thành lập tổ tự quản CCB tham gia giữ gìn ATGT. Tháng 12/2012 UBND huyện Văn Lâm đã quyết định thành lập 8 tổ CCB tự quản (mỗi tổ có 3 hội viên) trên 8 vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt. Để các tổ hoạt động hiệu quả, Ban ATGT huyện đã phối hợp với ngành đường sắt tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 24 thành viên và trang bị một số dụng cụ như cờ, còi, đèn tín hiệu.. để hội viên thực hiện thao tác như một nhân viên gác ghi thực thụ. Hàng ngày, 3 nhà ga: Phú Thụy, Lạc Đạo và Tuấn Lương gọi điện giao ca cho 8 tổ, cứ 4 tiếng giao ca 1 lần, cao điểm nhất là giao ca vào 2 giờ đêm. 24 thành viên đều thuộc giờ 8 chuyến tàu khách trong ngày, còn tàu hàng tùy theo: hôm ít cũng 6 chuyến, hôm nhiều 8 chuyến. 8 tổ gác chắn đều phân công nhau lịch trực và bàn giao ca có sổ ghi chép từng ca. Công việc gác chắn khá vất vả, khi thời tiết nắng như đổ lửa, lúc mưa rét nhưng những người lính già vẫn vượt qua. Điều đáng nói là sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, nhiều lần khi chuông đổ báo chuẩn bị có tàu chạy qua, cần gác chắn đã hạ, các đồng chí phất cờ đỏ tín hiệu dừng xe, nhưng không ít lần ô tô vẫn cố tình chạy qua húc gãy cần chắn đập vào người CCB gác chắn, có đồng chí đã phải đi viện. Song, với tinh thần trách nhiệm cao của người lính cụ Hồ đã vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ông Đặng Văn Lậm, tổ trưởng tổ gác chắn xã Chỉ Đạo cho biết: “Làm công việc gác chắn này biết là vất vả, do đó vợ con tôi cũng khuyên tuổi cao rồi nên nghỉ ngơi nhưng với bản chất bộ đội cụ Hồ, tôi xác định đã nhận công việc thì phải quyết tâm cao nhất đề hoàn thành công việc được giao. Các đồng chí nhà Ga gọi điện cho tôi chưa bị nhỡ cuộc nào kể cả buổi 2 giờ đêm, mình đã quen giấc rồi. Nhiều đêm mưa gió rét, nhà ga báo có tàu hàng nhưng tôi vẫn ra điểm gác chắn đúng giờ để làm nhiệm vụ không để trường hợp đáng tiếc xảy ra”. Còn ông Lê Xuân Phả, tổ trưởng tổ gác chắn xã Đình Dù cho hay: “Có hôm, thời tiết nắng nóng, tàu hàng dài cần chắn tự động hạ trong 3 phút xong, chúng tôi đẩy rào chắn bổ sung ra, một số thanh niên đã có những lời nói “vô văn hóa” với chúng tôi, nhưng xác định vì sự an toàn cho những đoàn tàu và cho nhiều người nên đành “nhịn”… cho qua”.

Trong 8 điểm gác chắn, điểm gác có các phương tiện giao thông phức tạp nhất là điểm giao cắt ngã 5 dốc Nghĩa xã Chỉ Đạo, do nhiều ô tô trốn vé nên hàng ngày mật độ giao thông rất cao, có từ 2500 – 3000 ô tô qua lại. Trong quá trình trực gác, các đồng chí trong tổ cho biết rất vất vả điều hành các phương tiện giao thông, nhiều lúc phải có 2 đồng chí mới đảm bảo an toàn, bởi lúc cao điểm 8 giờ sáng và 19 giờ  rất đông ô tô, xe máy, có xe container dài muốn vượt qua đường sắt phải lấn sang hết phần đường xe ngược chiều và nếu đúng lúc sắp có tàu qua thì rất nguy hiểm, do đó phải có một người bên kia điều khiển cho xe dừng lại trước khi cần barie hạ xuống. Nhiều hôm tàu đi qua rồi nhưng lại ách tắc giao thông dài hơn 1km, thế là các đồng chí CCB phải kết hợp với Công an giao thông để phân luồng giao thông giải tỏa ách tắc. Tôi đứng ở điểm gác chắn này dưới trời nắng nóng 400C mới thấy hết sự vất vả của các đồng chí CCB và thấy mức độ nguy hiểm về các phương tiện giao thông ở đây. Tôi hỏi ông Lậm, trong quá trình làm ở đây, ông đáng nhớ nhất là xử lý tình huống nào. Ô Lậm cho hay: “Vào khoảng 5 giờ 30 sáng 19/9/2018, đang có đoàn tàu chạy hướng Hải Phòng về Hà Nội, khi có chuông báo, cần chắn đã hạ thì có một ô tô tải cỡ lớn chở 4 cột điện dài vẫn cố tình đâm gãy cần chắn để vượt đường sắt, xe bị chết máy mắc luôn trên đường sắt, cùng lúc đó có vài xe tải nhỏ đi ngược chiều cũng chưa thể vượt qua đường sắt được. Thấy tình huống hết sức nguy hiểm, tôi liền cầm đèn tín hiệu đỏ và cờ chạy rất nhanh ngược về phía Hải Phòng giơ tín hiệu dừng tàu. Người lái tàu đã phát hiện được và dừng tàu nếu không thì hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Phải sau 30 phút ô tô tải bị mắc kẹt mới nhờ xe tải khác kéo ra được.”

Là những người hàng ngày báo giờ tàu cho các tổ tự quản CCB, do đó các nhà ga nắm chắc tinh thần trách nhiệm, sự tích cực của các tổ, đồng chí Nguyễn Công Định, trưởng ga Lạc Đạo cho biết: “Trước đây, khi ngành đường sắt mới thí điểm lắp đặt trạm barie tự động tại km 26+500 (Dốc Nghĩa xã Chỉ Đạo), lúc đầu tạm thời cho tổ CCB nghỉ thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 các xe ô tô đã 61 lần cố tình đâm gãy cần chắn để vượt đường tàu và đã xảy ra 1 vụ giao thông khá nghiêm trọng. Trước tình hình thiếu ý thức giao thông của các lái xe như vậy, chúng tôi lại phải đề nghị Ban ATGT mời các đồng chí tổ tự quản CCB tiếp tục hoạt động. Từ ngày các bác CCB hoạt động trở lại, việc gãy cần barie giảm hẳn. Hoạt động của tổ CCB này là tích cực nhất, bất kể thời gian nào báo có tàu các bác đều nhận điện thoại và trực điểm gác đầy đủ, còn tổ CCB tại xã Đình Dù có lúc trực không đều, nhất là vào ban đêm”.

Nhằm động viên tinh thần trách nhiệm các tổ tự quản CCB, hàng năm hội CCB huyện Văn Lâm phối hợp với Ban ATGT tổ chức hội nghị đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động của 8 tổ, tập huấn nghiệp vụ cho các đồng chí làm nhiệm vụ và nêu rõ nếu đồng chí nào nhận thấy sức khỏe không bảo đảm phải xin nghỉ để các hội CCB tìm người thay thế để đảm bảo các điểm gác chắn luôn duy trì hoạt động tốt. Nhờ có sự hoạt động hiệu quả của các tổ CCB nên đã góp phần giảm đáng kể tai nạn giao thông trên đường sắt ở Hưng Yên. Chính vì thế, từ tháng 7 năm 2017 Ban ATGT tỉnh Hưng Yên đã nâng mức hỗ trợ từ 500.000 đồng/người/tháng lên 3.000.000 đồng/người/tháng. Nhiều tổ tự quản được các cấp khen thưởng, như tổ tự quản CCB số 5- km 26+500 xã Chỉ Đạo năm 2013 được Uỷ ban ATGT Quốc gia tặng bằng khen, UBND huyện tặng giấy khen; năm 2016 được Hội CCB tỉnh tặng bằng khen; năm 2018 ô Lậm – Tổ trưởng được đi báo cáo điển hình tại Hội nghị 6 tỉnh đồng bằng Bắc bộ, tổ CCB của ông được tặng giấy chứng nhận có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ATGT. Tổ tự quản CCB xã Đình Dù năm 2017 được ngành đường sắt và Công an tỉnh tặng giấy khen…

Phát huy kết quả đã đạt được, để các tổ tự quản CCB hoạt động tốt hơn, đồng chí Đinh Quang Mạnh – Chủ tịch Hội CCB huyện Văn Lâm cho biết: “Sau quá trình hoạt động, chúng tôi nắm bắt được đặc điểm công việc, tinh thần trách nhiệm… ở mỗi tổ, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với Ban ATGT huyện để đề xuất trang bị, hỗ trợ thêm những phương tiện, công cụ… để các tổ hoạt động tốt hơn, hạn chế đến mức thấp nhất về tai nạn giao thông có thể xảy ra. Từ khi được Ban ATGT tỉnh quan tâm nâng mức phụ cấp cho các tổ, chúng tôi nhận thấy cần động viên các đồng chí vượt qua khó khăn về thời tiết, tuổi tác, những tác động từ gia đình, từ xã hội…nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi đồng chí khi đảm nhiệm mỗi ca trực nhằm góp phần đảm bảo an toàn cao nhất cho những chuyến tàu”.

Cao Văn Khởi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực