Đề xuất 2 phương án để người dân tiếp cận với thuốc Molnupiravir

Thứ tư, 02/03/2022 20:59
(ĐCSVN) - Đề xuất 2 phương án để người dân tiếp cận với thuốc Molnupiravir; Việt Nam lần đầu ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày hơn 110.000 ca; Mỹ: Tổng thống Joe Biden tái khẳng định không triển khai quân đội tại Ukraine… là một số tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý diễn ra ngày 2/3.
Thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) 

Đề xuất 2 phương án để người dân tiếp cận với thuốc Molnupiravir

Ngày 2/3, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ 2 phương án phân phối thuốc Molnupiravir gồm: Cấp phát thuốc miễn phí tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và bán tại các cơ sở đăng ký, kinh doanh về thuốc để người dân tự mua.

Việc này để người dân khi mắc COVID-19 (F0) có thể chủ động mua thuốc về điều trị tại nhà, theo đơn của bác sỹ.

Trước đó, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về phương án người dân tự chi trả thuốc Molnupiravir và được Bộ Chính trị cho phép. Bộ Y tế đang tiếp tục trình Chính phủ xin ý kiến các nội dung liên quan đến việc người dân tự mua thuốc.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết khi được Thủ tướng cho ý kiến, Bộ Y tế sẽ triển khai cụ thể.

Molnupiravir là thuốc kháng virus đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp. Thuốc có tác dụng giảm tải lượng virus trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chia sẻ, Molnupiravir là thuốc được cấp phép khẩn cấp, sử dụng trong điều kiện đặc biệt trong ba năm. Trong thời gian này, Việt Nam vừa sử dụng vừa đánh giá thuốc, cân nhắc tiếp tục cấp phép hoàn toàn nếu thuốc đủ điều kiện. Do đó, việc sử dụng Molnupiravir phải theo dõi sát, cần bác sĩ kê đơn.

Trong đêm qua 1/3, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý mua, bán, sử dụng thuốc Molnupiravir trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao.

Các cơ sở kinh doanh thuốc phải thực hiện đúng quy định về việc bán thuốc kê đơn, tư vấn người mua sử dụng thuốc. Các địa phương giám sát chất lượng thuốc, xử lý các hành vi tăng giá thuốc, trục lợi trong dịch bệnh.

Việt Nam lần đầu ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày hơn 110.000 ca

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân trước khi hết cách ly, điều trị. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) 

Ngày 2/3, Việt Nam ghi nhận 110.301 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 110.280 ca ghi nhận trong nước (tăng 11.537 ca so với ngày trước đó), 114 ca tử vong.

Tính từ 16h ngày 1/3 đến 16h ngày 2/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 110.301 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 110.280 ca ghi nhận trong nước (tăng 11.537 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 74.166 ca trong cộng đồng). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 88.033 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.709.481 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 37.552 ca nhiễm).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+1.791), Thanh Hóa (+896), Bắc Ninh (+765).

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (538.861), Hà Nội (300.387), Bình Dương (299.327), Đồng Nai (101.588), Tây Ninh (91.384).

Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 01/3 đến 17h30 ngày 02/3 ghi nhận 114 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 97 ca…

Mỹ: Tổng thống Joe Biden tái khẳng định không triển khai quân đội tại Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang 2022 tại phiên họp lưỡng viện Quốc hội ở Washington, DC, ngày 1/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN 

Trong Thông điệp Liên bang 2022 được trình bày trước hai viện Quốc hội Mỹ ngày 1/3, Tổng thống Joe Biden nhắc lại rằng Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine sau chiến dịch quân sự của Nga, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ được triển khai đến châu Âu không phải để chiến đấu ở Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Biden cho biết thêm rằng vì mục tiêu trên, Mỹ đã huy động lực lượng mặt đất, phi đội không quân, triển khai tàu để bảo vệ các nước NATO bao gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania và Estonia.

Cũng trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Biden đã thông báo lệnh cấm máy bay Nga vào không phận Mỹ. Đây là quyết định mới nhất trong một loạt lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt chống Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại vùng Donbass (miền Đông Ukraine).

Đối với Ukraine, Tổng thống Biden thông báo kế hoạch “hỗ trợ hơn 1 tỷ USD trực tiếp cho Ukraine", bao gồm cả hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo từ Mỹ và các đồng minh.

Về đối nội, Tổng thống Biden cho biết chính quyền muốn chống lạm phát bằng cách hạ giá thành sản xuất hàng hóa, qua đó thúc đẩy sản xuất. Ông Biden cho rằng việc giảm chi phí cũng có nghĩa là sản xuất nhiều ô tô và chất bán dẫn hơn tại Mỹ, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng giúp hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn và rẻ hơn. Ông Biden kêu gọi rằng "hãy sản xuất tại Mỹ" thay vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài.

Tổng thống Biden cũng thông báo Washington sẽ xuất ra 30 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) như một phần trong nỗ lực của quốc tế nhằm bình ổn thị trường sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông Biden nhấn mạnh: "Tôi có thể thông báo rằng Mỹ đã làm việc với 30 quốc gia khác để xuất đi 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ trên toàn thế giới. Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực này, xuất ra 30 triệu thùng dầu". Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh rằng Washington "sẵn sàng làm hơn thế nữa, nếu cần thiết"./.

 

 

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực