Hải Phòng phá dỡ các công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà

Thứ năm, 17/03/2022 20:37
(ĐCSVN) - Hải Phòng phá dỡ các công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà; Tăng cường chống buôn lậu thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19; Tấn công nhằm vào dân thường tại Niger, hơn 20 người thiệt mạng; Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận hơn 600.000 ca mắc mới trong 24 giờ là những thông tin đáng chú ý trong ngày hôm nay 17/3.

Hải Phòng phá dỡ các công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà

Ngày 21/3, thành phố Hải Phòng sẽ bắt đầu tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà (huyện Cát Hải). Đây là thông tin được đại diện Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng nêu tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Hải Phòng phối hợp tổ chức, chiều 17/3.

Công trình vi phạm của Công ty TNHH Đảo Cát sẽ buộc phải cưỡng chế từ ngày 21/3 nếu không tự nguyện tháo dỡ. (Nguồn: phapluatplus).

Các công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà thuộc bảy doanh nghiệp gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch dịch vụ thủy sản thương mại Thùy Trang; Công ty Cổ phần Thương mại Tùng Long; Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa; Công ty Cổ phần Khu du lịch Đảo Cát Bà; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đảo Cát; Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Dịch vụ Đông Kinh; Công ty Cổ phần Thương mại Thanh Bình. 

Bảy doanh nghiệp đã có các vi phạm: đầu tư xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án; không có hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng; không có giấy phép xây dựng và không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng; không lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy; không có giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú; chưa thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của một số doanh nghiệp.

Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan trực tiếp kiểm tra các địa điểm vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà, chỉ rõ việc đầu tư xây dựng các công trình để kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà là vi phạm quy định pháp luật và không phù hợp với quy hoạch. Những sai phạm này đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xác định là vụ việc phức tạp và giao thành phố Hải Phòng chỉ đạo xử lý dứt điểm, điều tra, khởi tố vụ án theo quy định; kiên quyết xử lý, tháo dỡ các công trình vi phạm và tổ chức trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Cát Bà.
 
Với quan điểm kiên định chỉ đạo phá dỡ các công trình vi phạm liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà để thực thi pháp luật, hoàn trả mặt bằng cho Vườn Quốc gia Cát Bà quản lý và trồng cây theo đúng quy định, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã giao Sở Xây dựng thành phố chủ trì, cùng các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các thủ tục để thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
 
Vườn Quốc gia Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004. Ðây là một trong số ít các khu dự trữ sinh quyển hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và nhất là hệ thống hang động. Tổng diện tích Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng khoảng 26.000 ha.
 
Tăng cường chống buôn lậu thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19

Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1669/VPCP-V.I ngày 17/3/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.

 Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN).

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 8/10/2021, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/1/2022 và Văn bản số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá liên quan đến việc tăng cường thanh tra, kiểm tra không để lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá bất hợp lý đối với thuốc, vật tư y tế, bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19.

Đồng thời, chủ động theo dõi, giám sát biến động giá các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 để có biện pháp quản lý, bình ổn giá theo quy định.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định, bảo đảm thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng, ổn định giá và nguồn cung đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế (trong đó có các loại sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, máy đo SpO2) và thuốc phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong điều kiện thích ứng với tình hình mới.

Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, tăng cường công tác nắm tình hình trên tất cả các tuyến, địa bàn, làm tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế và các loại thuốc phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tấn công nhằm vào dân thường tại Niger, hơn 20 người thiệt mạng

Các vụ tấn công nghi là do những phần tử thánh chiến thực hiện nhằm vào một xe buýt và một xe tải ở vùng Tillaberi, phía Tây Nam Niger, gần khu vực biên giới với Burkina Faso, đã khiến 21 người thiệt mạng. Ngày 17/3, nguồn tin địa phương và an ninh của Niger cho biết các vụ tấn công xảy ra một ngày trước đó.

 Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN).

Trong vụ tấn công đầu tiên nhằm vào xe buýt, những phần tử được vũ trang hạng nặng đi xe máy và ôtô đã xả súng và sát hại 19 người trên xe. Trong vụ tấn công thứ hai nhằm vào xe tải, các đối tượng trên đã sát hại 2 người. Những người này đã bị thiêu cháy cùng với chiếc xe tải. Các vụ tấn công nói trên xảy ra gần đồn biên phòng Petelkole, cách biên giới với Burkina Faso 10km.

Đây là những vụ tấn công mới nhất của các phần tử thánh chiến ở Tillaberi. Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, cũng tại khu vực này, 3 cảnh sát đã thiệt mạng và một số người khác bị thương trong một cuộc tấn công tương tự nhằm vào đồn biên phòng Petelkole. Vùng Tillaberi nằm giáp biên giới với 3 nước Niger, Burkina Faso và Mali. Đây là địa bàn hoạt động mạnh của các nhóm thánh chiến có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở vùng Đại sa mạc Sahara.

Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận hơn 600.000 ca mắc mới trong 24 giờ

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục 621.328 ca, tăng 55% so với ngày trước đó, và 429 ca tử vong.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo sáng 17/3 của Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục 621.328 ca (chỉ có 68 ca nhập cảnh), tăng 55% so với ngày trước đó. Số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi của Hàn Quốc trong 24 giờ qua cũng tăng gấp 2 lần, lên con số 429 ca - mức cao chưa từng thấy. Kể từ đầu dịch đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 8.250.592 ca nhiễm, bao gồm 621.328 ca tử vong do COVID-19.

Từ cuối tháng 1/2022, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày tại Hàn Quốc đã tăng lên 5 con số và tốc độ dịch bệnh đặc biệt lây lan nhanh kể từ sau 9/3 - thời điểm lần đầu tiên số ca mắc mới tại quốc gia châu Á này vượt 300.000 ca/ngày. Theo giới chức Hàn Quốc, ngoài ngân sách thường xuyên cao kỷ lục 44 nghìn tỷ won, ngân sách bổ sung đã được gấp rút tập hợp lại khi làn sóng Omicron tiếp tục đè nặng lên sinh kế của người dân và thúc đẩy nhu cầu về các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trong dự thảo ngân sách bổ sung này, có 424,8 tỷ won được phân bổ để hỗ trợ người dân và các cơ sở kinh doanh khôi phục hoạt động thường nhật; 206,1 tỷ won cho cho các biện pháp phòng chống dịch như hỗ trợ tài chính cho những người nhập viện hoặc bị cách ly vì mắc COVID-19 cũng như phân phối bộ tự xét nghiệm COVID-19 cho những người dễ bị tổn thương./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực