Sớm hoàn thiện cơ chế hình thành Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế tại TP Hồ Chí Minh

Thứ năm, 17/08/2023 19:25
(ĐCSVN) - Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế sẽ được áp dụng chính sách đặc thù của TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) về tiền lương, thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho các đối tượng thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên.
Tọa đàm góp ý Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” 

Ngày 11/8/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm góp ý Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”.

Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập có tiềm lực trên địa bàn Thành phố phát triển trở thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, đống góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2025 có 2 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế, đến năm 2030 có 5 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế. Trong đó, việc hình thành và phát triển được các nhóm nghiên cứu mạnh và Trung tâm nghiên cứu đạt trình độ quốc tế đóng vai trò then chốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, khẳng định vị thế về khoa học và công nghệ của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế là một trong những "đặt hàng" của Bộ Chính trị và Chính phủ cho TP.HCM. Đồng thời, việc thành lập trung tâm cũng gắn với nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển ở TP.HCM. Một số ngành trọng điểm được TP.HCM nhắm đến bao gồm công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn, robotics, công nghệ tự động hóa, công nghệ in 3D tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ tế bào gốc, công nghệ chế tạo vật liệu nano, vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh, vật liệu bán dẫn…

Các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm 

Dự thảo Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” tập trung vào ba nội dung chính. Thứ nhất, có chính sách thu hút, giữ chân người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động khoa học và công nghệ. Thứ hai, phát triển nguồn lực lâu dài thông qua việc giao thực hiện những Chương trình, dự án khoa học công nghệ trung hạn dài hạn. Thứ ba, Đề án nhằm tháo gỡ những rào cản liên quan thông qua có những cơ chế tuyển sinh Chương trình, dự án khoa học và công nghệ, cơ chế tài chính liên quan thông thoáng hơn. Đề án sẽ đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Thành phố trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra những đột phá trong phát triển và ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ đối với sự phát triển bền vững của Thành phố.

Tại Toạ đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những góp ý cụ thể xung quanh các tiêu chí phấn đấu trong quá trình xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh lên thành trung tâm xuất sắc, tiêu chí để xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh là phải phát triển được các nhóm nghiên cứu tiềm năng, các nhóm nghiên cứu này phải liên ngành và có sự giao thoa với nhau. Một vấn đề khoa học lớn cần phải liên ngành, quy tụ các nhà khoa học liên ngành, bên cạnh đó nhất là cơ chế dành cho các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã có những góp ý cụ thể xung quanh các tiêu chí phấn đấu trong quá trình xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế 

Theo Dự thảo Đề án, trong giai đoạn 5 năm, tổ chức khoa học và công nghệ công lập phấn đấu công bố trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science (Wos), Scopus, ISI; đăng ký hoặc được cấp ít nhất 5 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, hoặc 10 bằng bảo hộ giống cây trồng; hoặc 5 bằng độc quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn… Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM), trong tiêu chí phấn đấu trong quá trình xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, ở tiêu chí công bố quốc tế 10 bài báo/năm là hơi nhiều – dù các nhóm nghiên cứu ở trường đại học có thể đạt được tiêu chí này, còn còn tiêu chí 5 bằng độc quyền sáng chế thì lại là câu chuyện rất khó. Còn theo chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Kim Lợi (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Đại học Nông Lâm TP.HCM), trong vấn đề nguồn nhân lực, hầu hết các trung tâm nghiên cứu ở các trường đại học làm nhiệm vụ đơn ngành là chính, khó có tính liên ngành. Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế cũng nên dành ưu tiên cho những nhiệm vụ khoa học công nghệ có kết nối với chuyên gia nước ngoài và có sự gắn kết với doanh nghiệp để tăng được khả năng thương mại hóa.

Ngoài các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đề xuất Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế sẽ được áp dụng chính sách đặc thù của TP.HCM về tiền lương, thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các đối tượng thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư công về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo cho các tổ chức khoa học công nghệ công lập do Thành phố thành lập tham gia đề án.

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết Sở sẽ tiếp tục tiếp nhận góp ý của các chuyên gia, tổ chức về Dự thảo Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”.


Hoàng Kim

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực