Đồng chí Đào Duy Tùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Thứ sáu, 24/05/2024 08:05
(ĐCSVN) - Đồng chí Đào Duy Tùng được nhìn nhận là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược trong việc định hình và thúc đẩy công tác đào tạo cán bộ và giáo dục ở Việt Nam. Trên nhiều cương vị, qua nhiều tác phẩm, các bài nói, bài viết của đồng chí thể hiện nhất quán quan điểm giáo dục lý luận chính trị là gắn lý luận với thực tiễn. Quan điểm này đã có sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Những cống hiến của đồng chí Đào Duy Tùng trong việc xây dựng và tuyên truyền giáo dục lý luận

Đồng chí Đào Duy Tùng, một trong những nhà lý luận hàng đầu của Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới. Gắn bó với công tác tư tưởng lý luận hơn 30 năm, suốt từ tháng 5/1955 đến năm 1998, đồng chí đã dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng. Trong ngành Tuyên huấn, đồng chí đã lần lượt giữ cương vị Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học, Phó Trưởng ban kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Viện trưởng Viện Mác - Lênin và Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Với tất cả tâm huyết, tận tụy, sự quyết liệt trong chỉ đạo của đồng chí, giai đoạn này đã chứng kiến sự phát triển sôi nổi của công tác huấn học. Ban Tuyên huấn Trung ương thành lập một vụ biên soạn chương trình, sách giáo khoa lý luận chính trị cho toàn Đảng, một nhà xuất bản chuyên về sách giáo khoa Mác - Lênin. Chương trình giảng dạy, sách giáo khoa đều được biên soạn có hệ thống. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Phương pháp giảng dạy và học tập, cách thức tổ chức, hình thức học tập, công tác quản lý giáo dục lý luận chính trị có nhiều đổi mới.

Đồng chí Đào Duy Tùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư và các đồng chí lão thành cách mạng xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội năm 1994. 

Đánh giá về những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng trong công tác tư tưởng, lý luận; tuyên truyền và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng đinh: “Hầu hết quãng thời gian hoạt động ở Trung ương, khi được phân công phụ trách Tuyên huấn, đồng chí dành nhiều công sức cho nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị và đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh sắc bén, nghiêm túc, có hiệu quả chống lại các quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng”1.

Giáo sư Đào Nguyên Cát ghi nhận: “Hàng chục năm, đồng chí đã hoạt động trên cương vị một Tư lệnh chiến trường của Đảng, trên mặt trận tư tưởng lý luận, vừa là người trung thành với nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời vừa là người đổi mới có nguyên tắc chủ nghĩa Mác - Lênin”2.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh: “Gần 40 năm gắn bó với công tác Đảng, công tác tư tưởng lý luận, đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần hình thành các Nghị quyết Đại hội III, IV, V, VI, VII, VIII. Đồng chí cũng đã chỉ đạo các hoạt động giáo dục lý luận chính trị: chỉ đạo biên soạn các giáo trình lý luận chính trị từ cơ sở, trung cấp đến cao cấp. Từ năm 1992-1995 với cương vị Chủ tịch Hội đồng Trung ương, đồng chí đã chỉ đạo hoàn thành việc biên soạn Bộ giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền cương lĩnh, đường lối, chính sách qua các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II, III, IV, V, VI, VII”3.

Đồng chí Đào Duy Tùng được nhìn nhận là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược trong việc định hình và thúc đẩy công tác đào tạo cán bộ và giáo dục ở Việt Nam. Trên nhiều cương vị, qua nhiều tác phẩm, các bài nói, bài viết của đồng chí thể hiện nhất quán quan điểm giáo dục lý luận chính trị là gắn lý luận với thực tiễn. Quan điểm này đã có sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đến nay, công cuộc đổi mới đất nước đã thu được nhiều thành tựu cả về lý luận và thực tiễn, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có bước phát triển mới về chất. Những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng trong giáo dục lý luận chính trị, nhất là quan điểm gắn lý luận với thực tiễn vẫn còn ý nghĩa lớn đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay.

Quan điểm giáo dục lý luận chính trị gắn lý luận với thực tiễn của đồng chí Đào Duy Tùng

Tư duy lý luận và những hoạt động thực tiễn của đồng chí Đào Duy Tùng trong công tác giáo dục lý luận chính trị thể hiện nhất quán quan điểm gắn lý luận với thực tiễn. Quan điểm đó thể hiện trên một số phương diện sau:

Một là, vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị.

Trong cuốn “Một số vấn đề về công tác tư tưởng”, đồng chí Đào Duy Tùng đã đưa ra quan niệm về công tác giáo dục lý luận chính trị khá toàn diện từ khái niệm, mục đích, vai trò của giáo dục lý luận chính trị. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, theo đồng chí, giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng: “Giáo dục lý luận chính trị có nghĩa là truyền bá những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối và quan điểm tư tưởng của Đảng vào cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”4. Đó là quá trình tác động vào đối tượng bằng cách trình bày, giải thích một cách khoa học những khái niệm, những quy luật, những quan điểm…, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nắm được những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối, quan điểm của Đảng, nâng cao phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn của họ, hướng dẫn họ vận dụng những hiểu biết ấy và cuộc sống. Do đó, mục đích cơ bản của công tác giáo dục lý luận chính trị là: “Học để hành. Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”5.

Mặt khác, trong khi khẳng định tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị trong toàn bộ hoạt động của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đã phân tích, lý giải vai trò quan trọng của công tác này bắt nguồn từ vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với quá trình phát triển của xã hội với tư cách là khoa học cách mạng của giai cấp công nhân và là hệ tư tưởng của toàn dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nâng cao trình độ lý luận Mác – Lênin cho cán bộ, đảng viên là việc làm thường xuyên của Đảng, bởi vì lý luận Mác – Lênin soi sáng cho Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng. Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng nên giáo dục và nghiên cứu lý luận là một công tác quan trọng bậc nhất của mỗi chính đảng Mác - Lênin. Việc nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong mỗi cán bộ, đảng viên là điều kiện tiên quyết để tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm cho sự đoàn kết thống nhất ấy có cơ sở khoa học thật vững chắc6. Từ việc đưa ra khái niệm, khẳng định vai trò và mục đích giáo dục lý luận chính trị cho thấy rõ quan điểm của đồng chí Đào Duy Tùng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là gắn lý luận với thực tiễn.

 Đồng chí Đào Duy Tùng coi công tác giáo dục lý luận chính trị là nhiệm vụ xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.  

Hai là, cải tiến công tác giáo dục lý luận chính trị.

Cải tiến công tác giáo dục lý luận chính trị được đồng chí Đào Duy Tùng đề cập tới ở nhiều góc độ khác nhau như: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nội dung chương trình, xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng hệ thống trường giáo dục lý luận chính trị, quản lý công tác giáo dục lý luận chính trị, xây dựng cơ sở vật chất và tăng cường phương tiện. Theo đồng chí, đổi mới giáo dục lý luận chính trị, vấn đề then chốt là nâng cao chất lượng, hiệu quả của đào tạo, bồi dưỡng. Mà yêu cầu quan trọng hàng đầu là lý luận chính trị phải bám sát với những biến đổi không ngừng của thực tiễn; đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phong phú.

Cụ thể trong tác phẩm “Một số vấn đề về công tác tư tưởng”, đồng chí đã phân tích những nhiệm vụ mới của đất nước đang đặt ra yêu cầu mới đối với việc đổi mới giáo dục lý luận chính trị. Đó là, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ lâu dài này đòi hỏi công tác giáo dục lý luận chính trị phải có bước phát triển mới về chất lượng góp phần nâng cao trình độ chính trị, năng lực công tác, phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tương xứng với yêu cầu của những mục tiêu chính trị, góp phần tăng cường một bước quan trọng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần xây dựng những phẩm chất của con người mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng thượng tầng kiến trúc về tư tưởng, làm cho tư tưởng Mác - Lênin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Để thực hiện thành công nhiệm vụ lâu dài trên, nhiệm vụ hàng đầu lúc này là làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấu suốt đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao một cách cơ bản trình độ chính trị và tính tự giác trong hoạt động của cán bộ, đảng viên và nhân dân7.

Nhiệm vụ trước mắt cũng như nhiệm vụ lâu dài của đất nước sau năm 1975 đòi hỏi phải cải tiến công tác giáo dục lý luận chính trị trong Đảng từ việc học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, quan điểm của Đảng, đến việc cải tiến nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị, chất lượng báo cáo các vấn đề lý luận chính trị. Việc cải tiến giáo dục lý luận chính trị phải được tiến hành một cách sâu sắc vừa nhằm mở rộng phạm vi giáo dục lý luận Mác - Lênin, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị.

Yếu tố “thực tiễn” được đồng chí Đào Duy Tùng bàn đến rất phong phú, không chỉ là nhiệm vụ lâu dài và trước mắt của đất nước sau giải phóng miền Nam mà còn là những thành tựu của cách mạng khoa học - kỹ thuật, sự biến đổi nhanh chóng của con người Việt Nam… Bằng việc chỉ ra những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin; nhiều nước đã sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại để tuyền bá tư tưởng nhanh chóng, đồng chí khẳng định, để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cần phải chủ động, kịp thời tiếp thu những thành tựu khoa học hiện đại - khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng như những bài học kinh nghiệm đã được tổng kết của phong trào cộng sản quốc tế để làm phong phú nội dung giáo dục, đào tạo. Khi bàn về vấn đề này, đồng chí cũng nhấn mạnh, cần quán triệt hơn nữa phương châm lý luận phải gắn với thực tiễn. “Chất lượng của giáo dục được thể hiện ở trình độ nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin; bảo đảm hình thành được phong cách tư duy khoa học, độc lập và sáng tạo của người học, ở trình độ quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, ở niềm tin của người học vào đường lối, quan điểm đó và khả năng vận dụng những điều đã học vào hoạt động thực tiễn”8. Mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng lý luận là nâng cao khả năng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác bảo đảm hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị được giao. Xử lý các tình huống trong thực tiễn được xem là thang đo quan trọng nhất của giáo dục lý luận chính trị.

Như vậy, quan điểm của đồng chí Đào Duy Tùng về công tác giáo dục lý luận chính trị không phải là việc làm trừu tượng, càng không phải là một loại lý thuyết xa rời cuộc sống mà là nhiệm vụ xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, giáo dục lý luận chính trị cần phải trình bày những vấn đề lý luận chính trị một cách khoa học, sinh động, dễ hiểu, có sức thuyết phục, đặc biệt phải có tính thực tiễn sâu sắc góp phần làm cho quần chúng hiểu rõ những vấn đề lý luận, đường lối và chuyển biến thành hành động thực tiễn.

Ba là, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị

Xuất phát từ vị trí, vai trò của người giảng viên trong giáo dục, đồng chí Đào Duy Tùng khẳng định đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị là nhiệm vụ then chốt của công tác cải tiến giáo dục lý luận chính trị. Giảng viên lý luận chính trị là người “đem đến cho quần chúng món ăn tinh thần bổ ích. Đó là thế giới quan Mác -Lênin, đường lối quan điểm của Đảng, cách xem xét khoa học các vấn đề của cuộc sống”9. Đồng chí cho rằng “phải đứng trên quan điểm giai cấp công nhân để xem xét và giải quyết vấn đề bồi dưỡng, đào tạo và tổ chức đội ngũ giảng viên lý luận chính trị”10. Từ đó, đồng chí đã đề ra các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận, chính trị phải hội tụ các yếu tố: có tính Đảng cao; có sự hiểu biết sâu sắc về lý luận Mác - Lênin, về đường lối, quan điểm của Đảng; có vốn sống phong phú, hiểu biết nhiều về đời sống xã hội; có trình độ văn hóa và nghiệp vụ giảng dạy.

Về tính Đảng, nhiệm vụ của đất nước hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới và con người mới. Phấn đấu để cho tư tưởng Mác -Lênin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của nhân dân. Do vậy cần phải bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ trung thành với đường lối chính trị của Đảng, tận tụy phục vụ lợi ích của nhân dân, có nhãn quan chính trị sáng suốt, có khả năng tổ chức và thuyết phục quần chúng, có trình độ sư phạm cao.

Lễ kết nạp đội viên của học sinh tường Tiểu học Cổ Loa tại Nhà lưu niệm đồng chí Đào Duy Tùng

Người giảng viên lý luận chính trị phải là người có tính đảng cao, là người chiến sỹ của Đảng trên mặt trận tư tưởng, đồng thời phải có “vốn sống”, “nghĩa là phải qua thực tiễn sản xuất, chiến đấu và công tác, phải có sự hiểu biết sâu sắc về xã hội”. Đây cũng là tiêu chuẩn bắt buộc. Không có vốn sống không có hiểu biết về đời sống xã hội thì không thể gợi ý cho người học phương hướng suy nghĩ giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Với cách dẫn lời của nhà giáo dục nổi tiếng Liên Xô, đồng chí Đào Duy Tùng đã nhấn mạnh yêu cầu người giảng viên lý luận chính trị phải có thực tiễn phong phú, phải kết hợp được giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động giảng dạy của mình. M.I.Kalinin - nhà cách mạng Bolshevik viết “các anh sẽ làm việc với con người. Tiểu thuyết đối với hoạt động xã hội giống như môn sinh lý học đối với nhà y học. Nhà y học nghiên cứu về thân thể con người, còn nhà tiểu thuyết thì dạy chúng ta nhận thức tính cách con người. Trong công tác của chúng ta nếu hiểu biết tiểu thuyết sẽ giúp chúng ta hiểu con người hơn”11.

Bốn là, cải tiến phương pháp giáo dục lý luận, chính trị

Trong khi khẳng định vai trò quan trọng của phương pháp giáo dục đối với toàn bộ công tác giáo dục lý luận chính trị và sự thống nhất giữa nội dung, phương pháp giáo dục, đồng chí Đào Duy Tùng chỉ ra phương hướng cải tiến phương pháp giáo dục là phải thực hiện hiệu quả “phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn”. Nhằm hiện thực hóa các phương hướng cơ bản trong cải tiến phương pháp học tập của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng: “quán triệt hơn nữa phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn bảo đảm đầy đủ tính khoa học, tính chiến đấu trong nội dung giảng dạy”, đồng chí đã lý giải phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn xuất phát từ đặc tính của lý luận Mác - Lênin là vừa nhận thức thế giới, vừa cải tạo thế giới. Vận dụng phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn trong học tập có nghĩa là dùng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để nhận thức những vấn đề thực tiễn của cách mạng, tìm hiểu quá trình vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng trong hoạch định chủ trương, đường lối cách mạng, do đó hiểu sâu sắc hơn đường lối, quan điểm của Đảng và quá trình thực hiện. Trong giảng dạy và học tập, thực hiện phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn có nhiều mức độ khác nhau từ thấp đến cao, từ nông đến sâu. Lý luận gắn bó thực tiễn là phương châm giáo dục căn bản của tất cả các đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Phương châm ấy phải được quán triệt trong toàn bộ các khâu giáo dục, học tập: xác định yêu cầu, nội dung giảng dạy, nghiên cứu cá nhân, thảo luận, kiểm tra, viết luận văn cuối khóa… Như vậy, theo đồng chí Đào Duy Tùng, cải tiến, đổi mới phương pháp giáo dục xuất phát từ đặc tính của lý luận Mác - Lênin, là phương châm căn bản của các đảng mác xít và là “trách nhiệm của tất cả những người làm công tác lãnh đạo giáo dục, các giảng viên, học viên”12.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác đào tạo cán bộ nói chung, công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, quá trình xây dựng và phát triển đất nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra hệ thống các quan điểm, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong tình hình mới. Trong đó chỉ rõ phương châm, đổi mới căn bản nội dung, chương trình phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng “khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”13. Tìm hiểu cuộc đời, hoạt động và những tác phẩm của đồng chí Đào Duy Tùng bàn về giáo dục lý luận chính trị, thấy nổi bật, xuyên suốt quan điểm: lý luận gắn với thực tiễn. Đồng chí đã tiếp cận vấn đề đổi mới công tác giảng dạy lý luận chính trị trên tinh thần của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng với tư duy khách quan, độc lập, sáng tạo. Phải đặt trong bối cảnh của ngành tư tưởng, lý luận khi đó mới thấy được sự nghiêm túc, kiên định lập trường của người cộng sản và tinh thần đổi mới, sáng tạo của đồng chí Đào Duy Tùng. Quan điểm này đến nay vẫn còn có ý nghĩa và mang tính nguyên tắc trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dù tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi lớn so với quãng thời gian đồng chí bàn về công tác giáo dục lý luận chính trị.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024) là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu những đóng góp, cống hiến của đồng chí trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đề cập trên nhiều phương diện, từ lý luận về công tác giáo dục lý luận chính trị, nâng cao chất lượng, các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nội dung, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, hệ thống trường Đảng… Những đóng góp xuất sắc của đồng chí cho sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam về lý luận trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị sẽ là cẩm nang cho quá trình đổi mới giáo dục lý luận chính trị hiện nay. Đồng thời, chính cuộc đời hoạt động, sự sâu sát, dấn thân vào thực tiễn của đồng chí mãi là tấm gương sáng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay.

-------------

Chú thích

1. Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 270- 271.

2. Đào Duy Tùng: Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.305.

3. https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/dao-duy-tung--nguoi-cong-san-kien-trung-tan-tuy-suot-doi-phan-dau- cho-ly-tuong-cong-san-246590.html

4. Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng (xuất bản lần thứ hai), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1999, tr.165

5. Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng (xuất bản lần thứ hai), Sđd, tr.167

6. Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng (xuất bản lần thứ hai), Sđd, tr.174

7. Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng (xuất bản lần thứ hai), Sđd, tr.206

8. Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng (xuất bản lần thứ hai), Sđd, tr.209

9. Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng (xuất bản lần thứ hai), Sđd, tr.224

10. Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng (xuất bản lần thứ hai), Sđd, tr.224

11. Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng (xuất bản lần thứ hai), Sđd, tr.227

12. Đào Duy Tùng: Một số vấn đề về công tác tư tưởng (xuất bản lần thứ hai), Sđd, tr.236

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t2, tr.235./.

Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực