Bệnh nhân COVID-19 nặng nhất Hải Dương đã khỏe mạnh, tự đi lại

Thứ năm, 11/03/2021 21:33
(ĐCSVN) - Bệnh nhân COVID-19 nặng nhất Hải Dương đã khỏe mạnh, tự đi lại; lật đổ chính quyền nhân dân: 4 đối tượng lĩnh án 31 năm tù; xử phạt thanh niên chạy xe mô tô tốc độ gần 300km/h trên Đại lộ Thăng Long; phát hiện hố đen cực xa siêu lớn nuốt chửng thiên hà… là những tin tức đáng chú ý ngày 11/3.
Bệnh nhân N.V.H. thời điểm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương - Ảnh: Nguyễn Liên 

Bệnh nhân COVID-19 nặng nhất Hải Dương đã khỏe mạnh, tự đi lại, sinh hoạt

Bệnh nhân COVID-19 nặng nhất Hải Dương tên N.V.H., nam, 60 tuổi. Ông H. được chuyển từ Trung tâm Y tế Kinh Môn tới Bệnh viện dã chiến số 2 lúc 11h30’ trưa ngày 17/2. Khi nhập viện, người bệnh đã suy hô hấp rất nặng, thở nhanh, oxy trong máu xuống vô cùng thấp, chỉ còn 70% (ở người bình thường, chỉ số này khoảng hơn 95%).

Ngay lập tức, bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy lưu lượng cao, tuy nhiên đáp ứng rất kém. Đến 0h30’ rạng sáng 18/2, bệnh nhân chuyển nguy kịch, phải đặt ống nội khí quản.

“Diễn biến của người bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng 12 tiếng đã phải can thiệp thở máy xâm nhập. Kết quả chụp CT phổi cho thấy tổn thương phổi của người bệnh lan tỏa kín hai bên”, Ths.BS Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai), chuyên gia hỗ trợ điều trị Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương thông tin.

Trong ngày 19/2, Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế hội chẩn chuyên môn, đưa ra ý kiến chỉ đạo điều trị cho bệnh nhân này. Các chuyên gia đã tính đến phương án can thiệp ECMO nếu tình trạng tiếp tục diễn tiến xấu. Bệnh viện Bạch Mai cử thêm nhân lực về hồi sức tích cực, chuyển trang thiết bị về Hải Dương để sẵn sàng cho tình huống cần thiết.

Những ngày sau đó, bệnh nhân được lọc máu tích cực kết hợp thở máy. May mắn, sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã có sự hồi phục rất tốt, không cần can thiệp ECMO. Sáng 22/2, ông H. được rút ống nội khí quản, có thể tự thở. Đến ngày 23/2, người bệnh đã tỉnh táo, được nhân viên y tế dìu để tập đi lại.

“Khoảnh khắc tỉnh dậy sau thời gian hôn mê, trước mắt tôi là rất đông y bác sĩ, xung quanh chằng chịt rất nhiều dây rợ. Bác sĩ nói với tôi: “Ông rất may mắn. Đã qua cơn nguy kịch rồi”. Lúc ấy, tôi không thể nói, chỉ biết khóc vì xúc động. Mọi thứ quá diệu kỳ. Tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ”, bệnh nhân N.V.H. chia sẻ.

TS. BS Nguyễn Hằng Lan, Giám đốc Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương (Bệnh viện dã chiến số 2) cho biết, bệnh nhân COVID-19 từng nặng nhất Hải Dương tới nay đã khỏe mạnh, hết sốt được 12 ngày. Hiện người bệnh tự thở khí phòng và có thể tự đi lại, sinh hoạt, không cần sự trợ giúp của y bác sĩ.

Từ chiều 7/3, bệnh nhân đã được chuyển từ Khoa Hồi sức xuống Khoa Nội – Truyền Nhiễm để điều trị.

Được biết, tới nay, Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương tiếp nhận tổng số 376 bệnh nhiên COVID-19, trong đó, 215 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Lật đổ chính quyền nhân dân: 4 đối tượng lĩnh án 31 năm tù

Ngày 11/3, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Vũ Thị Kim Phượng (51 tuổi), Lê Văn Lạc (55 tuổi), cùng ngụ xã Phước Tín, thị xã Phước Long; Nguyễn Thị Kim Duyên (43 tuổi) và Lê Văn Sang (49 tuổi), cùng ngụ xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 109, Bộ luật Hình sự năm 2015.

4 đối tượng tại tòa án 

Theo cáo trạng: Từ năm 2015 đến 2019, Vũ Thị Kim Phượng biết được cơ cấu, tổ chức, cương lĩnh và âm mưu, ý đồ và cách thức hoạt động của tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời là tổ chức phản động lưu vong do Đào Minh Quân cầm đầu, thành lập ngày 10/2/1991 tại Hoa Kỳ.

Các bị can đều mong muốn góp nhiều phiếu bầu cho Đào Minh Quân đạt được 5 triệu phiếu để nhanh chóng trở về Việt Nam lật đổ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành lập nhà nước mới do Đào Minh Quân làm tổng thống.

Trong vụ án này, Vũ Thị Kim Phượng là người xúi giục các bị can Lạc, Duyên, Sang, đồng thời là người hoạt động đắc lực thu thập danh sách 1.595 người đăng ký làm thành viên tham gia trưng cầu dân ý.

Các bị can Lạc, Duyên, Sang tham gia với vai trò đồng phạm giúp Phượng thu thập danh sách đăng ký làm thành viên tham gia trưng cầu dân ý.

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 109, Bộ luật Hình sự năm 2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt Vũ Thị Kim Phượng mức án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành án; Lê Văn Lạc mức án 7 năm tù, 2 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành án; Nguyễn Thị Kim Duyên mức án 6 năm tù, 2 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành án; Lê Văn Sang mức án 5 năm tù, 2 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành án, cùng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Xử phạt thanh niên chạy xe mô tô tốc độ gần 300km/h trên Đại lộ Thăng Long

Cảnh sát giao thông đã xử phạt  nam tài xế lái mô tô với tốc độ 299 km/h trên đại lộ Thăng Long. 

Chiều 11/3, chỉ huy Đội CSGT số 11 thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết đơn vị đã mời nam tài xế lái mô tô với tốc độ 299 km/h trên đại lộ Thăng Long. Người này là T.T.K. (26 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

CSGT đã ra quyết định xử phạt 10,5 triệu đồng với tài xế T.T.K về các lỗi: Chạy quá tốc độ quy định, đi vào đường cao tốc và không có giấy phép lái xe.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video clip chia sẻ, chiếc xe máy lưu thông trên đại lộ Thăng Long liên tục tăng tốc độ từ 100 km/h lên 299 km/h.

Xe này di chuyển trên đại lộ Thăng Long, hướng Hòa Lạc đi trung tâm Hà Nội. Clip được cho là do chính tài xế ghi lại.

Ngay trong ngày hôm nay, cảnh sát đã xác định được phương tiện và người điều khiển xe trên là K.

Phát hiện hố đen cực xa siêu lớn nuốt chửng thiên hà

Giới thiên văn học phát hiện hố đen siêu lớn cách 13 tỉ năm ánh sáng. Ảnh minh họa: Live Science 

Các nhà thiên văn học đã tìm ra chuẩn tinh xa nhất được biết đến trong vũ trụ: Một hố đen siêu lớn nuốt chửng thiên hà.

Theo tờ Live Science, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra nguồn phát xạ vô tuyến xa nhất và cổ xưa nhất trong vũ trụ từng được biết đến. Nguồn này là một trong những máy gia tốc hạt mạnh nhất của vũ trụ - một chuẩn tinh cách trái đất 13 tỉ năm ánh sáng - phun ra các tia hạt với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.

Chuẩn tinh (quasar) là thiên thể cực xa và cực sáng, với dịch chuyển đỏ rất lớn đặc trưng. Trong phần ánh sáng biểu kiến, quasar trông giống một ngôi sao bình thường, tức nguồn phát sáng điểm. Thực tế, đó là ánh sáng phát ra từ các quầng (halo) vật chất đặc, nằm quanh vùng nhân của các thiên hà hoạt động (thiên hà trẻ), thường là các hố đen siêu lớn.

Hố đen siêu lớn nhanh chóng nuốt chửng tất cả những vật chất không thể thoát khỏi lực hấp dẫn của nó. Trong khi hố đen nuốt chửng vật chất này, nó cũng phát ra một lượng bức xạ khổng lồ, có thể phát sáng hơn một nghìn tỉ lần so với các ngôi sao sáng nhất, khiến chuẩn tinh trở thành những vật thể sáng nhất trong vũ trụ có thể quan sát được.

Chiara Mazzucchelli, người dẫn đầu cuộc khám phá cùng với Eduardo Bañados, nói với Live Science: “Do những vật thể này rất sáng, chúng có thể được quan sát ở rất xa. Khi các thiên hà như Dải Ngân hà quá mờ để có thể phát hiện và nghiên cứu ở những khoảng cách này, chúng ta có thể sử dụng các chuẩn tinh rất sáng để nghiên cứu khi vũ trụ còn rất trẻ. Chúng tôi đang nói về thời điểm các ngôi sao và thiên hà đầu tiên hình thành".

Đặc biệt, chuẩn tinh này - được đặt tên là P172 + 18 - là một tàn dư từ khoảng 780 triệu năm sau vụ nổ Big Bang và tiết lộ manh mối về một trong những thời đại sớm nhất của vũ trụ - kỷ nguyên tái ion hóa.

Vào đầu thời kỳ này, vũ trụ bị che phủ trong bóng đen bởi một đám mây khí hydro gần như đồng nhất. Các nhà khoa học gọi thời gian này là thời kỳ tăm tối của vũ trụ, bởi vì hầu hết ánh sáng phát ra đều bị khí mang điện trung tính hấp thụ nhanh chóng. Cuối cùng, lực hấp dẫn đã làm sụp đổ khí nguyên thủy thành các ngôi sao và chuẩn tinh đầu tiên, chúng bắt đầu nóng lên và ion hóa các khí xung quanh, cho phép ánh sáng đi qua.

Mazzucchelli - nhà thiên văn học tại Đài quan sát Nam Âu ở Chile, và Bañados - nhà thiên văn học tại Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức, lần đầu tiên phát hiện chuẩn tinh này trong khi sử dụng kính thiên văn Magellan tại Đài quan sát Las Campanas ở Chile.

Họ quan sát thấy dấu hiệu các hạt siêu nhỏ phát ra một lượng sóng vô tuyến cực lớn. Các nhà khoa học gọi những chuẩn tinh này là "tiếng ồn vô tuyến" và tin rằng các hạt gia tốc của chúng - vốn chỉ được nhìn thấy trong khoảng 10% chuẩn tinh - đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của các thiên hà sơ khai.

Các quan sát sâu hơn từ các kính thiên văn, bao gồm Đài quan sát Keck ở Hawaii và kính viễn vọng siêu lớn ở Chile, cho thấy P172 + 18 nặng hơn gần 300 triệu lần so với mặt trời và là một trong những chuẩn tinh phát triển nhanh nhất từng được phát hiện.

Vấn đề là, các nhà khoa học chưa rõ làm thế nào mà một hố đen lại trở nên khổng lồ như vậy ngay từ đầu trong vũ trụ. Các máy bay phản lực vô tuyến (radio jet) có thể là câu trả lời. Phản lực vô tuyến là vật chất phun ra từ trung tâm của một số thiên hà với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng và phát ra sóng vô tuyến mạnh./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực