Hà Nội tạm đình chỉ gần 1.000 cơ sở không đủ điều kiện phòng, chống cháy nổ

Thứ năm, 17/11/2022 21:31
(ĐCSVN) - Hà Nội tạm đình chỉ gần 1.000 cơ sở không đủ điều kiện phòng, chống cháy nổ; Cà Mau: Kiểm tra, xác minh thông tin ngư dân bị bạo hành dã man trên tàu cá; Lại xuất hiện cá chết nổi tại hồ Tây; 45% dân số thế giới mắc các bệnh về răng miệng… là những thông tin đáng chú ý trong ngày 17/11.

Hà Nội tạm đình chỉ gần 1.000 cơ sở không đủ điều kiện phòng, chống cháy nổ

 Công an Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. (Ảnh TTXVN phát)
Công an TP Hà Nội cho biết, từ ngày 15/10 đến ngày 12/11, cơ quan Công an đã kiểm tra 65.887 cơ sở, theo chỉ đạo của Thành phố và Bộ Công an về mở đợt cao điểm tổng kiểm tra rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về phòng, chống cháy nổ trên địa bàn.

Sau khi kiểm tra, cơ quan Công an phát hiện, ban hành 3.522 quyết định xử phạt các cơ sở với 4.431 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt gần 28,83 tỷ đồng. Đồng thời, Công an Thành phố và các quận, huyện trên địa bàn đã tham mưu chính quyền các cấp ban hành 18.520 văn bản kiến nghị; tạm đình chỉ hoạt động 643 cơ sở kinh doanh, sản xuất...; đình chỉ hoạt động 339 cơ sở karaoke không đủ điều kiện về phòng, chống cháy nổ.

Theo Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, kết quả kiểm tra trên mới đạt 50% chỉ tiêu toàn đợt. Do vậy, từ nay đến kết thúc cao điểm kiểm tra (ngày 15/12), lực lượng Công an tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao theo kế hoạch của Bộ Công an và UBND Thành phố.

Cà Mau: Kiểm tra, xác minh thông tin ngư dân bị bạo hành dã man trên tàu cá

Liên quan đến thông tin hai ngư dân bị bạo hành dã man trên tàu cá giữa biển gây xôn xao dư luận, ngày 17/11, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành công văn hỏa tốc về việc kiểm tra, xác minh thông tin.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin nêu trên; xử lý nghiêm theo quy định nếu có sai phạm, báo cáo kết quả đến Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 21/11.

Tối 15/11, mạng xã hội xôn xao khi xuất hiện 2 clip ghi lại cảnh 2 ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá. Hình ảnh từ 2 clip này cho thấy vụ việc xảy ra trên tàu cá ở ngoài biển, nghi xảy ra trên vùng biển của tỉnh Cà Mau.

Liên quan đến thông tin này, ngày 17/11, UBND huyện Trần Văn Thời cho biết đã có báo cáo về vụ việc.

Lại xuất hiện cá chết nổi tại hồ Tây

 Cá chết nổi tại Hồ Tây. Ảnh: Bảo An/Báo Tin tức

Ngày 17/11, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội (đơn vị có nhiệm vụ quản lý, điều tiết nước hồ Tây) cho biết, sau mấy ngày dừng, nay lại xuất hiện nhiều loài cá bị chết nổi tại hồ Tây thuộc quận Tây Hồ. Trong ngày, công nhân Công ty đã vớt được hơn 150kg cá chết, gồm cá mè, rô phi loại nhỏ. Công ty sẽ cắt cử công nhân thu vớt cá chết hàng ngày, đưa đi xử lý theo quy định, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Trước hiện tượng nhiều loài cá chết nổi tại hồ Tây, Sở Xây dựng Hà Nội và một số đơn vị đã tiến hành quan trắc môi trường tại đây. Theo nhận xét sơ bộ của liên ngành, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như: hiện tượng thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo... gây ra), cá bị bệnh...

Hiện tượng cá chết trên mặt hồ Tây bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 9/2022. Số lượng cá chết lác đác, phân tán trên hồ vào ban đêm và rạng sáng, trôi dạt vào ven hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp liên ngành thành phố khảo sát lấy mẫu phân tích chất lượng nước; đánh giá chất lượng nước hồ Tây; đề xuất phương án giảm mật độ cá trong hồ.

WHO: 45% dân số thế giới mắc các bệnh về răng miệng

 Ngày 17/11, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)  phác họa bức tranh toàn diện lần đầu tiên về tình hình sức khỏe răng miệng của người dân tại 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, có tới 45% dân số thế giới, tương đương khoảng 3,5 tỷ người, đang bị sâu răng, mắc bệnh về nướu và các bệnh răng miệng khác. Báo cáo chỉ ra rằng số người mắc bệnh răng miệng trên toàn cầu đã tăng 1 tỷ người trong 30 năm qua. Sâu răng không được điều trị là tình trạng phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 2,5 tỷ người. Trong khi đó, ước tính 1 tỷ người bị viêm nướu nặng - nguyên nhân chính gây mất toàn bộ răng vĩnh viễn. Ngoài ra, có khoảng 380.000 ca bệnh mới được chẩn đoán mắc ung thư khoang miệng mỗi năm.  

 Báo cáo cũng chỉ ra rằng 75% những người mắc các bệnh về răng miệng sinh sống tại những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại tất cả các quốc gia, những người có thu nhập thấp, người tàn tật, người cao tuổi sống một mình hoặc sống tại các viện dưỡng lão, những người ở vùng sâu vùng xa, người dân tại khu vực nông thôn hoặc các nhóm thiểu số có nguy cơ mắc các bệnh về miệng cao hơn. Tình trạng này cũng tương tự như với các trường hợp mắc các bệnh không lây nhiễm khác như ung thư, các bệnh về tim mạch, bệnh tiểu đường... Việc ăn nhiều thực phẩm chứa đường, hút thuốc lá và lạm dụng rượu là một số nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng.       

Cũng trong báo cáo này, WHO đã nêu một danh sách dài những đề xuất nhằm khắc phục các vấn đề trên, trong đó có việc kêu gọi các quốc gia đưa các dịch vụ thăm khám răng miệng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu./.

V.Lê (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực