Bài học đầu tiên khi tôi được làm cán bộ tư tưởng

*Bài viết của PGS.TS Đào Duy Quát - Con trai đồng chí Đào Duy Tùng
Thứ hai, 27/05/2024 11:07
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – 57 năm đã trôi qua (1967 - 2024), tôi luôn tâm niệm những điều người cha dặn tôi: Công tác tư tưởng là một khoa học, một nghệ thuật, tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của công tác tư tưởng là “được việc, được người, được tổ chức”, lời dặn đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Là cán bộ chuyên trách công tác tư tưởng từ 1967 đến 2016, từ cán sự chính trị đại đội, Tuyên huấn Trung đoàn, Sư đoàn, Quân chủng Phòng không Không quân, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, trong những ngày này, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha tôi – ông Đào Duy Tùng (1924 – 2024), tôi xin chia sẻ một vài kỷ niệm sâu đậm đầu tiên trong cuộc đời làm cán bộ tư tưởng của mình.

Đồng chí Đào Duy Tùng viếng thăm Đền thờ An Dương Vương,
xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội năm 1995. 

Năm 1963, khi tốt nghiệp phổ thông trung học (10/10), tôi nhận được hai giấy gọi: Đi học đại học ở nước ngoài và Nhập ngũ (nghĩa vụ quân sự). Vào một buổi sáng chủ nhật tháng 5/1963, bố tôi – ông Đào Duy Tùng, lúc ấy đang giữ nhiệm vụ Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, gọi tôi sang phòng của ông. Khi tôi vào phòng của bố tôi, tôi thấy bố tôi đang nói chuyện với một cán bộ quân đội – đồng chí chỉ huy trưởng thành đội Thành phố. Gặp tôi, đồng chí nói ngay: Cháu có giấy gọi nhập ngũ và giấy gọi đi học đại học ở nước ngoài, là con của một cán bộ cao cấp nên Ban Chỉ huy quân sự Thành phố quyết định hỏi ý kiến gia đình cháu về việc này. Bố cháu đề nghị với chú là cho Quát được suy nghĩ và lựa chọn, các chú đồng ý. Bố tôi nói, trước khi con trả lời các chú bên thành đội, bố nói với con một điều: Để có một bằng tốt nghiệp đại học thì lúc nào, thời gian nào cũng có thể thực hiện được. Nhưng đây là thời điểm hệ trọng: con vào đời, lập thân, rồi lập nghiệp, theo bố, để lập thân, làm người thì vào quân đội lúc này là môi trường tốt nhất.

Theo lời khuyên của bố, ngày 5/7/1963, tôi nhập ngũ. Biết điều kiện sinh hoạt vật chất trong quân đội còn nhiều khó khăn, thương con, mẹ tôi hằng tháng đều gửi cho tôi một phần tiêu chuẩn đường sữa, kẹo bánh của gia đình. Biết chuyện, trong thư gửi cho con, bố tôi có nhắc: Để trở thành anh bộ đội thực sự, con phải sống như các đồng đội của con.

Năm 1967, tôi được bổ nhiệm từ trung đội trưởng lên làm cán sự chính trị đại đội với quân hàm thiếu úy. Nhận nhiệm vụ cán sự chính trị đại đội, tôi viết thư cho bố, đề nghị ông gửi cho tôi cuốn sách “Giáo dục cộng sản” của Kalinin  - một nhà lãnh đạo, nhà tuyên truyền cổ động thiên tài của Đảng Cộng sản Liên Xô. Tôi có bày tỏ nguyện vọng muốn học nghệ thuật tuyên truyền của Kalinin.

Khoảng nửa tháng sau khi tôi gửi thư, bố tôi, trong chuyến đi công tác ở Hà Tây có đến trận địa phòng không ở Hòa Lạc thăm tôi. Sau khi thăm hỏi các anh em trong đơn vị, trong hơn 20 phút gặp riêng, bố tôi đã trao đổi và căn dặn tôi mấy điều: Tuần tới bố sẽ gửi cho con cuốn sách của Kalinin. Đây là cuốn sách quý giá và rất bổ ích cho cán bộ làm công tác tư tưởng. Con đọc cuốn sách này không chỉ tìm hiểu nghệ thuật tuyên truyền. Vì công tác tư tưởng là một khoa học, một nghệ thuật và do đó điều rất quan trọng là phải nắm và hiểu sâu mục đích của hoạt động tư tưởng là gì? Không phải chỉ để nói hay đâu. Sau khi các cấp lãnh đạo ra quyết định, cán bộ tư tưởng phải truyền bá cho sâu sắc nội dung tư tưởng và tình cảm trong các quyết định đó. Cho nên, việc đầu tiên, người tuyên truyền cổ động phải nghiền ngẫm để hiểu và nắm thật sâu sắc những nội dung cần truyền bá. Phải chuyển những nội dung, tình cảm trong các quyết định của lãnh đạo thành tư tưởng, tình cảm của chính mình, sau đó mới suy nghĩ, trao đổi cách truyền bá tới từng đối tượng như thế nào. Bố muốn lưu ý một điều: Tuyên truyền, cổ động không được dừng lại ở nói cho hay, được vỗ tay. Vì mục đích của một hoạt động tư tưởng, một đợt tuyên truyền cổ động phải nâng cao được nhận thức, tạo sự nhất trí cao và đặc biệt là cổ vũ, động viên mọi người thực hiện tốt nhiệm vụ. Chỉ có chuyển nhận thức thành tình cảm mới chuyển thành hành động cách mạng. Mục đích, hiệu quả của hoạt động tư tưởng, tuyên truyền cổ động là: hoàn thành nhiệm vụ (được việc), mọi người đều tiến bộ (được người), các tổ chức trong đơn vị đều trưởng thành (được tổ chức)… 

57 năm đã trôi qua (1967 - 2024), tôi luôn tâm niệm những điều người cha dặn tôi: Công tác tư tưởng là một khoa học, một nghệ thuật, tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của công tác tư tưởng là “được việc, được người, được tổ chức”, lời dặn đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kỷ niệm thứ hai, năm 1987, khi tôi là nghiên cứu sinh tại khoa công tác tư tưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, bố tôi là thành viên trong đoàn cấp cao của Đảng ta do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn dầu sang dự lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười ở Matxcơva, có vào Viện Hàn lâm khoa học xã hội (AON) thăm chúng tôi. Trong 30 phút trò chuyện với anh em nghiên cứu sinh Việt Nam tại Viện Hàn lâm, bố tôi có kể lại kinh nghiệm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phục vụ, xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng. Trong dự thảo Báo cáo Chính trị có một nhận định khi đưa xuống lấy ý kiến các địa phương và các ngành lại không được nhiều người đồng tình, đó là nhận định như một mặc định: Đường lối kinh tế Đại hội V là đúng, nhưng tổ chức thực hiện sai. Bộ Chính trị giao cho Tổ biên tập cùng Văn phòng Trung ương tổng hợp tiếp thu ý kiến đóng góp của Đại hội Đảng các cấp để hoàn chỉnh Dự thảo Báo cáo chính trị, Tổ trưởng Tổ biên tập có đề nghị và được lãnh đạo đồng ý là: Chuyển những nội dung chủ yếu trong đường lối kinh tế Đại hội V thành hình thức phiếu điều tra dư luận xã hội dưới dạng các câu hỏi để xin ý kiến đánh giá của 3000 cán bộ hợp tác xã, giám đốc các xí nghiệp và lãnh đạo các địa phương, thí dụ như các câu hỏi:

Chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh có phù hợp không? (Các phương án trả lời: Đúng – Không đúng – Khó trả lời);

Chủ trương đưa quy mô Hợp tác xã Nông nghiệp từ thôn, ấp lên quy mô toàn xã có phù hợp không? (Các phương án trả lời: Đúng – Không đúng – Khó trả lời);

- Chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý có đúng không? (Các phương án trả lời: Đúng – Không đúng – Khó trả lời).

Sau khi tổng kết được kết quả trả lời các câu hỏi qua phiếu điều tra dư luận xã hội và kết quả đi nghiên cứu thực tiễn cơ sở ở cả ba miền của Tổ biên tập và kết quả tổng hợp ý kiến đóng góp của Đại hội Đảng các cấp, Tổ biên tập báo cáo trung thực đầy đủ Bộ Chính trị. Từ kết quả các hoạt động trên, Bộ Chính trị có thêm thông tin cực kỳ quan trọng, nên đã thống nhất và đi tới một nhận định: Có một số sai lầm trong các chủ trương về cơ cấu kinh tế, cải tạo XHCN và cơ chế quản lý kinh tế, Bộ Chính trị giao cho tổ biên tập cùng bộ phận giúp việc của Tổng Bí thư xây dựng bản kết luận của Bộ Chính trị về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế. Ngày 20/09/1986 ban hành. Kết luận của Bộ Chính trị về một số vấn đề về quan điểm kinh tế tập trung vào 3 quan điểm kinh tế chủ yếu: về cơ cấu kinh tế, về cải tạo xã hội chủ nghĩa và củng cố quan hệ sản xuất mới thực sự đã mở ra bước đột phá cho việc hoàn thiện Báo cáo chính trị trình Đại hội VI thông qua.

Qua câu chuyện kể của bố tôi, tôi càng nhận thức sâu sắc: Công tác nghiên cứu lý luận là một bộ phận quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng. Muốn nghiên cứu lý luận tốt, phải gắn chặt với tổng kết thực tiễn. Muốn tổng kết tốt thực tiễn, phải nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật mà đặc biệt phải lắng nghe, tổng hợp được trí tuệ của toàn Đảng và của nhân dân./.

PGS.TS Đào Duy Quát

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực