Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội
Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.
Theo đó, lãi vay gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội bằng lãi vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng này, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2030. Việc phân bổ giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội dự kiến được thực hiện như sau: từ năm 2025 đến năm 2029 bố trí mỗi năm khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2030 bố trí khoảng 17.500 tỷ đồng.
|
Nhà ở xã hội CT08 mang tên HUD Rosa Garden trong Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh II, Mê Linh (Hà Nội). Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN |
Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.
Cùng đó, các địa phương phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Mục tiêu của Nghị quyết nhằm đảm bảo nguồn vốn thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở, hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.
Lật thuyền tại Trung Quốc làm 8 người tử vong
Ngày 2/12, nhà chức trách Trung Quốc cho biết 8 người đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền chở họ bị lật ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam nước này.
Vụ tai nạn xảy ra trên sông Bình Trần, huyện Tòng Giang. Khi đó có 13 người trên thuyền. 5 người được cứu sống, hiện trong tình trạng ổn định.
Con thuyền bị lật được xác định do tư nhân điều hành.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Tòa án Công lý Quốc tế bắt đầu phiên điều trần lớn nhất trong lịch sử
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ngày 2/12 đã tiến hành phiên điều trần quy mô lớn nhất kể từ khi được thành lập cách đây gần 80 năm.
Phiên điều trần sẽ kéo dài 2 tuần nhằm thiết lập các hướng dẫn pháp lý về cách các quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và giúp những nước dễ bị tổn thương tăng cường năng lực chống đỡ trước các tác động tàn phá do thực trạng này gây ra.
|
Biểu tượng của Tòa án Công lý quốc tế (IJC). Ảnh: IRNA/TTXVN |
Từ nhiều năm qua, các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đặt ra vấn đề về nghĩa vụ pháp lý của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong nghị quyết thông qua vào năm ngoái, ĐHĐ LHQ cũng đã yêu cầu các thẩm phán quốc tế cho ý kiến tư vấn về vấn đề này.
Theo số liệu của LHQ, trong thập kỷ đến năm 2023, mực nước biển toàn cầu đã tăng trung bình khoảng 4,3 cm, với một số vùng ở Thái Bình Dương tăng nhiều hơn những nơi khác. Các quốc đảo từ lâu đã lo ngại nguy cơ sẽ bị biến mất do nước biển dâng cao. Ngoài ra, nhiệt độ toàn cầu cũng đã tăng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Theo kế hoạch, hơn 100 quốc gia và tổ chức sẽ nộp hồ sơ lên hội đồng thẩm phán gồm 15 thành viên để trình bày các ý kiến, tranh luận và bảo vệ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình. Đây là số lượng thành phần tham dự cao nhất từ trước đến nay tại tòa án của LHQ có trụ sở tại La Hay (Hague, Hà Lan). ICJ sẽ tập trung giải đáp 2 câu hỏi: Các quốc gia có nghĩa vụ gì theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ khí hậu và môi trường trước tác động của khí thải nhà kính do con người gây ra? Và sẽ có những hệ quả pháp lý gì đối với những chính phủ không hành động hoặc hành động không đủ, dẫn đến việc gây tổn hại đáng kể cho khí hậu và môi trường?
Mặc dù không mang tính ràng buộc pháp lý song nhiều ý kiến cho rằng phán quyết của ICJ sẽ tạo cơ sở cho các hành động tiếp theo và gây áp lực đối với các nước phát triển trong cuộc chiến đẩy lùi biến đổi khí hậu hiện nay.
Liên hợp quốc kêu gọi hành động để giúp đỡ người dân Gaza
Theo thông báo của Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 1/12, hiện có trên 415.000 người dân Gaza di tản đang trú ẩn tại các trường học của cơ quan này. UNRWA cũng cho biết hàng trăm nghìn người khác đang phải sống trong điều kiện tồi tệ hơn tại những nơi trú ẩn tạm thời.
|
Người dân Palestine nhận thức ăn cứu trợ tại Dải Gaza ngày 23/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
UNRWA chia sẻ các phát biểu của nhân chứng tại Gaza, phản ánh tình trạng khó khăn mà người dân đang phải trải qua trong các khu trường học được chuyển thành trại tị nạn. Theo thống kê từ phía Palestine đã được LHQ kiểm chứng, xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại Gaza kể từ tháng 10/2023 đã khiến gần 44.400 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và trên 105.000 người bị thương.
Trên mạng xã hội X, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini thông báo cơ quan này đã tạm dừng việc cung cấp viện trợ thông qua cửa khẩu Kerem Shalom quan trọng giữa Israel và Gaza do lo ngại về vấn đề an toàn. Trong vài tháng trở lại đây, một số băng nhóm vũ trang đã chặn cướp xe tải chở hàng viện trợ qua tuyến đường trên. Ông Lazzarini cũng cảnh báo nạn đói đang tăng nhanh tại Gaza.
Một hội nghị cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong ngày 2/12 nhằm tăng cường phản ứng nhân đạo quốc tế đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza cũng như huy động sự hỗ trợ của khu vực và toàn cầu để giảm bớt đau khổ của người dân Palestine ở dải đất ven Địa Trung Hải này…/.