Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố tội danh mới

Thứ tư, 17/03/2021 19:44
(ĐCSVN) - Bị can Nguyễn Đức Chung bị khởi tố liên quan đến vụ chế phẩm Redoxy 3C; bắt nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La; triệt phá hai chuyên án ma túy tại Điện Biên; “sự cố cộng đồng ngày 20/2” tại Campuchia khiến gần 1.000 người mắc COVID-19; gần 2.000 người bị thương trong lễ hội lửa mừng năm mới tại Iran là những tin đáng chú ý trong ngày 17/3.

Vụ chế phẩm Redoxy 3C: Khởi tố bị can Nguyễn Đức Chung

Ngày 17/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) liên quan vụ mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/CSKT-P12 ngày 27/4/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.

Ông Nguyễn Đức Chung 

Quá trình điều tra mở rộng vụ án xác định ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Arktic đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water - Cộng hòa Liên bang Đức qua Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Arktic do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 17/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 2 bị can về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La bị bắt

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm trong đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Sơn La, ngày 17/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Kim An (sinh năm 1969), trú tại tổ 7, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015. Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La phê chuẩn.

Lực lượng chức năng khám xét nơi ở của đối tượng Nguyễn Thị Kim An - Ảnh: TTXVN 

Quá trình điều tra, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La xác định bị can Nguyễn Thị Kim An cùng các đối tượng: Bùi Thị Thu (sinh năm 1969), trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị và công nghệ Hưng Phát; Sa Văn Khuyên (sinh năm 1960), trú tại tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La; Bùi Thị Hoa (sinh năm 1965), trú tại tổ 11, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế tỉnh Sơn La; Mai Anh Tuấn (sinh năm 1987), trú tại tổ 9, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế tỉnh Sơn La đã có sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước.

Thu giữ lượng lớn ma túy tại Điện Biên

Ngày 17/3, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đã triệt phá thành công liên tiếp 2 chuyên án ma túy, bắt giữ 3 đối tượng, thu 9 bánh heroin, 30.000 viên ma túy tổng hợp, 1kg thuốc phiện.

Cụ thể, vào lúc 4 giờ ngày 17/3, tổ công tác phối hợp gồm Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang và Công an huyện Điện Biên làm nhiệm vụ tại khu vực bản Púng Bửa, xã Na Ư, huyện Điện Biên đã phát hiện 2 nam giới di chuyển trên 2 xe máy có biểu hiện nghi vấn. Khi đối tượng đi vào khu vực tổ công tác mật phục, lực lượng đánh án đồng loạt trên các hướng áp sát, khống chế bắt giữ. Lực lượng chức năng phát hiện ở giá đèo hàng trên xe máy của đối tượng đi sau có bao tải màu xanh bên trong đựng 9 bánh hình vuông được bọc băng keo màu đen chứa chất bột dạng nén màu trắng nghi là heroin, trọng lượng khoảng 3,2kg.

Qua biện pháp nghiệp vụ, các đối tượng khai nhận là Lầu A Dụa (sinh năm 1983) và Lầu A Cú (sinh năm 1994), là anh em ruột, cùng trú tại bản Púng Bửa, xã Na Ư, huyện Điện Biên. Số heroin trên 2 đối tượng mua của đối tượng trên biên giới ở khu vực mốc 120, tuyến biên giới Việt Nam – Lào và vận chuyển từ Điện Biên sang tỉnh Lào Cai để tiêu thụ. Khi đi giao ma túy, cả hai đã bị Bộ đội Biên phòng phát hiện bắt giữ.

Đối tượng Lầu A Dụa và Lầu A Cú cùng tang vật vụ án tại cơ quan điều tra - Ảnh: TTXVN

Tiếp đó, vào lúc 8 giờ 30 phút cùng ngày, tại khu vực mốc 71, thuộc địa phận bản Long Dạo, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Điện Biên phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Điện Biên, Đồn Biên phòng Si Pa Phìn bắt giữ đối tượng Lò Văn Chun (sinh năm 1974), trú tại bản Huổi Lái, huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ, Lào về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ 30.000 viên ma túy tổng hợp, 1kg thuốc phiện, 1 súng kíp, 1 dao nhọn.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Chun khai nhận vận chuyển số ma tuý trên từ bên kia biên giới sang địa phận phận bản Long Dạo, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ để tiêu thụ và đã bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.

Gần 1.000 ca mắc COVID-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” tại Campuchia 

Hậu quả do “sự cố cộng đồng ngày 20/2” làm bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba tại nước này chưa có dấu hiệu dừng lại khi Bộ Y tế Campuchia vừa thông báo có thêm 75 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 liên quan đến sự kiện trên lên 999 ca và thêm một tỉnh có người mắc bệnh.

Kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy có 50 người ở Phnom Penh dương tính với SARS-CoV-2, mức cao nhất trong ngày được ghi nhận ở thủ đô của Campuchia kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây hơn một năm, trong đó có 45 người Campuchia và 5 người Trung Quốc. Trong khi đó tại tỉnh Kandal nằm sát Phnom Penh cũng có 22 ca mắc mới đều là người Campuchia ở làng Prek Seung (huyện Koh Thom), cùng địa điểm với 64 ca được thông báo hôm 16/3.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Theo Bộ Y tế Campuchia, ca dương tính đầu tiên liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” tại tỉnh Takeo là một công nhân vệ sinh từng đến Phnom Penh ngày 13/3 vừa qua. Như vậy, kể từ đầu mùa dịch đến sáng nay, tại Campuchia có tổng cộng 1.505 ca mắc COVID-19 và riêng trong sáng 17/3 có thêm 22 người hồi phục, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 840 người.

*Tại Việt Nam, thông tin từ Bộ Y tế, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 17/3, Việt Nam ghi nhân 7 ca mắc mới (2561-2567), trong đó có 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.567 ca mắc COVID-19 trong đó, 1.599 ca mắc do lây nhiễm trong nước; 906 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.

Tham gia lễ hội lửa: Gần 2.000 người Iran bị thương 

Đã có 3 người thiệt mạng và gần 1.900 người bị thương trong lễ hội lửa truyền thống Chaharshanbe Suri nhân dịp năm mới theo lịch của người Iran.

 Người dân vui chơi trong lễ hội lửa truyền thống Chaharshanbe Suri ở Tehran, Iran, ngày 16/3/2021 - Ảnh: THX/TTXVN

Theo Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Iran, một trong số những người thiệt mạng được xác nhận tại thủ đô Tehran mặc dù chính quyền đã cấm người dân tụ tập qua đêm để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Đa phần trong số 1.894 người bị thương là nam giới. Trước đó, đã có 6 người thiệt mạng do các nguyên nhân liên quan tới xử lý thuốc nổ chế tạo pháo.

Chaharshanbe Suri là một lễ hội truyền thống của Iran. Lễ hội này thường được tổ chức vào đêm trước của ngày thứ 4 cuối cùng theo lịch Iran. Theo nghi thức truyền thống, tham gia lễ hội, đám đông cùng bước qua đống lửa, rước đuốc, đốt pháo và nhảy múa để gột rửa tội lỗi cũng như xua đuổi tà ma. Lễ hội trên có sức hút đối với những người trẻ tuổi ở Iran và nhiều thanh niên đã tự chế tạo pháo để đốt trong lễ hội.

Năm ngoái, chính quyền nhiều địa phương của Iran đã cấm tổ chức lễ hội trên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Năm nay, cảnh sát thủ đô Tehran đã ban hành lệnh cấm tụ tập trong đêm lễ hội này, tuy nhiên nhiều người đã phớt lờ lệnh cấm./.

Gia Hưng (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực