Đổi mới các công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập

Thứ hai, 19/10/2015 16:04

(ĐCSVN) - Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu thông qua việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Trong bối cảnh hội nhập đó, các chuyên gia cho rằng cần phải đổi mới các công cụ phòng vệ thương mại truyền thống, áp dụng linh hoạt hơn với các giải pháp mới để phù hợp với đòi hỏi của thực tế hiện nay.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Nguy cơ cạnh tranh hàng hóa trong bối cảnh hội nhập

Theo nghiên cứu của Trung tâm WTO và Hội nhập –(Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), tổng quan các FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán, theo bà Trang, tính từ FTA đầu tiên mà Việt Nam tham gia (CEPT/AFTA) năm 1996 đến nay (tháng 10/2015), Việt Nam đã ký kết 10 FTAs với 22 đối tác, trong đó có 1 FTA trong khuôn khổ ASEAN, 6 FTA ASEAN+ với các đối tác bên ngoài ASEAN, 3 FTA song phương (với Nhật Bản, Chi Lê, Hàn Quốc), 1 FTA đa phương (với Liên minh kinh tế Á Âu). 8 trong số 10 FTA đã có hiệu lực và đang được thực thi trên thực tế (2 FTA mới ký trong năm 2015, bao gồm FTA với Liên minh Á Âu chưa phát sinh hiệu lực).

Bản chất của FTAs là xóa bỏ hàng rào thuế quan và ngay lập tức thị trường Việt Nam sẽ được mở cửa hàng hóa. Nếu như trong WTO, Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm thuế cho khoảng 1/3 số dòng thuế thì trong hầu hết các FTA đã ký Việt Nam cam kết xóa bỏ tới 80-90% số dòng thuế.

Như vậy, với những động thái này, hàng hóa từ các nước có FTAs với Việt Nam đã có được con đường hầu như thuận lợi và không rào cản để vào thị trường Việt Nam. Và về mặt lý thuyết, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh gắn liền với thương mại hàng hóa quốc tế khi lưu lượng hàng hóa nhập khẩu càng gia tăng dưới tác động và hiệu ứng của các FTA thì nguy cơ này cũng sẽ tăng tương ứng.

Trên thực tế, đối với Việt Nam, nguy cơ này có thể còn cao hơn khi mà: các nước có FTAs đang nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đồng thời là những nước có hàng hóa bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Thái Lan…); Các loại hàng hóa mà Việt Nam đang nhập khẩu từ các đối tác FTAs cũng đồng thời thuộc các nhóm hàng hóa đứng đầu trong danh mục các loại hàng hóa bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới.

Tính tới tháng 10/2015, tổng số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài là 70, tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là 36; tổng số vụ điều tra chống trợ cấp là 7, tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là 4; tổng số vụ điều tra tự vệ là 17, và tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là 6.

Số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam tính tới tháng 10/2015 như sau: Tổng số vụ điều tra chống bán phá giá là 1, tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là 1; tổng số vụ điều tra tự vệ là 3, và tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là 1. Không có vụ việc nào liên quan tới chống trợ cấp.

Những vấn đề đặt ra...

Thống kê của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI thực hiện từ cuối năm 2014 với hơn 1.000 DN cho thấy: Khoảng 60-70% các doanh nghiệp được hỏi đã biết về công cụ phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp không chỉ biết về công cụ phòng vệ thương mại với tính chất là một rào cản ở nước ngoài mà còn biết đến chúng với tính chất công cụ có thể sử dụng ở trong nước để bảo vệ chính mình.

Đáng chú ý, khảo sát không cho thấy thống kê nào về sự tồn tại của các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu, nhưng lại cho biết cảm nhận của các doanh nghiệp về sự tồn tại của các nguy cơ này trên thị trường Việt Nam. Theo đó, có tới gần 1/3 các doanh nghiệp cho rằng có tồn tại hiện tượng hàng hóa nước ngoài bán sang Việt Nam với giá thậm chí còn rẻ hơn bán tại thị trường nước họ. Cụ thể, có tới gần 70% doanh nghiệp cho rằng hàng hóa nước ngoài có thể bán với giá rất thấp vào Việt Nam là do các biện pháp bất hợp pháp, trong đó có nguyên nhân chính là Chính phủ nước ngoài trợ cấp dưới các hình thức khác nhau hoặc do phía nước ngoài cố tình bán giá rẻ để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, hơn nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hiện tượng này khiến họ phải cạnh tranh vất vả hơn, tuy vậy, vẫn có thể chống đỡ được. Một số ít doanh nghiệp khác lại cho rằng các hiện tượng này không thể làm khó cho việc sản xuất kinh doanh của họ được, hoặc nếu có thì cũng không đáng kể.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải tập hợp những bằng chứng bán phá giá, bán hàng được trợ cấp, bằng chứng về những thiệt hại gây ra đối với mình, thuê luật sư tư vấn theo kiện… Đây là những yêu cầu cốt yếu cho mọi nguyên đơn trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Những công việc này đòi hỏi phải có chi phí lớn, vì vậy nếu không có sự chuẩn bị về nguồn lực, hiệu quả sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại sẽ rất hạn chế.

Kết quả điều tra về vấn đề này cho thấy có tới 86% số doanh nghiệp cho rằng nếu đi kiện thì mình sẽ gặp khó khăn trong huy động tài chính cho việc này (trong đó 52% cho là khá khó khăn, 34% cho rằng việc huy động này là rất khó khăn). Chỉ có 2% cho rằng chi phí kiện phòng vệ thương mại sẽ không là vấn đề gì lớn, 12% cho rằng dù có thể khó khăn nhưng sẽ là không quá lớn.

Liên quan đến khả năng chuẩn bị đội ngũ nhân lực theo kiện, kết quả khảo sát các doanh nghiệp của Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI về vấn đề này cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa. Cụ thể, trả lời câu hỏi “Nếu một thời điểm nào đó doanh nghiệp có ý định đi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, liệu nhân lực của doanh nghiệp có thể đảm nhiệm việc này chưa?”, chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng các cán bộ nhân viên của doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu. 48% cho rằng cán bộ nhân viên của mình có thể thực hiện việc này nhưng khó khăn. Và có tới 41% doanh nghiệp trả lời hoàn toàn không thể.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp?

Với những điều nêu trên, Việc tìm kiếm, đề xuất các giải pháp thích hợp để nâng cao khả năng hiện thực hóa các vụ kiện phòng vệ thương mại ở Việt Nam trong thời gian tới cần được tập trung thực hiện. Các đề xuất phải xuất phát từ các bất cập trong thực tiễn và hướng tới cả hai nhóm mục tiêu, năng lực của chính các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và cơ chế từ phía Nhà nước đề doanh nghiệp có thể làm được điều này.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, việc sử dụng hay không các công cụ phòng vệ thương mại trên thực tế phụ thuộc hầu như toàn bộ vào các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có tư cách đứng đơn có muốn và có năng lực sử dụng các công cụ này hay không, các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. Vì vậy, trước hết cần tập trung vào việc hỗ trợ cho nhóm chủ thể quan trọng này.

Thực tế này cho thấy, việc tiếp tục tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về công cụ phòng vệ thương mại có điểm thuận lợi nếu tiếp được đà hiểu biết hiện nay của họ. Mặt khác, cách thức tăng cường nhận thức sẽ phải sử dụng tới các kênh thông tin cho phép các doanh nghiệp hiểu sâu hơn, chính xác và đúng bản chất hơn về các công cụ này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp biết công cụ phòng vệ thương mại cần tính tới việc sử dụng công cụ này trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mình. Từ đó có sự chuẩn bị về con người, nguồn lực cho kịch bản này.

Ngoài ra, nhà nước cần công khai thông tin, hỗ trợ tìm kiếm, tập hợp số liệu chính thức thuộc kiểm soát của cơ quan Nhà nước, đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng các hình thức như: đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính liên quan tới việc đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp gắn với mục tiêu kiện phòng vệ thương mại; phối hợp hiệu quả, kịp thời với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra. Đặc biệt, quan trọng nhất, Nhà nước cần hoàn thiện về cơ sở pháp lý đối với công cụ phòng vệ thương mại…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực