Chỉ số niềm tin

Thứ sáu, 16/04/2021 17:20
(ĐCSVN) – Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không chỉ là chuyện “trụ hạng” hay “nâng hạng” của các tỉnh, thành phố mà còn giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế. Hơn thế, đây còn là chỉ số niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào những chuyển biến tích cực về tư duy và thái độ của chính quyền từng địa phương.​

Tại hội nghị Công bố PCI, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong quá trình phấn đấu, quan hệ “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” được khởi động; Khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài – địa phương phát triển” được đề ra. Phương châm hành động “trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền” được lan toả... Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp được đề cao để chung tay cải cách, thúc đẩy đối thoại, hợp tác công tư và giám sát việc thực thi chính sách của chính quyền các cấp. Quan trọng hơn, chỉ số PCI là thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI. PCI truyền cảm hứng, giúp tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những thực tiễn cải cách tốt từ cơ sở.

Top doanh nghiệp đứng đầu về chi số CPI 2020

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Vấn đề phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế đã từng gây nhức nhối nhiều năm trước, nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước.

Hiện nay, xuất hiện nhiều mô hình mới, trong đó, mô hình “Cà phê doanh nhân” khởi nguồn từ Đồng Tháp, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận, huyện (DDCI) được triển khai rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhân rộng trên 40-50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những sáng kiến khác như trung tâm tư vấn trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, “Bác sĩ doanh nghiệp”, các mô hình thúc đẩy đối tác công tư… cũng được PCI góp phần ươm tạo và lan toả…

Kết quả PCI trong những năm qua cũng cho thấy chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương tốt lên theo thời gian. Trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm thiểu.

Báo cáo PCI 2020 ghi nhận bốn địa phương có chất lượng điều hành kinh tế cao nhất cả nước là Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An và Bình Dương. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chất lượng điều hành kinh tế, với 75,09 điểm trên bảng xếp hạng PCI 2020. Tiếp đó là các địa phương Đồng Tháp đạt 72,81 điểm, Long An đạt 70,37 điểm, Bình Dương đạt 70,17 điểm.

Thực tế, chính vì nỗ lực phấn đấu “vượt hạng” mà các địa phương không ngừng nỗ lực phấn đấu, cải cách. PCI 2020, các tỉnh, thành phố đã xuất sắc đứng trong top 10 của “cuộc đua” PCI 2020 là Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.

Các tỉnh, thành phố này đã có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, giảm thiểu chi phí không chính thức, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Lãnh đạo các tỉnh, thành này đã có các giải pháp phản ứng nhanh, linh hoạt để nâng câo sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt là Quảng Ninh, năm nay, một lần nữa, đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh thành, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

Kết quả này tiếp tục khẳng định niềm tin của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền và đặc biệt là sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; phản ánh chính xác, khách quan hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước của Quảng Ninh, nhất là trong bối cảnh năm 2020 - một năm đặc biệt khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Phát biểu sau khi nhận cúp Quán quân PCI năm 2020, ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã gửi lời cảm ơn chân thành tới nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, với Chính phủ và VCCI.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Để đạt được kết quả Chỉ số PCI hôm nay, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đó là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp dựa trên 3 trụ cột, gồm: Chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công; và ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh. Với vị trí 4 năm liên tiếp xếp ở vị trí Quán quân PCI, vấn đề đặt ra với Quảng Ninh đó là “làm sao duy trì được vị trí dẫn đầu, vượt qua chính mình”.

Thực tế này được minh chứng qua các chỉ số được đánh giá như tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương được cải thiện, chi phí không chính thức tiếp đà giảm; cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi hệ thống chính quyền cấp cơ sở. Đà cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng thanh, kiểm tra... cũng cần sự vào cuộc, nỗ lực hơn nữa từ chính quyền các địa phương để PCI không chỉ là chuyện “trụ hạng” hay “nâng hạng” của các tỉnh, thành phố mà còn giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế. Hơn thế, đây còn là chỉ số niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào những chuyển biến tích cực về tư duy và thái độ của chính quyền ở từng địa phương.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực