Tưởng nhớ anh Đào Duy Tùng

Thứ tư, 29/05/2024 10:44
(ĐCSVN) - Mới đó, mà nay gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh (20/5/1924 - 20/05/2024), tôi hồi tưởng lại những ngày quen biết và có lúc được cộng tác với Anh. Hình ảnh Anh hiện lên trong tôi như một cuốn phim quay chậm, rõ ràng và sinh động.

Anh là một trong số ít các lãnh đạo cao cấp của Đảng mà tôi quý mến, kính trọng về tài năng và đức độ.

Đọc “Tuyển tập Đào Duy Tùng” chúng ta biết được tầm cỡ con người Anh, trong đó Anh nói về các chủ đề: bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, về con đường đi lên CNXH, về công tác tư tưởng.

Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Đào Duy Tùng
cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII  (năm 1991)

Báo chí cũng đã viết nhiều về cuộc đời và cống hiến của Anh. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anh, chắc sẽ có thêm bài viết. Riêng tôi, trong bài viết này, tôi chỉ hồi tưởng một số lần tiếp xúc với Anh đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt lúc Anh phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng, sau đó là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, còn tôi công tác ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, sau đó là trợ lý Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tiếp theo gần 10 năm là Phó Bí thư thường trực, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tuy chức trách mỗi người khác nhau, nhưng trong công việc có nhiều lúc trao đổi với nhau.

Tôi nhớ có hai việc lớn mà Anh đảm nhận lúc đó: là người chủ trì dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng và là người đồng chủ trì các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1991 Đại hội Đảng lần thứ VII công bố “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”. Trước đó, năm 1990, đã thành lập Ban dự thảo do anh Đào Duy Tùng phụ trách. Tôi được phân công làm Tổ trưởng tổ kinh tế của dự thảo. Chúng tôi và anh Đào Duy Tùng bàn bạc, xác định tính chất của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn mới. Tuy lúc đó chưa nêu khái niệm “kinh tế thị trường”, nhưng nội dung đề cập đã mang hàm ý đó. Cương lĩnh viết: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”[1].

Sau này mệnh đề trên được viết gọn lại là: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Có sự tham gia chỉ đạo của Anh, chúng tôi yên tâm và tin tưởng hơn những điều đã viết trong Dự thảo.

Một sự kiện khác, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII diễn ra năm 1994.

Dự thảo xin ý kiến Trung ương về 3 nguy cơ phải phòng chống: 1) Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; 2) Nguy cơ tham nhũng, quan liêu; 3) Nguy cơ diễn biến hòa bình.

Tại hội nghị tôi đăng ký phát biểu. Tôi bổ sung một nguy cơ nữa, “nguy cơ chệch hướng XHCN”. Tôi nói đại ý: Nếu không đề phòng, nguy cơ này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do các nguyên nhân khác nhau. Đó là sự chệch hướng trong thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách, luật pháp tuy đúng nhưng buông lỏng việc tổ chức chỉ đạo thực hiện cũng có thể dẫn đến chệch hướng.

Phiên họp Hội nghị Trung ương lần đó do anh Đào Duy Tùng điều hành. Từ lâu tôi đã có nhận xét Anh là người điều hành đích thực, đúng nghĩa của từ này. Đó là việc không chỉ xứng danh người phát biểu theo đăng ký. Anh còn nêu những ý kiến đáng lưu ý trong phát biểu của từng người, cả mặt được và mặt chưa rõ dưới dạng những câu hỏi gợi ý.

Lần ấy, Anh nói về bổ sung của tôi: “đây là vấn đề đáng quan tâm”.

Kết thúc cuộc họp buổi sáng hôm đó đúng 11 giờ 30.

Trưa hôm đó tôi về nhà, đang ngồi ăn cơm thì một cán bộ của Văn phòng Trung ương Đảng tên Lộc đến gặp tôi và nói: Anh Đào Duy Tùng muốn xin lại bài phát biểu của tôi tại hội nghị.

Tôi trả lời thành thực: Tôi bận quá không kịp viết bài, chỉ chuẩn bị trong đầu rồi nói. Nếu cần, ăn cơm xong tôi sẽ ghi lại những điều đã nói để báo cáo anh Đào Duy Tùng.

Hội nghị Trung ương đã nhất trí với bổ sung của tôi. Trong nghị quyết Trung ương, nó được xếp thứ 2 sau nguy cơ “tụt hậu về kinh tế”.

Tôi đánh giá Anh là nhà lãnh đạo, người điều hành hội nghị mẫu mực. Làm được như vậy vì Anh có tài năng và có trách nhiệm cao. Thiếu một trong hai cái đó thì không thể làm được.

Ảnh tư liệu 

Một chuyện khác. Giữa năm 1991, tôi được điều về Hà Nội để Đại hội bầu tham gia Ban chấp hành, tham gia Ban thường vụ và làm Phó Bí thư thường trực Thành ủy.

Sau một thời gian ngắn tôi đi khảo sát các loại hình Hợp tác xã ở Hà Nội, tôi đề xuất chủ trương thành lập “Hợp tác xã cổ phần”.

Phải chuyển sang HTX cổ phần vì thời gian đó hai vấn đề bức xúc nảy sinh: Cần đáp ứng vốn cho sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống xã viên.

Hầu hết quỹ sản xuất kinh doanh thời kỳ đó cạn dầu mà vốn tích lũy mới để bù đắp không có. Lại thêm năm 1985 Chính phủ cải cách giá, lương, tiền. Cuộc cải cách tiền tệ không thành công, lạm phát tăng phi mã, số tiền quỹ ít ỏi của hợp tác xã cũng bốc hơi hết. Chúng tôi thấy cần thiết phải chuyển sang HTX cổ phần để tháo gỡ một phần khó khăn. Bằng cách huy động cổ phần trong và ngoài HTX, cơ sở có thêm vốn để sản xuất kinh doanh, còn xã viên tăng thêm thu nhập vì ngoài lao động trực tiếp còn hưởng cổ tức nhờ vốn đóng góp. Chủ trương này được áp dụng trong các loại hình HTX như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải…

Chúng tôi đã làm thí điểm 300 HTX trên địa bàn Hà Nội.

Rất may mắn, chúng tôi được Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thường trực Ban Bí thư Đào Duy Tùng quan tâm sâu sắc. Hai đồng chí đã chấp thuận cho Hà Nội thực hiện chủ trương thí điểm, theo dõi sát sao trong quá trình triển khai. Và khi kết thúc, hai đồng chí đã dẫn đầu đoàn kiểm tra của Trung ương xuống Hà Nội đánh giá kết quả.

Chính đồng chí Đào Duy Tùng đã đưa việc xây dựng HTX cổ phần vào Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII.

Cùng năm 1996 Quốc hội đã thông qua Luật “Hợp tác xã cổ phần”.

Trong nghiên cứu khoa học, anh Đào Duy Tùng quan tâm đến vấn đề TKQĐ lên CNXH. Đã có vài lần tôi được trao đổi với anh về chủ đề này.

Thật trùng hợp, Anh được BCT giao nhiệm vụ làm Tổng Biên tập “Dự thảo Cương lĩnh Đảng năm 1991”. Và cũng rất trùng hợp, khi tên gọi của Cương lĩnh là “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”. Tất cả đều nằm trong suy nghĩ mà Anh nung nấu từ lâu. Nét đặc sắc trong tư duy của Anh là trung thành tuyệt đối với giáo huấn của C.Mác và V.I.Lênin, vận dụng sáng tạo vào Việt Nam, kế thừa những giá trị mà các bậc tiền bối, tiền nhiệm của cách mạng Việt Nam để lại.

Như tiêu đề của Cương lĩnh, từ khóa của Cương lĩnh là thời kỳ quá độ lên CNXH. Chỗ dựa cơ bản của lý luận là học thuyết về Hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác. Ngoài nó ra không có cái gì khác thay thế được. Đó là cuộc cách mạng về hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc làm cho xã hội này chuyển sang xã hội khác trong lịch sử nhân loại.

Trong tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gôta” C.Mác viết: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ…”[2].

Cái “xã hội kia” mà C.Mác nói ở đây không phải là xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên cơ sở của chính nó mà trái lại là một xã hội… vừa thoái thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra[3]. Nói cách khác đó là xã hội chủ nghĩa (chú thích của tác giả).

Cương lĩnh năm 1991 đã chỉ ra các phương hướng xây dựng hình thái kinh tế - xã hội. Xin nêu vắn tắt các nội dung đó:

1. Xây dựng Nhà nước XHCN do dân, vì dân.

2. Phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

3. Thiết lập quan hệ sản xuất XHCN từ thấp đến cao, thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN.

4. Cách mạng XHCN trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa.

5. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc, chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với các nước, trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.

6. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

7. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Tóm lại, kết thúc thời kỳ quá độ là khi xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của CHXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp.

Chỗ dựa lý luận thứ 2 để nghiên cứu cương lĩnh Đảng “Xây dựng đất nước trong TKQĐ lên CNXH” năm 1991 là học thuyết của V.I Lênin về TKQĐ nói riêng và cách mạng thế giới nói chung. Học thuyết của V.I Lênin là sự tiếp tục và bổ sung chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và khi nhiệm vụ xây dựng CNXH thực hiện ở nước Nga diễn ra sau cách mạng tháng 10 năm 1917.

V.I Lênin đã chỉ đạo nhiều vấn đề về TKQĐ, đặc biệt các bước đi của TKQĐ, về chính sách kinh tế mới, về nhiệm vụ trung tâm của TKQĐ qua luận điểm “Hai nửa của CHXH” (xem: “Về bệnh tả khuynh và tính tiểu tư sản”, Lênin toàn tập, NXB Tiến bộ, năm 1977, T.36, Tr.368-369, 372).

Về bước đi, trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, Tổng Bí thư Lê Duẩn đề xuất “Bước đi ban đầu của TKQĐ” là ổn định đời sống nhân dân, tích lũy bước đầu cho công nghiệp hóa.

Tiếp nối cách xác định của Tổng Bí thư Lê Duẩn, cương lĩnh Đảng năm 1991 viết “chặng đầu của TKQĐ ở VN” – một cách nói khác của “bước đi ban đầu” là: “Khắc phục khủng hoảng KT-XH, ổn định đời sống nhân dân, tích lũy bước đầu cho công nghiệp hóa”.

Tiếp đó chặng hai là: Về cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Dự kiến phải có chặng ba hoàn thiện kết thúc TKQĐ (Liên Xô tuyên bố kết thúc TKQĐ năm 1936).

Theo V.I Lênin, “nửa thứ nhất” của CNXH là thiết lập chính quyền Xô Viết, “nửa thứ hai” nhiệm vụ trung tâm là tạo lập cơ sở vật chất – kỹ thuật của CNXH. Cùng với những việc khác ở thượng tầng kiến trúc, làm được “hai nửa” đó, CNXH (trình độ thấp) sẽ hình thành trên thực tế.

V.I Lênin nói, khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, người ta cũng gọi là XHCN, nhưng đó là XHCN trên danh nghĩa, chưa có thực tế vì chưa có cơ sở vật chất – kỹ thuật tương ứng. Sau khi đã hoàn thành “nửa thứ hai”, chúng ta có CNXH (tuy trình độ còn thấp). Dĩ nhiên lúc này trên tổng thể không thể nói “theo định hướng XHCN” như trong TKQĐ nữa.

Trên đây là một vài vấn đề lý luận mà chúng tôi và anh Đào Duy Tùng đã trao đổi với nhau.

Về Anh, có một điều mà tôi nhớ mãi vì chưa thấy một lãnh đạo cao cấp nào làm. Đó là theo Điều lệ Đảng, đảng viên có quyền bảo lưu ý kiến của mình nếu khác ý kiến với số đông của tập thể. Đảng tôn trọng và không phân biệt đối xử với trường hợp này. Dĩ nhiên là đảng viên có ý kiến khác đó phải nói và làm theo quyết định chung của tập thể. Anh Đào Duy Tùng đã có một trường hợp như thế. Tôi cảm phục anh vì sự trung thực với lòng mình, nhưng kiên định nguyên tắc của Đảng. Tôi nghĩ nếu các Đảng Cộng sản khác trên thế giới cũng có cách hành xử như thế thì không bao giờ xảy ra những điều đáng tiếc.

Ảnh tư liệu 

Còn về cuộc sống đời thường của Anh, có những điều mà tôi nhớ mãi.

Hồi Anh làm Thường trực Ban Bí thư, Anh chuyển chỗ ở xa cơ quan về ngay đường Nguyễn Cảnh Chân, cũng vẫn căn phòng nhỏ, nhưng đối diện với số 4 bên kia đường là Văn phòng Trung ương Đảng. Nơi đây là chỗ làm việc của Anh ban ngày.

Anh đổi chỗ ở vì cần phải làm việc cả ban đêm nữa. Ở đó vừa yên tĩnh, vừa có đủ tài liệu, sách, báo để tham khảo. Chỉ cần đi mấy bước chân là sang đến Văn phòng Trung ương Đảng, bớt được thời gian và công sức để tập trung tối đa cho công việc.

Tôi nhớ có lần cùng Anh và đoàn công tác đi cơ sở tìm hiểu thực tế. Chúng tôi đến Công ty May 10 ở Gia Lâm. Sau khi làm việc xong, doanh nghiệp tặng mỗi thành viên một chiếc áo sơ mi mới, gọi là “cây nhà lá vườn”, Anh từ chối không nhận, lấy lý do là ở nhà có rồi. Doanh nghiệp không chịu, anh phải nhận. Nhưng sau đó anh nhường lại cho một thành viên khác trong đoàn. Chiếc áo sơ mi, bây giờ rất thường, nhưng ở “thời bao cấp” lúc đó nó có giá trị tương đối. Nghe nói, những chuyện như thế thường xảy ra nhiều trong các chuyến đi thực tế của Anh.

Nhiều người nói Anh “sạch” quá mức!

Nhưng có việc Anh lại rất thực tế. Tôi nhớ có lần Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó là anh Lê Văn Lương mời Anh và mấy đồng chí nữa, sau giờ làm việc buổi chiều đến Văn phòng Thành ủy trao đổi một vài vấn đề bức xúc. Anh Lương nói cuộc gặp có thể kéo dài một chút nên mời anh em ăn phở cho đỡ đói. Khi anh em đến nơi, ngồi chờ 5 – 7 phút vẫn chưa thấy động tĩnh gì, Anh Đào Duy Tùng nói lớn: Đã có phở ăn chưa, cho ăn đi mà làm việc! Lúc đó, những bát phở bốc hơi ngùn ngụt mới được đưa vào.

Đó là việc nhỏ, nhưng rất thực tế. Chúng tôi thấy đúng nhưng không ai nói ra vì bệnh sĩ diện vặt.

Anh là người có trái tim nóng, say mê làm việc không kể ngày đêm, tình trạng sức khỏe thế nào.

Tôi nhớ năm chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), Anh đi dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ một số ngành và địa phương tỉnh, thành phố. Một trong những lần như thế, Anh đã gặp điều không may tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Tại Đại hội, Anh kiệt sức, bị tai biến mạch máu não, bất tỉnh, không hay biết gì nữa.

Về Hà Nội, tôi đến thăm Anh nơi nghỉ dưỡng và chữa bệnh ở khu Biệt thự Hồ Tây. Tôi thấy Anh nằm, người gầy, da xanh xao, mặt hốc hác. Đặc biệt là đôi mắt lờ đờ không có thần sắc. Chắc Anh không còn nhận ra tôi nữa.

Thật đau xót khi chứng kiến cảnh bi thương này!

Tôi bỗng nhớ lại những ngày Anh còn đương chức, dù gặp Anh ở Nguyễn Cảnh Chân Hà Nội hay ở T78 thành phố Hồ Chí Minh, lúc ấy Anh là con người khác. Thời kỳ ấy Anh tràn đầy năng lượng sống, đôi mắt tinh anh, khi nói chuyện nhắm mắt lại một chút như để suy nghĩ điều gì, tay chân hoạt bát, nhanh nhẹn… Thời kỳ ấy nay đã qua đi vĩnh viễn rồi!

Đồng chí Đào Duy Tùng và đồng chí Lê Xuân Tùng trong chuyến công tác tại Trung Quốc. 

Mấy năm sau tôi xem cuốn album cũ, thấy có tấm ảnh tôi và Anh chụp chung. Tôi nhớ lại xem chụp ở đâu, nhân sự kiện nào?

Lúc ấy là năm 1985. Với tôi, có hai hoạt động đối ngoại đáng chú ý. Đầu năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng cử tôi làm Trưởng đoàn đi dự Đại hội Đảng xã hội Pháp. Mùa hè năm đó tôi là thành viên đoàn đại biểu Đảng ta cho đồng chí Đào Duy Tùng dẫn đầu theo lời mời của Đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm nước bạn. Ở Trung Quốc, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân tiếp chung tôi tại Trung Nam Hải. Đồng chí Giang nói trong buổi tiếp: Tôi nghe nói trong đoàn của Việt Nam có hai đồng chí đã từng học ở Trung Quốc. Một đồng chí học ở Bắc Kinh (tức đồng chí Đào Duy Tùng học lý luận Mác-Lênin vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước), còn một đồng chí nữa học ở Nam Ninh (tức là tôi học ở khu học xá Trung ương của Việt Nam đóng ở đây vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước).

Anh và tôi có đi thăm Vạn Lý Trường Thành. Chúng tôi tìm nơi cao ráo, thắng cảnh, cùng chụp chung bức ảnh làm kỷ niệm.

Tôi còn lưu giữ bức ảnh đó đến tận bây giờ.

Tháng 5/2024


[1]“ Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới”, Nhà xuất bản CTQG, Hà nội 2005, Tr.317

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen Tuyển tập, T.4, NXB CTQG, HN 2001, Tr 524.

[3] Như trên, Tr 510.

GS. Lê Xuân Tùng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực