Chủ tịch nước dự lễ bàn giao vaccine từ chuyến công tác Cuba

Chủ nhật, 26/09/2021 20:12
(ĐCSVN) - Chủ tịch nước dự lễ bàn giao vaccine từ chuyến công tác Cuba; Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị công nhận “hộ chiếu vắc xin”; TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng để mở cửa kinh tế; Mưa lũ tại Nghệ An làm 1 người chết, ngập gần 700 nhà dân; Bầu cử Quốc hội ở Đức: Lộ diện 3 ứng cử viên kế nhiệm bà Merkel…là những tin đáng chú ý trong ngày 26/9.

Chủ tịch nước dự lễ bàn giao vaccine từ chuyến công tác Cuba
Tối 25/9, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cuba, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thực hiện các hoạt động song phương tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 18 đến 24/9/2021.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu với các đại biểu lô hàng 1,05 triệu liều vaccine Abdala của Cuba chuyển về Việt Nam theo chuyên cơ của Chủ tịch nước. Ảnh: Nguyễn Điệp - TTXVN. 

Ngay sau khi chuyên cơ đáp xuống sân bay Nội Bài, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế phòng chống dịch COVID - 19 được chuyển về Việt Nam cùng Đoàn công tác của Chủ tịch nước.

Một trong những kết quả nổi bật, đầy thiết thực của chuyến công tác là Đoàn ta đã tranh thủ được sự ủng hộ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. 

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Việt Nam nhận được những cam kết và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước, các đối tác quốc tế, các công ty nước ngoài. Bên cạnh 1,05 triệu liều vaccine Abdala của Cuba chuyển về nước theo chuyên cơ của Chủ tịch nước, các nước, các đối tác đã cam kết viện trợ và cung cấp 1,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Hoa Kỳ cam kết viện trợ một số lượng lớn vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX trong kỳ phân bổ sắp tới.

Riêng trong cuộc làm việc của Chủ tịch nước với Công ty Pfizer, Pfizer cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vaccine đã ký hợp đồng với Việt Nam ngay trong năm 2021 và 20 triệu liều vaccine cho trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả vá tính an toàn. Ngoài vaccine, nhiều đối tác hỗ trợ vật phẩm y tế với trị giá 8,8 triệu đô la, kiều bào hỗ trợ 1.000 máy tạo oxy trợ thở. 

Bên cạnh số vaccine và thiết bị vật tư y tế được vận chuyển cùng với chuyên cơ của Chủ tịch nước do hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines vận hành, chuyến bay đặc biệt của hãng Hàng không Bamboo Airways cũng đã hạ cánh tối 25/9 tại sân bay Nội Bài, chuyên chở về Việt Nam nhiều tấn thiết bị và vật tư y tế được các đối tác Hoa Kỳ tài trợ.

Trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải và Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang thay mặt Đoàn cùng với Đại sứ Cuba tại Việt Nam đã bàn giao tượng trưng vaccine Abdala, máy thở và các thiết bị, vật tư y tế tới Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến.

Việc tiếp nhận một khối lượng lớn vaccine từ Cuba, thiết bị và vật tư y tế từ các nước, các đối tác Hoa Kỳ và từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã thể hiện nỗ lực cao nhất của Chủ tịch nước và Đoàn công tác, là minh chứng sinh động cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài dành mọi nguồn lực để đất nước vượt qua đại dịch, sớm phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế.

 Nhân viên hàng không kiểm tra thân nhiệt hành khách VNA.

Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị công nhận "hộ chiếu vắc xin"

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các nước ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... để công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vắc xin”.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “hộ chiếu vắc xin”.

Văn bản cho hay, trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng “hộ chiếu vắc xin” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận “hộ chiếu vắc xin” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vắc xin”.

Vấn đề "hộ chiếu vắc xin" đang được nhiều địa phương trong nước quan tâm, nhất là các tỉnh có thế mạnh về du lịch, thường xuyên đón nhiều du khách quốc tế. Mới đây, Bộ chính trị cũng đã có Kết luận số 07 cho phép TP. Phú Quốc (Kiên Giang) thực hiện thí điểm "hộ chiếu vắc xin" để mở cửa đón khách du lịch.

Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa gần đây cũng cho biết đã có văn bản đồng ý đề xuất đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" và du khách nội địa đến Khánh Hòa trong tình hình mới; giao UBND tỉnh chỉ đạo sớm hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng để mở cửa kinh tế

Với điều kiện đặc thù, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế.

Shipper nhận hàng tại quán phở trên đường Bùi Bằng Đoàn, quận 7, TP.HCM, để đi giao cho khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH 

Đó là một trong những nội dung kiến nghị trong văn bản do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.

Văn bản nêu, TP.HCM đánh giá cao nỗ lực xây dựng Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Tuy nhiên với điều kiện đặc thù của TP.HCM, kính đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép TP.HCM áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế. TP.HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng.

Quan tâm ưu tiên vắc xin cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn.

Hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" do Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đang dự thảo và chỉnh sửa nhiều lần.

Theo bản dự thảo mới nhất, việc đánh giá nguy cơ của tỉnh, thành phố sẽ căn cứ trên các chỉ số. Trong đó chỉ số bắt buộc, gồm: ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19; 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

Mặt khác, các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần và tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19.

Dựa theo hai chỉ số này sẽ phân nguy cơ dịch của các tỉnh, thành theo 4 cấp: nguy cơ thấp (bình thường mới), nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Tương ứng với từng cấp nguy cơ sẽ được áp dụng các biện pháp hành chính, y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Cụ thể các biện pháp hành chính quy định số lượng người tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà; giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải; lưu thông, vận chuyển hàng hóa; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; giáo dục, đào tạo đảm bảo phòng, chống dịch; cơ quan, công sở đảm bảo phòng, chống dịch; văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện biểu diễn văn hóa nghệ thuật, mít tinh, phát động.

Biện pháp y tế quy định việc xét nghiệm, truy vết, tiêm vắc xin, cách ly, điều trị theo từng mức nguy cơ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình dịch bệnh tại TP.HCM hiện nay, nếu áp các chỉ số này vào để đánh giá nguy cơ dịch bệnh, TP.HCM sẽ nằm nhóm nguy cơ 3 hoặc 4. Như vậy các biện pháp được áp dụng sẽ rất hạn chế và việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.

Mưa lũ tại Nghệ An làm 1 người chết, ngập gần 700 nhà dân

Mưa lũ gây ngập nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Chiều 26/9, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cho biết lực lượng cứu hộ cứu nạn đã bàn giao thi thể anh N.V.H. (31 tuổi, ngụ xóm 1, xã Nghĩa Bình) cho gia đình mai táng.

Anh H. vừa từ miền Nam về quê tránh dịch COVID-19. Khoảng 11h trưa 25/9, khi đang đánh bắt cá trên sông, thuyền anh H. bị lật. Anh H. rơi xuống sông và bị nước cuốn mất tích. Sau gần một ngày tìm kiếm, thi thể anh H. được tìm thấy gần nơi gặp nạn.

Anh H. là nạn nhân tử vong trong đợt mưa lũ hai ngày qua tại Nghệ An.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, từ đêm 23/9 đến 25/9, tại Nghệ An có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 150 - 300mm, cục bộ có nơi trên 300mm như: huyện Quỳnh Lưu (515mm) xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn (356mm).

Do mưa lớn kéo dài, trong số 1.061 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ ở Nghệ An có 88 hồ đầy nước, 212 hồ có dung tích trên 70% tổng dung tích thiết kế. Có 7 hồ thủy điện ở Nghệ An phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập.

Mưa lũ trong hai ngày qua tại Nghệ An đã làm 1 người chết, gần 700 nhà dân bị ngập. Hơn 3.000ha lúa, hoa màu của người dân bị ngập.

Bầu cử Quốc hội ở Đức: Lộ diện 3 ứng cử viên kế nhiệm bà Merkel

 Ba ứng cử viên thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử ngày 26/9: ông Olaf Scholz (trái), bà Annalena Baerbock và ông Armin Laschet - Ảnh: BBC

Ngày 26/9, người Đức đi bầu Quốc hội liên bang khóa 20 nhiệm kỳ 2021-2025. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng đương nhiệm không ra tái tranh cử. Các cuộc thăm dò cho thấy rất khó đoán ai sẽ là lãnh đạo mới ở Đức sau kỷ nguyên Angela Merkel.

Theo Đài BBC, các khảo sát cho thấy trong số ba ứng cử viên cạnh tranh vị trí Thủ tướng, ông Olaf Scholz thuộc Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đang dẫn đầu cuộc đua.

Bám đuổi quyết liệt là ông Armin Laschet, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU). Ứng viên Annalena Baerbock của Đảng Xanh đứng ở vị trí thứ 3.

Ông Scholz là người có ưu thế nhất do đang là Phó Thủ tướng. Trong khi đó, ông Armin Laschet nhận được sự ủng hộ của bà Merkel.

48 giờ trước cuộc bỏ phiếu, bà Merkel nêu thông điệp kêu gọi cử tri ủng hộ ông Laschet. "Ai lãnh đạo đất nước sẽ là vấn đề quan trọng vì Đức cần sự ổn định và giới trẻ cần một tương lai. Ứng viên Armin Laschet là người có thể mang đến điều đó" - đương kim Thủ tướng Đức nhấn mạnh.

Trong nỗ lực cuối cùng để thu hút phiếu bầu, bà Angela Merkel đã xuất hiện cùng ông Armin Laschet tại một cuộc vận động ngày 25/9 ở quê hương Aachen của ông.

Các cuộc thăm dò dư luận giờ chót cho thấy ông Armin Laschet có thể giành chiến thắng bất ngờ. Dù vậy, Đài BBC cho rằng kết quả cuộc bầu cử ngày 26/9 rất khó đoán. Người chiến thắng nhiều khả năng lộ diện khi cuộc bỏ phiếu kết thúc lúc 18h địa phương (23h Việt Nam).

Cuộc bầu cử năm nay có 60,4 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu tại 299 khu vực bầu cử. Cho đến cận ngày bầu cử, hơn 1/3 số cử tri vẫn chưa chắc sẽ bỏ phiếu cho ai.

Những tháng qua, các cuộc khảo sát liên tục đảo chiều. Ứng viên Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) ban đầu dẫn trước, rồi có thời điểm ứng viên Đảng Xanh vươn lên, nhưng sau đó, ứng viên Đảng Dân chủ xã hội (SPD) lại giành được nhiều sự ủng hộ.

Sau khi có kết quả bầu cử, đảng giành được nhiều phiếu nhất vẫn cần thành lập liên minh cầm quyền. Nhiều khả năng chính phủ mới sẽ cần liên minh 3 đảng để có tỉ lệ quá bán.

Trong thời gian chờ thành lập chính phủ mới, bà Merkel sẽ vẫn lãnh đạo đất nước./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực