Kỳ Châu - xã đi đầu trong chuyển đổi số ở Hà Tĩnh

Thứ tư, 24/05/2023 10:25
(ĐCSVN) - Được mệnh danh là một trong những miền quê đáng sống, xã Kỳ Châu (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã và đang xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính lâu dài để tạo đà cho sự phát triển công nghệ, nền tảng số giữa người dân - doanh nghiệp - chính quyền.

Hà Tĩnh quyết liệt thực hiện chuyển đổi số

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu kiêm Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” của xã cho biết, là địa phương đầu tiên tổ chức “Ngày hội chuyển đổi số năm 2022" với chủ đề: “Mỗi người dân hãy là một công dân số”, xã Kỳ Châu đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động liên quan tới thanh toán, giao dịch không sử dụng tiền mặt; đồng thời, hướng dẫn người dân cài đặt VSSID, rút hoặc nộp mới hồ sơ bảo hiểm xã hội; hướng dẫn các cá nhân, tập thể sản xuất kinh doanh nộp thuế điện tử theo hệ thống Etac; hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia sử dụng dịch vụ công để giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tích hợp các dịch vụ công thiết yếu vào CCCD theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

leftcenterrightdel
Hình ảnh Ngày hội chuyển đổi số tại xã Kỳ Châu. (Ảnh: UBND xã Kỳ Châu) 

Trong vòng gần 1 năm trở lại đây, Kỳ Châu không ngừng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương thông qua các ứng dụng, nền tảng công nghệ số, tăng cường sự tương tác giữa người dân với chính quyền địa phương thông qua các ứng dụng công nghệ số. Theo đó, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng công nghệ số, làm cho người dân cảm thấy hạnh phúc hơn, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự địa phương.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu, năm 2023, xã xác định mục tiêu tổng quát: “Phát triển chính quyền số giúp người dân, doanh nghiệp và tổ chức đơn vị làm việc, hoạt động một cách hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã”, và đề ra các nhóm mục tiêu cụ thể. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh cùng với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn xã, công tác chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, bao gồm: Việc trang bị trang thiết bị, cơ sở vật chất về hạ tầng công nghệ thông tin cho các phòng ban, đơn vị được thực hiện đảm bảo, kịp thời phục vụ tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ; 100% cán bộ, công chức, ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành và chữ ký số để thực hiện tác nghiệp hoàn toàn bằng văn bản điện tử; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và phát triển ở các lĩnh vực của đời sống xã hội; các ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác số hoá hồ sơ, tài liệu; vận hành và khai thác có hiệu quả trang thông tin điện tử của xã; đảm bảo an toàn thông tin mạng, không để xẩy ra các sự cố gây mất an toàn thông tin; tổ chức các hội nghị, tập huấn về công tác chuyển đổi số, an toàn thông tin nhằm nâng cao kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức.

leftcenterrightdel
Phủ mã QR ở các kiot bán hàng trên địa bàn xã. (Ảnh: UBND xã Kỳ Châu) 

Về miền quê Kỳ Châu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi địa phương này có hẳn kênh truyền thông "Chuyển đổi số quốc gia" trên Zalo. Ở đó, UBND xã đã chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể cấp xã thực hiện tốt công tác truyền thông về chuyển đổi số thông qua nhiều hình thức khác nhau như: trên trang thông tin điện tử; qua hệ thống truyền thanh cơ sở; tuyên truyền trực quan bằng khẩu hiệu, pano, áp phích... Ngạc nhiên hơn nữa khi tận mắt chứng kiến một hệ thống thiết bị phục vụ các hội nghị trực tuyến được trang cấp đầy đủ, phục vụ kịp thời các hội nghị trực tuyến từ cấp xã đến huyện, đến cấp tỉnh và Trung ương. Đường truyền internet băng thông rộng, hệ thống mạng wifi cơ bản đã được UBND xã đầu tư nâng cấp phục vụ hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ; các hệ thống CSDL của xã như: Cổng dịch vụ công xã; hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc;... đã kết nối liên thông giữa các cơ Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể kết nối liên thông với nền tảng Quốc gia, phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông. Đặc biệt, xã đã lắp đặt hệ thống điện thông minh, ổ khóa thông minh và truyền thanh thông minh tại hai thôn Bắc Châu, Thuận Châu, hệ thống điện thông minh tại Hội trường UBND xã.

Nghe các con số thống kê của xã, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến vui mừng kia, khi với tổng dân số 4.020 người, trong đó có 2.212 người đủ từ 14 tuổi trở lên, hiện, xã Kỳ Châu có số thuê bao di động có sử dụng mạng internet là 1.920 thuê bao, chiếm tỷ lệ 86,79% dân số (chủ yếu của hai nhà mạng Viettel và Vinaphone). Số lượng người dân được làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử là 2.680/2.939 người đủ từ 14 tuổi trở lên (chiếm tỷ lệ 91,18%); tổng số tài khoản định danh điện tử được tích hợp là 1.200  tài khoản.

Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng: Qua xác nhận của ngân hàng Vietcombank, Agribank, BIDV thì có 884/1.700 công dân đủ 18 tuổi trở lên thường xuyên giao dịch tại các ngân hàng chiếm tỷ lệ 52%. Tuy nhiên, xã mới chỉ xác nhận được của 3 ngân hàng lớn trên địa bàn huyện còn có một số ngân hàng khác như Teachcombank, Vietinbank, VPBANK, MB... xã chưa liên hệ được để xác nhận, vì vậy tỷ lệ công dân trong độ tuổi lao động có mặt trên địa bàn xã có tài khoản tại ngân hàng sẽ tăng lên nếu các ngân hàng phối hợp với xã để xác minh. Xã cũng đã phối hợp với ngân hàng BIDV cấp mới 20 tài khoản giao dịch cho các đối tượng hưởng chính sách trên địa bàn xã, nâng tổng người dân từ 18 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng đạt 53,17%.

leftcenterrightdel
Công an xã hỗ trợ người dân làm thẻ CCCD gắn chip ngay tại nhà. (Ảnh: UBND xã Kỳ Châu) 

Nhiều người dân chúng tôi gặp đã sử dụng internet thuần thục, từ già tới trẻ, ai cũng hớn hở khoe mã tài khoản ngân hàng cài đặt điện thoại, đi chợ mua hàng chỉ cần quét mã QR là xong, chả mấy khi phải dùng tiền mặt…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh Đậu Tùng Lâm cho biết, thực hiện Đề án 06, Hà Tĩnh bám sát phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể thực hiện chuyển đổi số”, tỉnh đã phát động trên toàn địa bàn việc triển khai các hoạt động thiết thực liên quan đến các giao dịch trên môi trường số, làm thay đổi nhận thức số cho cán bộ, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Vừa mới đây, báo cáo về hoạt động của Đề án 06, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh đang là địa phương đi đầu trong toàn tỉnh Hà Tĩnh.

Chia tay người dân xã Kỳ Châu, trong chúng tôi vẫn tâm niệm về mục tiêu mà địa phương này hướng tới, đó là đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn xã, tích hợp đồng bộ và kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của cơ quan Nhà nước trên địa bàn xã; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công toàn trình và dịch vụ công một phần của chính quyền các cấp, nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của xã.

Tin tưởng rằng, với những diễn biến thực tế cùng với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trong xã, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, trong tương lai không xa, xã chuyển đổi số toàn diện từ Kỳ Châu sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững, hiệu quả và nhân rộng ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương khác trong cả nước./.

Khánh Lan – Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực