Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Thứ hai, 02/10/2023 20:28
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Giá xăng giảm mạnh; Nghệ An có hơn 2.300 ngôi nhà bị ngập do mưa lũ; Indonesia vận hành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á;… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (2/10).

Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc sáng 2/10/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường.

 Khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: Phạm Cường) 

Trước khi tiến hành Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành một phút tưởng niệm các nạn nhân không may thiệt mạng do thiên tai, hỏa hoạn vừa qua và đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ mới từ trần.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Bộ Chính trị báo cáo về Chương trình Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lê Đức Thọ (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) và đồng chí Trịnh Văn Chiến (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa).

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, thống nhất để đồng chí Điểu K'ré (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông) thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.

Giá xăng giảm mạnh

Từ 16h00 ngày 2/10, giá xăng E5RON92 giảm 695 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 906 đồng/lít, còn giá các loại dầu giữ ổn định hoặc biến động nhẹ.

Cụ thể, trên cơ sở điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng, dầu. Theo đó, giá xăng E5 giảm 690 đồng/lít, giá bán là 23.500 đồng/lít. Xăng RON 95 giảm 900 đồng/lít, giá bán là 24.840 đồng/lít.

Giá dầu diesel giữ nguyên 23.590 đồng/lít. Giá dầu hỏa cũng vẫn giữ ở mức 23.810 đồng/lít.

Giá dầu mazut không cao hơn 17.452 đồng/kg, giảm 395 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành.

 Từ trung tuần tháng 7 đến nay, giá xăng dầu trong nước có đợt giảm giá đầu tiên. (Ảnh: Trần Trân)

Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 21/9, giá xăng E5 đã tăng mạnh 720 đồng/lít, giá bán là 24.190 đồng/lít. Xăng RON 95 tăng 870 đồng/lít, giá bán là 25.740 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 540 đồng/lít, giá bán là 23.590 đồng/lít.

Theo Bộ Công Thương, biến động giá xăng dầu trên thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/9 - 1/10) có xu hướng chung là giảm. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/9 và kỳ điều hành ngày 2/10 là 101,494 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 6,456 USD/thùng, tương đương giảm 5,98% so với kỳ trước); 106,833 USD/thùng xăng RON95 (giảm 7,195 USD/thùng, tương đương giảm 6,31% so với kỳ trước). Riêng giá dầu hỏa và dầu diesel giảm không đáng kể.

Do đó, kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định: Không trích lập, dừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với 2 mặt hàng xăng; giảm mức chi Quỹ 285 đồng/lít với dầu diesel, 109 đồng/lít với dầu hỏa; không chi Quỹ với mặt hàng dầu mazut.

Như vậy, sau các đợt tăng giá liên tục hoặc giữ nguyên giá từ trung tuần tháng 7 đến nay, giá xăng dầu trong nước có đợt giảm giá đầu tiên. Dù vậy, dự báo từ các tổ chức thế giới cho thấy, giá dầu trên thế giới vẫn có xu hướng tăng vào dịp cuối năm nay, có thể tác động đến giá xăng dầu trong nước trong thời gian tới.

Thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại Nghệ An

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An vừa có báo cáo nhanh về thiệt hại mưa lũ trên địa bàn toàn tỉnh tính đến ngày 2/10.

Theo đó, đối với thiệt hại về người, mưa lũ đã khiến 1 người chết là ông L.V.K, sinh năm 1952, trú tại bản Hòa Tiến 1, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; 1 người mất tích đến nay chưa tìm thấy là cháu N.Q.C, sinh năm 2008, tại bản Công, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Hiện đã tìm thấy xe đạp điện của cháu. Số người phải sơ tán là 142 người tại huyện Kỳ Sơn, hiện các hộ đã trở về ổn định cuộc sống.

Đối với nhà ở, toàn tỉnh Nghệ An có 2.337 ngôi nhà bị ngập, trong đó, huyện Quỳ Châu chiếm hơn 50%, với 1.214 ngôi nhà, còn lại tại các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ… Có 16 nhà bị sập hoàn toàn (Kỳ Sơn 2 nhà, Tương Dương 6 nhà, Quỳ Châu 1 nhà, Quế Phong 7 nhà).

 Mưa lớn gây ngập nhiều nhà dân ở  Nghệ An. Ảnh: Kim Long.

Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có 2.904 ha lúa và 3.989 ha hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp bị ngập, gãy đổ. Có 263 con gia súc, 26.882 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Đối với nuôi trồng thủy sản, có 1.848 ha ao hồ bị tràn, hư hỏng, nhiều lồng cá bị cuốn trôi, thiệt hại nặng về cá vụ 3.

Đối với lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh có 40 điểm trường bị ngập, 3 phòng học bị tốc mái, hư hỏng, 179 mét tường rào bị đổ.

Về hệ thống thủy lợi, có 8.094 kênh mương 11 hồ, đập bị sạt lở, hư hỏng, nhiều trạm bơm bị bồi lấp, 40 cống bị cuốn trôi, sạt lở hơn 8 km bờ sông…

Giao thông tại các địa phương cũng bị hư hỏng nặng, có 9.930m đường bị xói lở, 70 cầu tràn bị ngập, 144 điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông. Nhiều cột điện trung thế, hạ thế, trạm biến áp bị hư hỏng…

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ như: Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ, đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành an toàn hồ, đập, nhất là các hồ, đập xung yếu, hồ, đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ, đập, sạt lở...

Tiếp tục kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Indonesia vận hành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á

Ngày 2/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố nước này đã chính thức đưa vào hoạt động tuyến đường sắt cao tốc kết nối từ thủ đô Jakarta đến thành phố Bandung. Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á.

 Dự án đường sắt cao tốc trị giá 7,3 tỷ USD mở cửa đón công chúng vào ngày 2/10. Ảnh: Reuters.

Tại buổi lễ diễn ra ở Jakarta, Tổng thống Joko Widodo nói rằng tuyến đường sắt Jakarta-Bandung đánh dấu sự phát triển của loại hình phương tiện giao thông công cộng này ở Indonesia theo hướng hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Dự án đường sắt cao tốc có tổng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD và tổng chiều dài tuyến là 142 km.

Với tốc độ tối đa có thể đạt 350 km/giờ, tàu cao tốc của tuyến đường sắt có thể giúp giảm thời gian đi lại giữa Jakarta và Bandung từ hàng tiếng đồng hồ xuống chỉ còn 45 phút.

Một quan chức cấp cao cho biết dự án đường sắt này đã triển khai giai đoạn chạy thử nghiệm miễn phí từ tuần thứ hai của tháng 9 và hoạt động thử nghiệm này sẽ được kéo dài. Việc bán vé sẽ được triển khai vào giữa tháng 10.  

Trước đó, ngày 29/9, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đã cấp giấy phép hoạt động cho Công ty xây dựng và điều hành tuyến đường sắt nói trên.

Đều nằm trên đảo Java, cả Jakarta và Bandung là hai thành phố đông dân bậc nhất của Indonesia./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực