Bắt giữ thành công đối tượng chiếm đoạt 1,4 tỷ đồng rồi bỏ trốn
|
Lực lượng công an làm việc với đối tượng Nguyễn Hoàng Giang. |
Ngày 4/12, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bạc Liêu) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an Phường 7, thành phố Bạc Liêu bắt giữ thành công đối tượng truy nã Nguyễn Hoàng Giang (sinh năm 1970, ngụ ấp An Khương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), là đối tượng có quyết định truy nã về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ của cơ quan công an, vào năm 2023, Nguyễn Hoàng Giang sử dụng thủ đoạn gian dối để vay số tiền 1,4 tỷ đồng của người khác rồi chiếm đoạt. Trên cơ sở chứng cứ thu thập được, ngày 22/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Kiên Giang) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hoàng Giang về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Nguyễn Hoàng Giang đã bỏ trốn khỏi địa phương nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Kiên Giang) đã ra quyết định truy nã toàn quốc.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 3/12/2024, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt giữ được Nguyễn Hoàng Giang khi đối tượng đang thực hiện giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn Phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Vụ việc đang được cơ quan Công an củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Khu vực phía Nam: Trẻ mắc sởi phải nhập viện tăng mạnh
|
Một bệnh nhi mắc sởi, phát ban ở chân. |
Liên tục trong những ngày qua, các bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều ca trẻ nhập viện do mắc sởi. Bệnh đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, trong đó nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Ngày 3/12, Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh điều trị cho 108 bệnh nhi mắc sởi. Đây là ngày đơn vị tiếp nhận nhiều nhất ca bệnh sởi từ đầu mùa dịch đến nay. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh cho biết, đa số trẻ mắc sởi nhập viện đều chưa được tiêm vaccine sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi. “Nhiều phụ huynh khá thờ ơ với việc tiêm vaccine cho trẻ. Đáng chú ý có khoảng 10% phụ huynh thuộc nhóm anti vaccine, nghĩ rằng vaccine gây ra bệnh tự kỷ cho trẻ nên không cho trẻ tiêm vaccine”, bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết.
Điển hình mới đây, một gia đình di cư từ nơi khác đến Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê có đến 7 trẻ phải nhập viện do mắc sởi. Khai thác thông tin từ phụ huynh, các bác sĩ được biết, cả đại gia đình sinh sống ở nhà trọ, thu nhập thấp và một trẻ mắc sởi, sau đó lây lan cho nhau, lần lượt cả 7 trẻ đều mắc sởi và được đưa vào Khoa Nhiễm – Thần kinh để điều trị. Trước đó, cả 7 trẻ hoàn toàn không được tiêm mũi vaccine nào.
Tương tự, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng có gần 70 trẻ đang điều trị sởi. Còn tại Khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đang điều trị cho hơn 40 trẻ mắc sởi. Trước tình hình số ca bệnh sởi không ngừng gia tăng và có nguy cơ gây quá tải, các bệnh viện đã lên phương án bố trí giường bệnh, nhân sự để điều trị. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai khu cách ly, bổ sung thêm nhân sự cho khoa Nhiễm – Thần kinh. Bệnh viện Nhiệt đới cũng dành riêng Khoa Nhi C để tiếp nhận điều trị trẻ mắc sởi, Khoa Nội A chuyên điều trị cho người lớn mắc sởi.
Thống kê cho thấy, các ca bệnh sởi đang điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn nửa là từ các tỉnh, thành khác chuyển đến. Cá biệt, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca sởi ngoại tỉnh chiếm đến 85%. Báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố ghi nhận tổng cộng 2.438 ca bệnh sởi. Bên cạnh đó, số ca bệnh sởi từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn là 4.242 ca và đang có dấu hiệu gia tăng.
Thông tin từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, hiện các tỉnh, thành khu vực phía Nam ghi nhận có sự gia tăng mạnh số ca bệnh sởi. Điển hình như tại tỉnh Đồng Nai, số ca mới mắc sởi nhập viện đang gia tăng nhanh chóng và gây quá tải cho Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Không chỉ trẻ em mắc sởi, nhiều trường hợp người lớn cũng mắc sởi và phải nhập viện. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, hiện bệnh sởi đã lây lan trên cả nước và để ngăn chặn, các địa phương cần tổ chức tiêm vaccine sởi một cách đồng bộ, đồng loạt, nhanh chóng, gấp rút.
Thế giới thiệt hại nặng trong mùa bão 2024
|
Tàu cá bị phá hủy do bão Beryl tại Barbados ngày 1/7/2024. |
Theo một báo cáo của công ty tái bảo hiểm Munich Re (Đức), những cơn bão mạnh bất thường trong mùa bão nhiệt đới năm nay đã gây thiệt hại cao đáng kể cho toàn thế giới, trên mức trung bình của 10 năm.
Báo cáo cho biết, tổng thiệt hại do các cơn bão ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương gây ra trong năm nay ước tính lên tới 133 tỷ USD. Đây là con số thuộc nhóm lớn nhất trong một thập kỷ qua và chỉ đứng sau mức thiệt hại ghi nhận trong mùa bão năm 2017. Tính trung bình trong 10 năm qua, thiệt hại do mưa bão vào khoảng 89,2 tỷ USD/năm. Trong 30 năm là khoảng 62,6 tỷ USD/năm.
Khu vực Bắc Mỹ là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất với tổng cộng 110 tỷ USD, cao hơn nhiều mức trung bình 10 năm là 67,6 tỷ USD. Khu vực Đại Tây Dương ghi nhận 11 cơn bão cường độ lớn, cao hơn mức trung bình chỉ là 6,4 cơn bão/năm. Không chỉ thế, bão Beryl đi qua vùng biển Caribe hồi tháng 6 và tháng 7 là cơn bão cấp 5, cấp cao nhất trong thang bão của Mỹ, xảy ra sớm nhất trong lịch sử các mùa bão hằng năm. Các cơn bão Helene và Milton xảy ra sau đó cũng đã ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam nước Mỹ trong khoảng 2 tuần.
Munich Re nêu rõ nhiệt độ mặt biển quá cao, do tác động của biến đối khí hậu, đã làm gia tăng cường độ các cơn bão và cả lượng mưa trút xuống. Ví dụ như trong cơn bão Milton, lượng mưa tạo ra được xem là lớn gấp đôi so với kịch bản giả định không có tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, qua trình chuyển đổi chậm hơn dự kiến từ hiện tượng thời tiết El Nino sang La Nina cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này./.