Bộ Xây dựng ủng hộ kịch bản 71,6 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Thứ hai, 27/11/2023 22:41
(ĐCSVN) - Bộ Xây dựng ủng hộ kịch bản 71,6 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam; Tuyên án các bị cáo trong vụ quỹ tín dụng vỡ nợ 1.300 tỷ đồng; căng thẳng với Triều Tiên, Hàn Quốc chỉ thị quân đội duy trì thế trận sẵn sàng...là một số thông tin đáng chú ý trong ngày 27/11.

Bộ Xây dựng ủng hộ kịch bản 71,6 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Trong văn bản góp ý kiến về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa gửi tới Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - thành viên Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án đã thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3.

Theo đó, Bộ Xây dựng thống nhất xây mới đường sắt Bắc - Nam theo kịch bản đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu, tốc độ thiết kế 350 km/h. Tổng vốn đầu tư dự án theo kịch bản 3 khoảng 68,98 tỷ USD. Trong trường hợp đầu tư ngay hạ tầng, thiết bị, phương tiện để phục vụ khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam, vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Với kịch bản này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng, 40 cơ sở bảo trì hạ tầng, 5 ga hàng, 4 đề pô, 28 km tuyến nối ga để khai thác chạy tàu hàng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực khai thác. Dự án cần mua sắm 74 đoàn tàu động lực phân tán, với 1.184 toa xe, năng lực chạy tàu đáp ứng 175 đôi tàu/ngày đêm (đường sắt tốc độ cao 150 đôi tàu, đường sắt hiện hữu 25 đôi tàu), vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách/năm và 20 triệu tấn hàng hóa/năm.

Ngoài kịch bản 3, hai kịch bản còn lại đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia. Theo đó, kịch bản 1 sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục, khai thác riêng tàu khách. Đồng thời nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Đồng thời hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD. Dù thống nhất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo kịch bản 3 nhưng Bộ Xây dựng cho rằng đề án đầu tư chưa thể hiện rõ việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu bằng khổ đường nào.

Theo Bộ Xây dựng, với xu thế hội nhập, đảm bảo yêu cầu liên vận quốc tế trong quá trình vận hành sau này, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu theo hướng thay thế toàn bộ khổ đường 1.000mm hiện nay bằng khổ tiêu chuẩn 1.435mm. Hơn nữa, dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong khi các tỉnh đang lập quy hoạch tỉnh, vì thế Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương có dự án chạy qua để giữ nguyên thỏa thuận hướng tuyến, tránh việc phải điều chỉnh hướng tuyến làm phát sinh chi phí đầu tư. Bộ Xây dựng cũng lưu ý với chi phí đầu tư đường sắt Bắc - Nam lên tới hàng chục tỷ USD, để đảm bảo tính khả thi của đề án, Bộ Giao thông Vận tải cần bổ sung các căn cứ pháp lý để đề xuất sơ bộ tổng vốn đầu tư.

Tuyên án các bị cáo trong vụ quỹ tín dụng vỡ nợ 1.300 tỷ đồng

Chiều 27/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt các bị cáo liên quan đến sai phạm tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng.

Cụ thể, tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Tuấn (62 tuổi, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) 7 năm tù; Võ Khắc Hiển (55 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) 3 năm tù cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hai bị cáo Trần Quốc Tuấn (áo trắng) và Võ Khắc Hiển nghe tuyên án tại tòa.
(Ảnh: TTXVN phát) 

Hội đồng Xét xử nhận định hành vi của các bị cáo trên đã đủ căn cứ cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, xảy ra trong một quá trình dài thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo cáo trạng, bị cáo Trần Quốc Tuấn (nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không làm đúng công tác kiểm tra, giám sát; can thiệp kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra; không thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chấp thuận dự kiến bầu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ Tín dụng Nhân dân Thanh Bình khi chưa đủ điều kiện.

Bị cáo Võ Khắc Hiển (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) trong quá trình làm nhiệm vụ không làm đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát; không kiên quyết thanh tra các Quỹ Tín dụng Nhân dân khi có dấu hiệu vi phạm; không thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; không kiên quyết xử lý vi phạm các Quỹ Tín dụng theo kết quả thanh tra, giám sát. Hành vi của hai bị cáo dẫn đến không kịp thời phát hiện vi phạm của các Quỹ Tín dụng Nhân dân, để các Quỹ Tín dụng Nhân dân gồm: Thái Bình, Tân Tiến, Quảng Tiến, Dầu Giây, Thanh Bình và Gia Kiệm vỡ nợ, mất khả năng chi trả, gây thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng.

Căng thẳng với Triều Tiên, Hàn Quốc chỉ thị quân đội duy trì thế trận sẵn sàng

Theo Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 27/11 ra lệnh quân đội duy trì thế trận sẵn sàng vững chắc giữa lúc căng thẳng leo thang với Triều Tiên.

Tổng thống Yoon đưa ra chỉ thị trên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Kim Myung-soo thông báo cho ông về tình hình an ninh. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố: “Trong khi theo dõi kỹ lưỡng các động thái của Triều Tiên, chúng ta nên duy trì thế trận sẵn sàng quân sự vững chắc để người dân của chúng ta có thể cảm thấy an toàn.”

Tên lửa đẩy Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1 rời bệ phóng tại Bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, Triều Tiên ngày 21/11/2023. (Nguồn: Yonhap/TTXVN) 

Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng phóng thành công vệ tinh do thám quân sự vào tuần trước. Đáp lại, Hàn Quốc đã đình chỉ một phần thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự năm 2018 và ngay sau đó, Triều Tiên đã hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này.

Ngày 23/11, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ ngay lập tức khôi phục lại tất cả các biện pháp quân sự đã tạm thời dừng lại theo thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, khi Hàn Quốc đình chỉ một phần của thỏa thuận này sau vụ phóng vệ tinh do thám quân sự của Bình Nhưỡng. Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố họ sẽ “không bị kiềm chế” bởi thỏa thuận quân sự nêu trên nữa, cảnh báo rằng Seoul sẽ phải trả giá đắt vì quyết định của mình.

Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được hai miền Triều Tiên ký kết vào ngày 19/9/2018, kêu gọi dừng mọi hoạt động quân sự thù địch giữa hai bên, cũng như thiết lập các vùng đệm trên biển và biến khu vực phi quân sự (DMZ) thành vùng đất hòa bình và nhiều biện pháp khác./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực