Máy bay chở 132 người rơi, Trung Quốc kích hoạt cơ chế khẩn cấp

Thứ hai, 21/03/2022 19:05
(ĐCSVN)- Xăng, dầu giảm giá sau chuỗi tăng liên tiếp; Máy bay chở 132 người rơi tại Trung Quốc; Tổng thống Ukraine gia hạn tình trạng thiết quân luật; EU cân nhắc áp đặt lệnh cấm vận dầu thô từ Nga… là những tin tức đáng chú ý trong ngày 21.3.

 Xăng, dầu giảm giá sau chuỗi tăng liên tiếp 

Từ 15 giờ ngày 21/3, giá xăng E5RON92 giảm 650 đồng/lít, từ mức 28.980 đồng/lít xuống còn 28.330 đồng/lít; giá xăng RON95-III giảm 630 đồng/lít, từ mức 29.820 đồng/lít xuống còn 29.190 đồng/lít. 

Các mặt hàng dầu có biên độ điều chỉnh giảm mạnh hơn, gồm dầu diesel giảm 1.630 đồng/lít, có giá hiện tại là 25.268 đồng/lít giảm xuống còn 23.638 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.670 đồng/lít, từ mức hiện tại là 23.918 đồng/lít xuống còn 22.248 đồng/lít.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: H.H. 

Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 lại đang có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp. 

Ở trong nước, kỳ điều hành lần này, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm so với giá bình quân kỳ trước (mặc dù lại đang có xu hướng tăng trở lại trong vài ngày gần đây), mức chi Quỹ BOG cho các mặt hàng đang được áp dụng ở mức tương đối cao (từ 300 - 1.500 đồng/lít) trong khi số dư Quỹ BOG đã gần hết (tại 13 doanh nghiệp Quỹ đã âm). 

Trước tình hình trên, để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định giảm chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu, bắt đầu trích lập Quỹ BOG đối với một số mặt hàng để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng của giá thế giới, giảm áp lực cho Quỹ BOG và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo. 

Như vậy, sau 6 lần tăng liên tục từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá thế giới tăng, giá xăng dầu ghi nhận mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014, thì lần đầu tiên trong năm nay, giá có một phiên "hạ nhiệt". 

Cùng với việc giá xăng dầu giảm, người dân, doanh nghiệp kỳ vọng giá có thể giảm thêm nhờ vào quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. 

Máy bay chở 132 người rơi tại Trung Quốc 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, chiều 21/3, một máy bay Boeing 737 chở khách của nước này đã gặp nạn ở khu vực miền Nam Trung Quốc.

Theo báo China Daily, chiếc máy bay gặp nạn là của hãng hàng không China Eastern Airlines.

Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc cho biết thông tin ban đầu đây là chuyến bay chở khách số hiệu MU5735 đang trên đường từ thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, tới Quảng Châu và trên máy bay có 132 người.

Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết máy bay chở khách của Hãng hàng không China Eastern bị rơi đã gây ra một vụ cháy lớn trên núi.
Ảnh: Rainews/TTXVN. 

Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo đã kích hoạt cơ chế khẩn cấp và cử đội công tác đến hiện trường rơi máy bay của hãng hàng không China Eastern ở vùng đồi núi miền Nam nước này.

Trong tuyên bố, CAAC xác nhận chiếc máy bay Boeing 737 khởi hành từ thành phố Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) đến thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông) đã mất liên lạc khi bay qua thành phố Ngô Châu thuộc tỉnh Quảng Tây. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên máy bay có 132 người, bao gồm 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn.

Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo lập tức triển khai ứng phó khẩn cấp, dốc toàn lực cho hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Đồng thời yêu cầu nhanh chóng mở cuộc điều tra về vụ việc nhằm xác định nguyên nhân gây tai nạn cũng như tăng cường đảm bảo an ninh hàng không dân dụng. 

Tổng thống Ukraine gia hạn tình trạng thiết quân luật

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn thông báo của Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine cho biết : Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 20/3 đã ký dự luật gia hạn tình trạng thiết quân luật ở Ukraine trong 30 ngày bắt đầu từ ngày 26/3. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Kiev, Ukraine, ngày 18/3/2022.
Ảnh: AFP/TTXVN. 

Thông báo nêu rõ Tổng thống Ukraine đã thông qua sắc lệnh về việc gia hạn thiết quân luật ở Ukraine. Theo đó, luật sẽ kéo dài thời kỳ chiến tranh ở Ukraine từ 5h30 ngày 26/3/2022 trong thời gian 30 ngày.

Cũng trong ngày 20/3, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời cho rằng đàm phán là cách duy nhất để chấm dứt xung đột.

Phát biểu trên truyền hình CNN, Tổng thống Zelensky khẳng định sẵn sàng đàm phán với nhà lãnh đạo Nga, nhấn mạnh đối thoại là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh. Theo ông Zelensky, hai nhà lãnh đạo Ukraine và Nga là những người đóng vai trò quan trọng để đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tranh đã bước sang tuần thứ 4. Ông Zelensky cũng đánh tín hiệu sẽ đưa ra những "lằn ranh đỏ" về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có 2 vùng đòi độc lập ở miền Đông.  

Bên cạnh đó, trong bài phát biểu hằng ngày gửi đến người dân Ukraine, ông Zelensky cũng đề xuất tổ chức đàm phán tại Israel. Cụ thể, Tổng thống Ukraine đánh giá cao những nỗ lực của Israel làm trung gian hòa giải giữa Kiev và Moskva, đồng thời khẳng định nếu đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine diễn ra thì ông mong muốn cuộc gặp này được tổ chức tại Israel.

EU cân nhắc áp đặt lệnh cấm vận dầu thô từ Nga

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ cân nhắc có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu thô từ Nga hay không, sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khi nhóm họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này.

EU, cùng với các nước đồng minh phương Tây, đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga nhằm gây sức ép buộc Nga chấm dứt các hành động quân sự tại Ukraine.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết các nước đang thực hiện vòng trừng phạt thứ năm và nhiều biện pháp trừng phạt mới đang được đề xuất. 

Giàn khoan dầu của Nga trên Biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU sẽ tiến hành thảo luận trong ngày 21/3, trước khi Tổng thống Mỹ Biden đến Brussels vào ngày 24/3 để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nước NATO, cũng như EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó có Nhật Bản.

Cho đến nay, Nga vẫn chưa thay đổi hành động đối với Ukraine bất chấp bốn đợt trừng phạt của EU được áp đặt, trong đó bao gồm 685 người Nga và Belarus, cũng như tài chính và thương mại của Nga, trong ba tuần qua.

Điều đó khiến EU đứng trước sự lựa chọn khó khăn nhất về mặt kinh tế là có nên nhắm mục tiêu vào dầu của Nga hay không, như Mỹ và Anh đã làm. EU gồm 27 quốc gia thì chưa đưa ra biện pháp trừng phạt do nước này phụ thuộc vào khí đốt của Nga. 

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay các nước Baltic bao gồm Lithuania đang thúc đẩy lệnh cấm vận, coi đây là bước đi hợp lý tiếp theo, trong khi Đức cảnh báo không nên hành động quá nhanh vì giá năng lượng vốn đã cao ở châu Âu.

Nga cảnh báo các lệnh trừng phạt của EU tới dầu mỏ của Nga có thể khiến nước này phải đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt lớn tới châu Âu. EU phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% lượng khí đốt của mình.

Tất cả các quyết định trừng phạt của EU đều cần có sự đồng thuận. Pháp, nước đứng đầu nhiệm kỳ chủ tịch kéo dài 6 tháng của EU, có thể sẽ chứng minh vai trò quan trọng. Tổng thống Emmanuel Macron đã nói rằng nếu tình hình ở Ukraine tồi tệ hơn thì sẽ không có bất kỳ "điều cấm kỵ" nào về các biện pháp trừng phạt./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực