Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên: Còn đó bất cập cần tháo gỡ!

Thứ sáu, 19/03/2021 10:15
(ĐCSVN) - Bộ GD&ĐT mới ban hành "chùm" Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non, giáo dục phổ thông đến đại học. Xung quanh vấn đề này còn đó những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ.
TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội: Vấn đề không nằm ở “cái” chứng chỉ

Như chúng ta đều biết, phát triển nghề nghiệp chuyên môn liên tục, thường xuyên đối với giáo viên là một nhiệm vụ bắt buộc và cần thiết mà không cần phải kèm theo bất cứ một yêu cầu, mệnh lệnh hành chính nào. Đây là một nhiệm vụ tự thân, là trách nhiệm của mỗi giáo viên một khi tham gia vào nghề giáo.

Về phía giáo viên, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp là nhu cầu chính đáng, khẳng định uy tín, trình độ và năng lực phẩm chất của giáo viên qua quá trình tu dưỡng và phấn đấu. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp này cần có những “mốc” để ghi nhận, đánh giá, thậm chí là suy tôn giá trị của nhà giáo. Vì vậy mới có các văn bản qui phạm pháp luật qui định các thủ tục và yêu cầu nhiệm vụ cho từng “chặng” hoạt động.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư số 01, 02, 03 và 04 để điều chỉnh một số nội dung việc Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập mầm non và phổ thông. Trong Thông tư có qui định rõ về việc có chứng chỉ bồi dưỡng như một văn bản xác tín, minh chứng và công nhận những hoạt động cần thiết mà giáo viên đã thực hiện. Đây chỉ là những yêu cầu, điều kiện cần cho một hồ sơ ứng viên thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Và điều này là hoàn toàn bình thường theo những qui định của pháp luật hiện hành.

Như vậy sự cần thiết là những hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên của giáo viên (có thể theo các tiêu chí khác nhau; trong trường hợp này là theo tiếp cận “thăng hạng chức danh nghề nghiệp”), còn “cái” chứng chỉ chỉ là một minh chứng xác nhận cho hoạt động đó một cách chính thức.

Bản nhân tôi cho rằng cấu trúc của chương trình bồi dưỡng là phù hợp, bao quát được những lĩnh vực mà hoạt động nghề nghiệp chuyên môn của giáo viên chịu tác động, kể cả về kiến thức, kĩ năng và phẩm chất, đạo đức. Chương trình này cũng đáp ứng được những yêu cầu mà Chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện hành đang hướng đến với tư cách là bộ công cụ để giáo viên tự đánh giá chính mình.

Tuy nhiên, có thể cần phải điều chỉnh một số điểm. Đó là, khung chương trình được ban hành từ năm 2016, nên đến nay cần phải có các nội dung điều chỉnh, cập nhật thêm. Có như vậy mới tạo được sự hấp dẫn, thực sự có chất lượng với nghĩa là “bồi dưỡng”, đáp ứng nhu cầu thiết thực của giáo viên. Ví dụ, có rất nhiều vấn đề chiến lược, chính sách, định hướng giáo dục đã được ban hành, hiện thực hóa trong thời gian qua rất cần được cập nhật, phổ biến cho đội ngũ giáo viên; các yêu cầu kĩ năng chung, ví dụ như kĩ năng số, dạy học online… cũng cần được bổ sung cập nhật thêm.

Bên cạnh đó, cách thức tổ chức bồi dưỡng cũng cần liên tục điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp với bối cảnh xã hội, công nghệ, nhu cầu từ phía giáo viên (ví dụ tăng cường bồi dưỡng trực tuyến, thay đổi cách đánh giá…). Nên giao cho một số đơn vị có đủ uy tín, thẩm quyền và năng lực để biên soạn, cập nhật nội dung bồi dưỡng, tổ chức triển khai bồi dưỡng tránh tràn lan. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ hiện nay thì vấn đề này không còn là thách thức rào cản như trước nữa.

Cùng với đó nên có các văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể để giáo viên có thể tiếp cận hiểu rõ ý nghĩa của chương trình bồi dưỡng; coi chương trình bồi dưỡng này như là một kênh thông tin để cập nhật kiến thức kĩ năng chuyên môn nghề nghiệp chứ không phải là những “đề bài” để chuẩn bị làm bài tập lấy chứng chỉ.

TS Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT). (Ảnh: TL)

TS Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT): Chính sách lương của giáo viên được mở rộng và có hệ số cao hơn

Bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư số 01, 02, 03 và 04 để điều chỉnh một số nội dung trong các thông tư số 20, 21, 22 và 23 đã được liên Bộ ban hành năm 2015 về  việc Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghê nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập mầm non và phổ thông (Tiêu chuẩn nghề và xếp lương). Sở dĩ có sự điều chỉnh tới cả một cụm thông tư như vậy là có lý do của nó, đó là chúng ta cần sớm đưa các Luật Giáo dục (2019) và Luật Viên chức (2010); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (2019) vào thực tế cuộc sống vốn rất đang sôi động trong lĩnh vực GD&ĐT.

Chính thức tới ngày 20/3 này các tiêu chí giáo viên có trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học và trình độ ngoại ngữ thứ 2 của tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng, được bãi bỏ. Các trường học từ mầm non tới tiểu học, THCS và THPT thở phào nhẹ nhõm, như trút bỏ dược gánh nặng, không khác gì đã cởi được nút thắt, một quy định thật không nên có khi áp dụng đồng loạt với tất cả các giáo viên phải có chứng chỉ trình độ.

Tuy nhiên, yêu cầu về năng lực sử dụng ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin không “đoạn tuyệt” với nhà giáo mà tiếp tục được đưa vào tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trong tất cả các hạng nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Đây lại điểm mừng cho giáo viên, bởi vì nó là kỹ năng không thể thiếu của mỗi người viên chức trong xu hướng hội nhập và thời đại công nghệ 4.0.

Chính sách lương của giáo viên được mở rộng và có hệ số cao hơn, ở cả hai phía tối thiểu và tối đa trong mỗi hạng. Thay vì hưởng mức lương khởi điểm 1,86 (mầm non và tiểu học) và 2,10 (THCS) như trước đây, nay được hưởng mức lương khởi điểm tương ứng là 2,10 và 2,34. Qua khảo sát sơ bộ ở một số cơ sở giáo dục, cho thấy số giáo viên có thâm niên dưới 12 năm được hưởng lợi nhiều hơn so với giáo viên có thâm niên dưới 24 năm. Riêng số giáo viên lớn tuổi, sắp nghỉ chế độ hưởng lợi về lương theo thông tư mới là không đáng kể.

Ngoài ra những quy định về nhiệm vụ, danh hiệu thi đua, khen thưởng thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên được thống nhất chung và mở rộng để giáo viên ở mọi cấp học, môn học đều thuận lợi phấn đấu, thực hiện.

Thế nhưng vấn đề bật cập ở chỗ, giáo viên phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn nghề của hạng hiện giữ thì mới được bổ nhiệm vào hạng tương ứng. Cuộc đua “chạy” chứng chỉ lại tiếp tục diễn ra. Nhiều trung tâm, cơ sở giáo dục đã và đang đưa ra những lời mời chào đi học với mức giá khác nhau, rồi rầm rộ tuyển sinh. Thậm chí, mỗi nơi đưa ra một chỉ dẫn, kèm theo những thông tin như không đi học sẽ không được thăng hạng, thậm chí bị tụt hạng, bị giảm lương. Thực tế, quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã có từ trước và cũng đã có nhiều giáo viên trên toàn quốc đăng ký học. Tuy nhiên, có thể thông tư mới này ghi “hiệu lực từ 20/3/2021” nên giáo viên lo lắng vì thời gian còn quá ngắn.

Ước ao, giáo dục lại được quay về thời kỳ giáo viên được nhận phụ cấp đứng lớp 30% tới 35% và trợ cấp thâm niên 1% mỗi năm (xuất phát từ 5%). Có vậy, tổng lương thực giáo viên được lĩnh mới cao hơn mức lương mới hiện hành./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực