Gần 90% doanh nghiệp Việt bị tác động bởi dịch COVID-19

Thứ sáu, 12/03/2021 19:37
(ĐCSVN) - Gần 90% doanh nghiệp Việt bị tác động bởi dịch COVID-19; tăng giá xăng, dầu lần thứ 4 kể từ đầu năm; yêu cầu Thượng tá Biên phòng giải trình về số hàng chứa trong 2 căn nhà; Tổng thống Mỹ kêu gọi chấm dứt bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á; nổ mỏ than ở Tây Nam Pakistan…là những tin nóng ngày 12/3.

Gần 90% doanh nghiệp Việt bị tác động bởi dịch COVID-19

Báo cáo tác động của dịch bệnh COVID-19 đã được khảo sát ở hơn 

10.000 doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Công Thương )

Ngày 12/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID- 19 đối với doanh nghiệp Việt Nam - Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020”.

Theo đó, kết quả khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm vừa qua cho thấy, đại dịch COVID-19 nhìn chung có tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Trên 87% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì”. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều bị ảnh hưởng nặng nề.

COVID -19 tác động đến doanh nghiệp tại Việt Nam trên nhiều phương diện. Đa số doanh nghiệp cho biết, dịch đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn… Ảnh hưởng từ dịch tác động nghiêm trọng tới doanh thu của các doanh nghiệp trong năm 2020.

Trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng từ dịch các chính sách hỗ và sự đồng hành của Chính phủ được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khóa như: giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng…75% doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ của chính phủ là hữu ích.

Về giải pháp lâu dài, nên chăng Chính phủ xem xét tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Ngoài ra, các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng và gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Giá xăng, dầu lại tăng

Xăng, dầu tăng giá từ 15h ngày 12/3. ( Ảnh: hanoimoi.com.vn) 

Từ 15h ngày 12/3, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá các mặt hàng xăng, dầu. Đây là lần tăng giá xăng, dầu lần thứ 4 kể từ đầu năm.

Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 691 đồng/lít, giá bán không cao hơn 17.722 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 797 đồng đồng/lít, giá bán không cao hơn 18.881 đồng/lít.

Dầu diesel tăng 558 đồng/lít, giá bán không cao hơn 14.401 đồng/lít. Dầu hoả tăng 563 đồng, giá bán không cao hơn 13.173 đồng/lít. Dầu mazut tăng 642 đồng, giá bán không cao hơn 13.769 đồng/kg.

Tại lần điều chỉnh này, cơ quan điều hành tiếp tục không trích Quỹ bình ổn giá (BOG) với bất cứ mặt hàng xăng, dầu nào, nhưng chi mạnh việc sử dụng Quỹ BOG.

Việc tăng giá xăng, dầu được coi là “đúng quy trình”, nhưng dư luận vẫn quan ngại có thể một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác lại tăng theo, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhất khi dịch COVID-19 ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của nhiều người.

 Yêu cầu Thượng tá Biên phòng giải trình về số hàng chứa trong 2 căn nhà

Một số tang vật bị thu giữ. (Nguồn: vtc.vn)

Ngày 12/3, Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, cho biết đang phối hợp cùng lực lượng Công an TP Châu Đốc làm rõ về số hàng chứa trong 2 căn nhà liên quan đến Thượng tá Hoàng Văn Nam (Phó phòng Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) thực chất là của ai để xử lý.

"Ông Nam đang đi học ở Đà Lạt nhưng chúng tôi đã gọi điện yêu cầu về ngay để trình bày với đơn vị một cách rõ ràng. Sau đó, chúng tôi sẽ tính hướng xử lý như thế nào cho phù hợp" - Đại tá Nguyễn Thượng Lễ khẳng định.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết sẽ phối hợp với cơ quan điều tra xem lúc thực hiện lệnh khám xét nhà, ai là người ký vào biên bản xác nhận chủ sở hữu số hàng. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng làm rõ hơn 2 căn nhà đó của vợ chồng thượng tá Nam xây để ở hay cho thuê rồi xử lý trách nhiệm.

Quan điểm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang là sai tới đâu xử lý tới đó chứ không có chuyện dung túng hay làm cho qua chuyện.

Tổng thống Mỹ kêu gọi chấm dứt bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. ( Nguồn: CNN/ vov.vn)

Trong bối cảnh dịch COVID -19, tình trạng kỳ thị cộng đồng người gốc Á diễn biến nghiêm trọng thời gian qua ở Mỹ. Trước thực tế này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đêm qua (11/3 – theo giờ Mỹ), tức sáng nay (giờ Việt Nam) đã kịch liệt lên án và kêu gọi chấm dứt những hành động kỳ thị này.

Trong một tuyên bố đánh dấu 1 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, ông Biden nhấn mạnh: “Những tội ác căm thù hằn học chống lại người Mỹ gốc Á đang diễn ra khiến họ bị tấn công, quấy rối, đổ lỗi và làm vật tế thần. Vào lúc này, rất nhiều người trong số họ, những người đồng hương của chúng ta, họ đang ở trên tiền tuyến chống đại dịch để cố gắng cứu sống nhiều người khác nhưng cùng lúc đó họ cũng buộc phải đối mặt với nỗi sợ hãi dù chỉ đi bộ xuống các con phố ở Mỹ. Những hành động hằn học chống người châu Á là sai lầm, không phải là hành động của người Mỹ, và nó cần phải bị chấm dứt”.

Theo dữ liệu của Tổ chức Ngăn chặn tình trạng thù địch AAPI (Stop AAPI Hate) của Mỹ công bố, từ tháng 3 đến tháng 12/2020 có hơn 2.800 vụ quấy rối chống người gốc Á ở Mỹ. Trong đó, hơn 70% là quấy rối bằng lời nói miệt thị, phỉ báng, xúc phạm, chửi bới và hơn 8% liên quan các vụ hành hung. Con số thực tế thậm chí có thể cao hơn vì nhiều nạn nhân không lên tiếng tố cáo. Làn sóng kỳ thị trong đại dịch COVID -19 ở Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn với những vụ phá hoại tài sản của người gốc Á.

Nổ mỏ than ở Tây Nam Pakistan

Ảnh minh họa. (Nguồn: thefinancialexpress.com.bd) 

Giới chức tỉnh Balochistan cho biết vụ nổ xảy ra do khí metan tích tụ tại mỏ than ở khu vực Marwar. Những người thiệt mạng nằm trong số 8 người mắc kẹt dưới lòng đất sâu hơn 300 mét. Đội cứu hộ đã đưa được 6 thi thể ra khỏi mỏ than trong sáng 12/3. Nhà chức trách đã phong tỏa mỏ than và mở cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Chủ tịch Liên đoàn công nhân mỏ than Sultan Muhammad Lala cho biết trong năm qua, đã xảy ra 72 sự cố khác nhau tại Balochistan khiến 102 thợ mỏ thiệt mạng. Các sự cố xảy ra trong bối cảnh chính phủ và các chủ mỏ than không đảm bảo được điều kiện làm việc an toàn tại các mỏ than.

Tháng 5/2018, một vụ nổ do khí metan gây ra tại một mỏ than khác cũng ở Marwar đã cướp đi sinh mạng của 20 công nhân. Tháng 8/2018, một vụ nổ do khí metan tương tự tại thành phố Quetta đã khiến 7 người thiệt mạng. Năm 2011, có 45 thợ mỏ than tử vong do một vụ nổ khí metan cũng ở tỉnh Balochistan./.

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực