Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành phiên họp đặc biệt về tình hình Afghanistan

Thứ hai, 16/08/2021 20:14
(ĐCSVN) - Ngày 16/8 cả nước có 8.644 ca COVID-19, giảm 930 ca so với hôm qua; Thu giữ hơn 30kg ma túy gửi qua đường chuyển phát nhanh; Bắt giữ 4 đối tượng nhập cảnh trái phép; Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành phiên họp đặc biệt về tình hình Afghanistan; Thủ tướng Malaysia từ chức là một số tin tức đáng chú ý trong ngày hôm nay (16/8).

Ngày 16/8 cả nước có 8.644 ca COVID-19, giảm 930 ca so với hôm qua

 Ảnh minh hoạ. (Nguồn: ĐT)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h ngày 15/8 đến 18h ngày 16/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.652 ca nhiễm mới, trong đó có 8 ca nhập cảnh và 8.644 ca trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số mắc cao nhất nước (3.341 ca), tiếp đó là Bình Dương (2.522 ca), Long An (599 ca), Đồng Nai (588 ca), Khánh Hòa (262 ca), Đồng Tháp (158 ca), Tiền Giang (152 ca), Vĩnh Long (131 ca), Đà Nẵng (96 ca), An Giang (87 ca), Cần Thơ (86 ca), Sóc Trăng (75 ca), Trà Vinh (71 ca), Phú Yên (62 ca), Thừa Thiên Huế (60 ca), Tây Ninh (52 ca), Hà Nội (50 ca), Bình Thuận (33 ca), Kiên Giang (32 ca), Ninh Thuận (27 ca), Gia Lai (25 ca), Nghệ An (24 ca), Hà Tĩnh (17 ca), Đắk Lắk, Quảng Nam, Bắc Ninh (mỗi địa phương 11 ca), Lâm Đồng (8  ca), Thanh Hóa, Nam Định, Hậu Giang, Bình Phước (mỗi địa phương 6 ca), Lạng Sơn, Cà Mau, Quảng Ngãi (mỗi địa phương 4 ca), Ninh Bình, Bình Định (mỗi địa phương 3 ca), Lào Cai, Quảng Bình, Sơn La, Bạc Liêu (mỗi địa phương 2 ca), Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên (mỗi địa phương 1 ca); trong đó có 2.422 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24h giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 930 ca so với hôm qua.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 283.696 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm). Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 279.681 ca, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 16/8, cả nước có 4.473 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 106.977 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 590 ca; Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 22 ca. Ngày 16/8, Tiểu ban Điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 368 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 16/8 là 6.141 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.  

Thu giữ hơn 30kg ma túy gửi qua đường chuyển phát nhanh

 Hình ảnh hơn 30 kg ma tuý được tiến hành mở kiểm tra chi tiết ngày 16/8/2021. (Ảnh: P.T)

Tháng 6/2021, nắm được thông tin lợi dụng tình hình dịch bệnh các đối tượng buôn bán trái phép chất ma túy với đường dây lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp từ Cộng hòa Pháp về TP. Hồ Chí Minh, sau đó đưa đi các tỉnh tiêu thụ, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiến hành xác lập Kế hoạch số 30/KH-KSMT do Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng phê duyệt, đấu tranh triệt phá đường dây này.

Qua hai tháng theo dõi, đã phát hiện 10 bưu kiện quà biếu phi mậu dịch nhập khẩu có nghi vấn do cùng một đối tượng gửi từ Pháp về TP. Hồ Chí Minh thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, điểm đến cuối cùng là các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Ngày 16/8/2021, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã chủ trì (Đội Kiểm soát phòng chống ma túy và Chi cục hải quan Chuyển phát nhanh thực hiện) phối hợp với Cục Điều tra CBL-TCHQ, Phòng PC04-Công an TP.Hồ Chí Minh tiến hành mở kiểm tra chi tiết các bưu kiện nêu trên.

Kết quả kiểm tra, đã phát hiện và thu giữ tổng cộng hơn 29kg ma túy tổng hợp MDMA dạng viên nén (thuốc lắc) và hơn 1,4kg ketamine (gọi chung là ma tuý).

Ma túy bị phát hiện được ngụy trang tinh vi trong ruột những viên kẹo sô-cô-la (mỗi viên kẹo chứa khoảng hơn 20 viên nén MDMA), hoặc để lẫn trong các gói bánh với phương thức đóng gói bao bì, trọng lượng… giống hệt như sản phẩm thật, bằng mắt thường không thể phát hiện được. 

Vụ việc đang được Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh và lực lượng chức năng tiếp tục mở rộng điều tra.

Bắt giữ 4 đối tượng nhập cảnh trái phép

Chiều 16/8, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) cho biết, lúc 2 giờ 45 phút cùng ngày, tại khu vực gần cột mốc số 166, thuộc địa bàn ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, các chiến sĩ ở Chốt kiểm soát, phòng chống dịch số 8, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã phát hiện và bắt giữ 4 đối tượng đang nhập cảnh trái phép qua biên giới về Việt Nam.  

 4 đối tượng nhập cảnh trái phép bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát

Tiến hành lập biên bản, 4 đối tượng khai tên là Trần Thị Tâm (sinh năm 1995, ngụ xóm Đô Hành, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), Bùi Đình Phi (sinh năm 1991, ngụ xóm 9, xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), Lê Ngọc Nhất (sinh năm 1996, ngụ xóm Hoàng Diệu, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) và Trần Văn Tính (sinh năm 1986, ngụ xóm Côn Phượng, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Trước đó, cả 4 đối tượng sang nước bạn để tìm việc làm nhưng hiện nay do dịch bệnh phức tạp, không còn việc làm nên tìm cách quay trở về Việt Nam. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi qua lại biên giới quốc gia không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định, đồng thời bàn giao cả 4 đối tượng cho Trung tâm y tế huyện Bến Cầu đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Theo số liệu thống kê, từ ngày 12/8 đến 16/8, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã liên tục phát hiện 5 vụ với 19 đối tượng nhập cảnh trái phép, trong đó có nhiều người đã mắc COVID-19 trước khi về Việt Nam.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành phiên họp đặc biệt về tình hình Afghanistan

Các tay súng Taliban tại thành phố Kandahar, Afghanistan, ngày 13/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN) 


Theo hãng tin Sputniks, Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt về tình hình tại Afghanistan với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Theo kế hoạch, cuộc họp diễn ra vào lúc 10h00 ngày 16/8 (giờ New York), tức 21h00 cùng ngày giờ Việt Nam.

Trong khi đó, một người phát ngôn của của Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/8 cho biết liên minh này đang thảo luận với các nước thành viên để nhanh chóng tìm ra giải pháp cho việc sơ tán nhân viên là công dân Afghanistan và gia đình của họ, đến nơi an toàn. Tuy nhiên, quan chức này không cho biết có bao nhiêu nhân viên là người Afghanistan vì lý do an ninh. Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên EU cũng sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến trong ngày 17/8 để thảo luận về tình hình quốc gia Tây Nam Á này. 

Bên cạnh đó, từng nước thành viên EU cũng đang tiến hành các kế hoạch sơ tán công dân và nhân viên của riêng mình. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác giải cứu. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại cuộc họp của đoàn chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), bà Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của quân đội Đức trong chiến dịch giải cứu các công dân Đức tại Đại sứ quán nước này ở Kabul cũng như lực lượng người dân sở tại làm việc cho Đức, đồng thời nêu rõ rằng việc đảm bảo an ninh sân bay ở Kabul sẽ chỉ có thể thực hiện với sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. 

Trước mối đe dọa của làn sóng tị nạn xuất phát từ tình hình bất ổn ở Afghanistan, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các quốc gia láng giềng Afghanistan và toàn bộ khu vực trong việc trợ giúp người lánh nạn. Bà cũng cho biết Đức cần sơ tán khoảng 10.000 người khỏi Afghanistan, bao gồm 2.500 nhân viên hỗ trợ người Afghanistan cũng như các nhà hoạt động nhân quyền, luật sư và những người được xem là có nguy cơ rủi ro nếu họ ở lại sau khi Taliban lên nắm quyền. Đến nay đã có khoảng 40 nhân viên Đại sứ quán Đức đến Doha (Qatar) trong đêm 15/8 và hiện còn dưới 10 người vẫn mắc kẹt lại sân bay Kabul chờ được sơ tán. Tuy nhiên, chưa rõ những người bản địa làm việc cho Đức có được di tản luôn không. 

Cùng ngày 16/8, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết nước này cũng sẽ sơ tán hàng trăm công dân Anh và công dân Afghanistan đủ điều kiện mỗi ngày, và hoạt động này sẽ diễn ra đến khi nào điều kiện an toàn vẫn cho phép để thực hiện. Dự kiến, ủy ban ứng phó khẩn cấp của Chính phủ Anh sẽ nhóm họp vào ngày 16/8 để thảo luận về tình hình Afghanistan. 

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande-Marlaska ngày 16/8 cũng cho biết tất cả những nhân viên làm việc cho nước này ở Kabul, dù là người Tây Ban Nha hay Afghanistan, hiện đang có mặt ở sân bay để được sơ tán về Tây Ban Nha. Phát biểu trên đài phát thanh Cadena SER, Bộ trưởng Grande-Marlaska thông báo nước này đã cử máy bay quân sự đến sơ tán họ ngay khi có thể, cùng với những công dân khác, những người đã hỗ trợ quân đội Tây Ban Nha, cơ quan viện trợ chính phủ và các tổ chức khác. 

Các nước khác như Australia và Qatar cũng đang khẩn trương lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Afghanistan. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này đang nỗ lực đưa hơn 130 công dân và những người đã được cấp “thị thực nhân đạo” rời khỏi Afghanistan. Qatar cũng đang nỗ lực hết sức để giúp sơ tán các nhà ngoại giao và nhân viên nước ngoài của các tổ chức quốc tế đang tìm cách rời khỏi quốc gia Nam Á này. 

Về tình hình tại Afghanistan, lực lượng Taliban khẳng định đã kiểm soát hơn 90% các trụ sở của chính phủ và gần như tất cả các chốt kiểm soát trong thành phố Kabul. Các tay súng của lực lượng này tại Kabul cũng đang bắt đầu thu giữ vũ khí của dân thường khi cho rằng họ không cần vũ khí vì mục đích tự vệ nữa.

Thủ tướng Malaysia từ chức

Thủ tướng Malaysia tới Cung Hoàng gia Muhyiddin Yassin ở Kuala Lumpur, nơi ông đệ đơn từ chức lên Quốc vương Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã đệ đơn từ chức lên Quốc vương ngày 16/8. Dự kiến, ông Yassin sẽ có bài phát biểu trong thời gian sớm nhất. 

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tại buổi họp đảng Bersatu, trên cương vị là Chủ tịch đảng này, Thủ tướng Muhyiddin đã thông báo với các thành viên về quyết định từ chức của mình sau nhiều tháng chính trị bất ổn.

Trước đó cùng ngày, Nội các của Thủ tướng Muhyiddin Yassin đứng đầu, đã đệ đơn từ chức lên Nhà vua nước này. Có nhiều đồn đoán rằng, sau khi Thủ tướng Muhyiddin từ chức, chính quyền mới sẽ được thành lập mà không cần thông qua bầu cử, do lo ngại các cuộc bỏ phiếu sẽ làm tồi tệ thêm sự lây lan của dịch COVID-19 tại nước này. Hiện chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm của ông Muhyiddin, do đó có thể sẽ vài mất vài ngày để quốc hội thành lập được liên minh cầm quyền. 

Đồn đoán về quyết định từ chức của thủ tướng dấy lên sau khi ông mất đa số ủng hộ tại Quốc hội sau khi đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) quyết định rút sự ủng hộ với Liên minh Dân tộc cầm quyền (PN) hồi đầu tháng này. Với quyết định từ chức này, Thủ tướng Muhyiddin trở thành thủ tướng có thời gian cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử của Malaysia, kéo dài 17 tháng./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực