Bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất đạt chuẩn châu Âu

Thứ ba, 21/04/2020 21:14
(ĐCSVN) – Bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất đạt chuẩn châu Âu, điểm thi THPT quốc gia 2020 chỉ để xét tốt nghiệp, các bác sĩ bệnh viện Việt - Đức nối thành công cánh tay bị đứt rời cho bệnh nhân… là những tin đáng chú ý ngày hôm nay.

Bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất đạt chuẩn châu Âu

Ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cho biết, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 do Bộ KH&CN giao Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

Bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất . Ảnh: VNE

Theo chứng nhận, bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 được sản xuất bởi nhà sản xuất hợp pháp thuộc Tập đoàn Công nghệ Việt Á (378A/8 Hồ Văn Huế, Phường 9, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh, 725600, Việt Nam), đại diện ủy quyền là RedCliffe bioscience holding limited (21 Mayfields, Sindlesham, RG41 5BY, Anh) đã được chứng nhận đạt CE theo điều luật về quản lý thiết bị y tế chẩn đoán trong phòng thí nghiệm số 98/79/EC được quy định tương đương của luật pháp Anh (quy định về thiết bị y tế của Anh 2002 SI số 618, đã được sửa đổi). Do đó, bộ sản phẩm này có thể được bán tự do ở tất cả các quốc gia thành viên của khu vực kinh tế châu Âu, bao gồm Anh.

Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1/2020, nhưng Luật Dược phẩm của EU vẫn được áp dụng cho Anh đến hết 31/12/2020. Theo quy định của EU, bất kỳ thành viên nào của liên minh này cấp CE thì cũng được lưu hành toàn châu Âu.

Sau khi được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp phép, bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu.

Trước đó, vào tháng 3, có 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ sinh phẩm này. Trước mắt, Việt Á sẽ xuất khẩu sang Iran, Phần Lan, Malaysia, Ukraine. Trong số này Iran đặt 200.000 test (4.000 bộ), Ukraine đặt 15.000 test (300 bộ).

Tại Việt Nam, UBND TP. Hà Nội cũng đặt 200.000 test để sử dụng cho nhu cầu của Hà Nội và tặng Italy.

Hiện nay, chỉ có một phương pháp duy nhất trên thế giới được WHO công nhận là “tiêu chuẩn vàng” để phát hiện SARS-CoV-2 là Real-Time PCR. Bộ xét nghiệm do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất cũng sử dụng phương pháp này. Ông Việt cho biết, thời gian đầy đủ của quy trình để cho ra kết quả dương tính hay âm tính với SARS-CoV-2 của bộ sinh phẩm này là hơn 2 giờ đồng hồ.

Hiện tại, năng lực sản xuất của Việt Á đạt khoảng 10.000 bộ/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hoặc hỗ trợ quốc tế.

Chi phí sản xuất bộ kit xét nghiệm đã được Bộ KH&CN tài trợ, nên hiện giá chỉ khoảng 400.000-600.000 đồng/test. Giá thị trường của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cao hơn gấp 2-3 lần, nhưng chưa sản xuất thương mại ở dạng kit “ready to use”. 1 bộ kit gồm 50 test, dùng 50 lần, theo lý thuyết dùng cho 50 bệnh nhân.

Các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu 100%, độ chính xác 100%, độ lặp lại tại phòng thí nghiệm chuẩn thức của Học viện Quân y và Công ty Việt Á về bộ xét nghiệm này cho thấy, các tiêu chí tương đương các bộ sinh phẩm do CDC Mỹ và WHO hướng dẫn.

Điểm thi THPT quốc gia 2020 chỉ để xét tốt nghiệp

Trong cuộc họp tại trụ sở Chính phủ sáng 21/4 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Cuộc họp đã chọn phương án vẫn tổ chức thi nhưng sẽ là kỳ thi chỉ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Điều này nhằm bảo đảm khắc phục những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới việc dạy và học, đồng thời vẫn tuân thủ đúng quy định của luật.

 Ảnh minh họa: Mỹ Anh

Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.

Địa phương được giao chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận.

Về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quyền tự chủ được quy định trong Luật Đại học sửa đổi.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã cho biết, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trở lại trước ngày 15/6/2020, chúng ta sẽ đủ thời gian chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ ngày 8-11/8/2020. Tuy nhiên, phương án xấu nhất khi tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát để học sinh được đi học trở lại trước ngày 15/6/2020, Bộ GD&ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án phù hợp hơn.

Nối thành công cánh tay bị đứt rời

Anh T.Đ.T, 44 tuổi ở Hà Nam, vừa được các bác sĩ Khoa phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ của Bệnh viện Việt - Đức nối thành công cẳng tay bị đứt rời do bị các lưỡi dao của máy nghiền bột cắt đứt.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nối thành công trường hợp một bệnh nhân bị đứt rời cẳng tay. Ảnh: BVCC 

Đây là 1 trong 4 trường hợp chi thể lớn đứt rời (3 cẳng tay, 1 cẳng chân) được “hồi sinh” bằng phẫu thuật vi phẫu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong 2 tuần giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.

Năm ngày sau mổ, sáng 20/4, cẳng tay đứt rời đã thực sự được “hồi sinh”, bàn tay đã bắt đầu có cử động và cảm giác. Hiện tại, người bệnh vẫn được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Trong thời gian tới, người bệnh còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.

Bác sĩ Tô Tuấn Linh, Khoa phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia ca mổ cho biết, đây là một ca mổ rất khó khăn, do tổn thương bị cắt bằng các lưỡi dao của máy nghiền bột, tổn thương ở vị trí cao 1/3 trên cẳng tay, các thành phần tổ chức và mạch máu thần kinh bị dập nát nhiều, lại có nhiều dị vật dính vào. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ vừa phải đảm bảo làm sạch dị vật và tổ chức dập nát, nhưng lại không được cắt bỏ quá nhiều để vẫn đảm bảo chức năng của bàn tay sau mổ. Ngoài ra việc nối ghép lại mạch máu và thần kinh cho bệnh nhân là kĩ thuật rất khó, phải thực hiện hoàn toàn dưới kính hiển vi với các dụng cụ và kim chỉ rất nhỏ. Hơn nữa, việc phẫu thuật phải được sự phối hợp nhuần nhuyễn của các chuyên khoa Phẫu thuật và gây mê hồi sức để có thể rút ngắn thời gian mổ, đảm bảo tái tưới máu cho phần tay đứt rời sớm nhất có thể.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực