Thành lập Hiệp hội Tre huyện Quan Sơn, Thanh Hóa

Thứ hai, 20/05/2024 16:43
(ĐCSVN) – Nhằm nâng cao giá trị cây tre luồng của tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Quan Sơn nói riêng, sau quá trình vận động tích cực, ngày 19/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1298/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Hiệp hội Tre huyện Quan Sơn.

Theo đó, Hiệp hội hướng tới tập hợp, đoàn kết các tổ chức, cá nhân kinh doanh phát triển tre luồng để hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, góp phần vào việc phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường bền vững.

 Cây "thoát nghèo" ở vùng Quan Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: Tổ chức Oxfam tại Việt Nam)

Hiện nay, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả tỉnh, với khoảng 92.662.45 ha. Hàng năm, sản lượng khai thác tre khá lớn. Thu nhập từ cây tre luồng chiếm khoảng 70% đến 80%. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quan Sơn có 51 cơ sở tham gia chế biến tre luồng, hộ cá thể. Tuy nhiên, các sản phẩm tre luồng của huyện hiện nay còn có giá trị thấp, chủ yếu là các sản phẩm qua chế biến thô, quy mô các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, năng lực yếu, hoạt động thiếu liên kết nên chưa mang lại sự đột phá về kinh tế - xã hội, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh tre luồng của huyện.

Trong nhiệm kỳ đầu 2024-2029, Hiệp hội Tre huyện Quan Sơn xây dựng và thông qua một số nhiệm vụ và chiến lược tập trung gồm: Kiện toàn bộ máy tổ chức, điều lệ hoạt động; xúc tiến thành lập các chi hội theo địa bàn, loại hình, ngành nghề sản xuất để hỗ trợ nhau phát triển vững mạnh; tập hợp, hệ thống hóa, số hóa và cung cấp các văn bản pháp quy hiện hành trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tre  cho các hội viên; xây dựng cơ sở dữ liệu và thường xuyên cung cấp các thông tin kinh tế - kỹ thuật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tre trong và ngoài nước cho các hội viên…

Dịp này, Phó Chủ tịch huyện Quan Sơn, ông Phạm Quang Tuấn, đề nghị Hiệp hội bám sát định hướng phát triển tre luồng xứ Thanh, từ đó, xây dựng những giải pháp để phát triển và quản lý bền vững nguồn tre. Đồng thời, Hiệp hội cần khẩn trương xây dựng quy chế hoạt động, xác định nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng chương trình hành động để thực hiện thành công nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội, bảo đảm hoạt động của Hiệp hội phải đồng hành, theo đúng định hướng phát triển tre luồng của tỉnh; Tổ chức thật tốt các dịch vụ từ sản xuất cây giống, trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến các sản phẩm tre phục vụ cho nhu cầu xã hội và xuất khẩu.

Một góc rừng luồng trên địa bàn Quan Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: PV) 

Cũng theo Phó Chủ tịch huyện, cần tiếp tục tuyên truyền, dạy, truyền nghề cho các hội viên và nhân dân, mở rộng đầu tư sản xuất, chế biến tinh, chuyên sâu và kinh doanh các sản phẩm tre luồng; Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phổ biến, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ với các hiệp hội, doanh nghiệp, sáng tạo, phát triển các sản phẩm tre phong phú về chủng loại, đẹp về mỹ thuật, có giá trị kinh tế cao.

Thanh Hóa hiện có 2 dự án lớn đang trong quá trình hoàn thiện là dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn và dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB starboo Thanh Hóa tại xã Ống Thiết, huyện Bá Thước. Đây là 2 dự án lớn liên quan đến tài nguyên tre luồng, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao về chế biến tre luồng, tạo ra các sản phẩm tre luồng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề để tỉnh Thanh Hóa đăng cai tổ chức hội nghị tre luồng thế giới.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực