Xác thực sinh trắc học - chiến dịch lớn bảo vệ khách hàng

Thứ năm, 04/07/2024 12:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xác thực sinh trắc học là “Một chiến dịch lớn, là điều bắt buộc phải làm, không thể khác được". Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện chống giả mạo, chống công nghệ deepfake, giả mạo ảnh tĩnh…
Hình ảnh tại Hội thảo 

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận về thực trạng và đề xuất các giải pháp trong việc bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay.

Ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo Quyết định 2345, từ ngày 1/7/2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá, việc triển khai quyết định này góp phần bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ được thực hiện bởi chính chủ tài khoản, qua đó sẽ nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Theo ông Dũng, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm 1 lớp bảo vệ nên chắc chắn sẽ an toàn hơn. Trường hợp khách hàng có làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ.

“Đây là một chiến dịch lớn. Là điều bắt buộc phải làm, không thể khác được. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện chống giả mạo, chống công nghệ deepfake, giả mạo ảnh tĩnh…”, ông Dũng nhấn mạnh. 

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: VG)

Thông tin tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, ngày 1/7, khi Quyết định 2345 có hiệu lực đã xuất hiện những ách tắc cục bộ trong việc xác thực sinh trắc học của các ngân hàng, nhưng sang ngày 2 - 3/7 đã thông suốt hơn. Các vướng mắc khác như ứng dụng chưa thông suốt đang được các ngân hàng xử lý và dự kiến hết tuần này cơ bản xử lý xong.

Tính đến 17 giờ ngày 3/7, có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ Công an. “Con số này có thể nói bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Về cơ bản, đa số người có tài khoản có thể xác thực được qua điện thoại có NFC. Số ít có vướng mắc và được các ngân hàng hỗ trợ tại quầy. Hiện có ngân hàng đã làm xong xác thực 2,6 triệu tài khoản khách hàng.”, ông Dũng cho hay.

Tại Hội thảo, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, hiện nay có rất nhiều đối tượng lừa đảo, nhất là lừa đảo thông qua không gian mạng. Ngay khi chúng ta triển khai chính sách mới, sự kiện mới, một số đối tượng ở nước ngoài đã liên hệ với cá nhân ở Việt Nam để giả danh nhân viên ngân hàng thực hiện hỗ trợ cập nhật sinh trắc học cho người dân. Các đối tượng này lợi dụng sự kiện mới nhanh chóng triển khai phương thức lừa đảo. Hiện có hàng trăm hàng nghìn phương thức lừa đảo. Mỗi khi có một chính sách mới, có sự kiện mới, các đối tượng lại tiếp tục nghiên cứu kịch bản để dẫn dụ người bị hại vào cạm bẫy, thậm chí tinh vi hơn như lợi dụng chính sách chuyển đổi số, chính sách cập nhật thông tin để dẫn dụ người dùng cài ứng dụng có chứa mã độc, hoặc truy cập vào đường link chứa mã độc, qua đó để chiếm dụng điện thoại, chiếm đoạt tài sản. Có những nhóm lừa đảo hoạt động như một nghề để kiếm sống, chỉ dành thời gian nghiên cứu sử dụng các phương thức lừa đảo qua không gian mạng để tìm kiếm người bị hại.

“Tôi cho rằng, sự xuất hiện và mức độ gia tăng của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng sẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới" - Trung tá Triệu Mạnh Tùng nói.

Từ thời điểm thực hiện cập nhật sinh trắc học đến nay, nhu cầu đăng ký sinh trắc học của người dân tăng cao, nên một số hành vi lừa đảo lại tái xuất. Các ngân hàng triển khai, nâng cấp kỹ thuật, tối ưu hóa để việc thực hiện sinh trắc của khách hàng được thuận lợi. Cùng với đó liên tục  đưa ra cảnh báo nạn lợi dụng hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo và khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác.

Cụ thể, đại diện Vietcombank cho biết, để triển khai thực hiện Quyết định 2345 của NHNN, các NHTM trong đó có Vietcombank đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Có các nhóm "trực chiến", xây dựng triển khai các quy trình, trao đổi truyền thông, đào tạo, bảo đảm "trực chiến" 24/7.

Đáng chú ý, ngay trước khi triển khai sinh trắc học từ 1/7, Vietcombank chính thức ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, bên cạnh bảo vệ bằng sinh trắc học, Vietcombank vẫn nâng cấp các lớp bảo vệ cho cách khách hàng. Đây được coi là đợt cập nhật, nâng cấp lớn nhất kể từ khi ra mắt lần đầu năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học chuyển tiền, người dân gặp trục trặc làm 5 lần chưa xong là đúng, nhưng sau hệ thống dần ổn định. "BIDV có 7.000 cán bộ được đào tạo hỗ trợ người dân 24/7 bằng nhiều hình thức. Tính đến đêm qua, hơn 1,7 triệu xác thực thành công sinh trắc học, trong đó có 166.000 thu thập tại quầy", bà Giao cho hay.

BIDV cũng khuyến cáo khách hàng chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học bằng một trong hai hình thức: Trên BIDV SmartBanking của khách hàng hoặc trực tiếp tại các chi nhánh/điểm giao dịch BIDV trên toàn quốc. Tuyệt đối không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác. Đồng thời, không cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Tuyệt đối cảnh giác và không truy cập vào đường dẫn (link) lạ qua Chat, tin nhắn SMS hoặc Email gửi đến điện thoại để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.

Ngân hàng Agribank cũng cho biết, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thao tác thực hiện thu thập sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng, nhiều đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ với khách để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học và từ đó thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách. “Khách hàng tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Agribank không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Tuyệt đối cảnh giác và không truy các đường link lạ qua Chat, SMS hoặc Email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin”, ngân hàng này cảnh báo.

Tại Hội thảo, ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Công nghệ thông tin chia sẻ, Ngân hàng SHB đã xây dựng hệ thống phòng thủ để ngăn ngừa tấn công mạng nhằm bảo vệ tối đa tài sản công cũng như tài sản của khách hàng trong hệ thống. Với Mobile app, SHB đã liên tục cảnh báo mạnh mẽ tới khách hàng qua đa dạng kênh như báo chí, sms, push app, website, tại quầy.... về các hình thức lừa đảo và biện pháp phòng tránh. Bên cạnh đó, Ngân hàng đang tăng cường hơn nữa các biện pháp kỹ thuật như mã hóa dữ liệu mạnh, bảo mật ứng dụng, xác thực mạnh.... trong đó có tuân thủ nghiêm ngặt Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về xác thực sinh trắc học trên giao dịch trực tuyến. Riêng đối với ngăn chặn giả mạo bằng deepfake, SHB cũng đang tiến hành sử dụng AI, Machine learning; áp dụng các giải pháp sinh trắc học nâng cao. Đội ngũ IT của Ngân hàng liên tục định kỳ kiểm thử bảo mật cũng như truyền thông cho khách hàng nâng cao cảnh giác cao độ hơn nữa. Hiện nay, SHB đang nỗ lực nhằm biến mobile app thành “thành trì” bảo vệ khách hàng bằng việc thiết kế các chức năng thông minh nhằm hiểu được hoạt động của người sừ dụng, phát hiện những hoạt động bất thường... qua đó giúp ngăn chặn những hành vi gian lận.

Phía NHNN, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, tiếp tục gia tăng bảo vệ độ an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đó là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản, Thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung về quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet…; triển khai hiệu quả Quyết định số 2345/QĐ-NHNN nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán nói riêng và sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán; đồng thời nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, kết nối liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác (như dịch vụ công, y tế, giáo dục, thương mại điện tử…) và kết nối thanh toán xuyên biên giới nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06, trong đó chú trọng khai thác thông tin Căn cước công dân gắn chip và tài khoản VNeID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách tiện lợi, an toàn, bảo đảm phòng ngừa rủi ro, tội phạm lợi dụng dịch vụ thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo.

Ngoài ra, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp các đơn vị chức năng trong việc phòng ngừa và điều tra, xử lý tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng…

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thể hiện, ứng dụng công nghệ 4.0 và phương tiện truyền thông hiện đại; hướng đến người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, giới trẻ, học sinh, sinh viên…

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực