Rơi máy bay tiêm kích tại indonesia

Thứ hai, 15/06/2020 21:23
(ĐCSVN) - Phi công người Anh mắc COVID-19 giao tiếp tốt, gần đi lại được; Đình chỉ phi hành đoàn vụ máy bay trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất; 3 ôtô tông nhau, đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) tắc cục bộ nhiều giờ; Rơi máy bay tiêm kích tại Indonesia; Máy bay chiến đấu Mỹ rơi ở ngoài khơi nước Anh… là một số tin tức đáng chú ý diễn ra ngày 15/6.

Máy bay hạ cánh trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất, nhiều chuyến bay phải tạm dừng

Bệnh nhân COVID số 91 đã phục hồi sức khỏe

Phi công người Anh mắc COVID-19 giao tiếp tốt, gần đi lại được

 Phi công người Anh mắc COVID-19 có thể giao tiếp tốt được bằng lời nói - Nguồn: Dân trí

Liên quan đến công tác điều trị cho nam phi công người Anh - bệnh nhân 91, Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến chiều 15/6, nam bệnh nhân đã tự thở với ôxy hỗ trợ 2 lít/phút. Bệnh nhân tỉnh, có thể giao tiếp tốt được bằng lời nói; một số chức năng dần hồi phục, gần đi lại được.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết bệnh nhân còn cần thêm thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.

Về diễn biến dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 15/6 cho biết, tính từ 6h đến 18h ngày 15/6, Việt Nam không phát hiện ca mắc COVID-19 mới.

Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 15/6, đã tròn 60 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đến chiều 15/6, Việt Nam đã ghi nhận 334 ca mắc COVID-19, trong đó có 194 ca mắc nhập cảnh được cách ly ngay, không có khả năng lây ra cộng đồng. 323/334 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đã được công bố khỏi bệnh, chiếm 96,7% tổng số ca bệnh. Không có trường hợp nào tử vong do COVID-19.

11 bệnh nhân còn lại đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại 6 cơ sở y tế, trong đó có 6 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, hai bệnh nhân cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và ba bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên.

 Đình chỉ phi hành đoàn vụ máy bay trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất

Hiện trường sự cố. (Ảnh: CTV/Vietnam+) 

Ngày 15/6, Cục Hàng không cho hay, tàu bay gặp sự cố hạ cánh trượt đường băng sân bay Tân Sơn Nhất đã được di chuyển về sân đỗ. Đường băng 25L đã khắc phục xong và đã đưa vào khai thác lúc 8h30. Mọi hoạt động tại sân bay đã trở lại bình thường.

Cục Hàng không Việt Nam tạm thu bằng lái của 2 phi công, đình chỉ phi hành đoàn để phục vụ điều tra sự cố máy bay Vietjet Air mang số hiệu VJ322 lao khỏi đường băng Tân Sơn Nhất vào ngày 14/6 vừa qua.

Cục Hàng không cho biết, sẽ tiến hành giải mã hộp đen máy bay, đọc ghi âm buồng lái phi công và phân tích các dữ liệu chuyến bay để xác định nguyên nhân, làm rõ sự cố.

liên quan đến sự cố hạ cánh của máy bay Vietjet, trả lời báo chí bên lề Quốc hội chiều 15/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng.

"Nguyên nhân ban đầu có thể nhận định lỗi lớn ở phi công. Khi máy bay hạ cánh, phi công thực hiện theo lệnh cấp phép của cơ quan quản lý bay nhưng phi công có quyền thực hiện hạ cánh hoặc không. Với diễn biến thời tiết phức tạp, phi công cần đánh giá đúng tình hình để đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Kể cả khi nhận huấn lệnh hạ cánh thì phi công cũng có thể xin chuyển hướng và thực hiện hạ cánh ở sân bay dự bị hoặc phải bay chờ", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trường hợp chuyến bay VJ322, phi công đã quyết định hạ cánh trong điều kiện thời tiết bất lợi và sự cố đã xảy ra.

"Tổ điều tra sẽ đọc thông tin hộp đen để làm rõ, đặc biệt là quyết định hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất của phi công". Nếu kết luận xác định là lỗi của hãng và phi công thì việc xử lý sẽ được thực hiện nghiêm theo quy định.

  3 ôtô tông nhau, đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) tắc cục bộ nhiều giờ
Xe ben và ôtô khách tông nhau trên đèo Bảo Lộc. Ảnh: Zing 

Khoảng 9h30 ngày 15/6, tại Km-100 trên Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 3 xe ôtô gồm hai xe khách và một xe tải.

Thời điểm trên, 1 xe tải do tài xế Đỗ Trọng Chiến (60 tuổi, ngụ TP Bảo Lộc) điều khiển lưu thông trên đèo Bảo Lộc hướng TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt.

Tại Km-97 trên Quốc lộ 20, xe tải đã xảy ra va chạm với xe khách giường nằm do tài xế Phạm Văn Nhanh (33 tuổi, quê Bình Định) điều khiển lưu thông hướng ngược lại.

Cùng lúc này, xe khách giường nằm do tài xế Phạm Văn Đang (44 tuổi, quê Nam Định) điều khiển không kịp xử lý đã húc vào đuôi xe khách.

Vụ tai nạn giữa 3 xe trên đèo Bảo Lộc khiến nhiều hành khách trên hai xe khách hoảng loạn. Cả ba xe bị hư hỏng nặng, rất may không có người bị thương nặng, tài xế và phụ xe của các xe chỉ bị xây xát nhẹ.

Hậu quả, vụ tai nạn khiến đèo Bảo Lộc ách tắc cục bộ cả hai chiều trong gần 3 giờ đồng hồ, dòng xe ùn tắc kéo dài nhiều km trên đèo Bảo Lộc xuống tới thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng phân luồng, giải tỏa hiện trường, đèo Bảo Lộc đã di chuyển trở lại bình thường.

Rơi máy bay tiêm kích tại Indonesia

Hiện trường vụ máy bay tiêm kích Hawk 209 của Không quân Indonesia rơi tại huyện Kampar, tỉnh Riau ngày 15/6/2020. Ảnh: COMPAS/TTXVN 

Ngày 15/6, một tiêm kích Hawk 209 của Không quân Indonesia đã bị rơi tại làng Kubang Jaya (Cu-bang Giay-a), huyện Kampar (Căm-pa), tỉnh Riau (Ri-au), cách địa điểm xuất phát khoảng 5 km. Vụ tai nạn xảy ra khi máy bay phản lực và 2 máy bay khác đang bay diễn tập tại tỉnh Kampar.

Phát ngôn viên của Không quân Indonesia, Nguyên soái thứ nhất Fajar Adriyanto (Pha-gia A-đri-an-to) xác nhận rằng máy bay trên do Anh chế tạo mang số TT-0209 đã xuất phát từ căn cứ không quân Rusmin Nuryadin ở tỉnh lỵ Pekanbaru (Pê-can-ba-ru).

Cũng theo ông Fajar, phi công lái máy bay đã nhảy dù và sống sót sau vụ tai nạn. Hiện người này đang được kiểm tra y tế tại Bệnh viện Không quân Dr. Soekirman ở Pekanbaru. Nguyên nhân vụ tai nạn và số người thương vong hiện vẫn đang được điều tra làm rõ.

Phát ngôn viên Adriyanto cho biết một số ngôi nhà và máy bay bị hư hỏng và Không quân Indonesia sẽ bồi thường thiệt hại.

Vụ tai nạn nói trên xảy ra chỉ vài ngày sau khi một trực thăng Mi-7 của Không quân Indonesia bị rơi tại Kendal (Ken-đan), tỉnh Trung Java (Gia-va), khiến 5 quân nhân thiệt mạng và 4 người khác phải nhập viện điều trị.

Máy bay chiến đấu Mỹ rơi ở ngoài khơi nước Anh

Không quân Mỹ thông báo ngày 15/6, một máy bay chiến đấu của Mỹ đã bị rơi ở Biển Bắc, ngoài khơi vùng biển Đông Bắc nước Anh.

Thông báo nêu rõ máy bay F-15C Eagle đã xuất phát từ căn cứ Không quân Hoàng gia Anh, bị rơi vào lúc 15h40 (giờ Việt Nam) khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện định kỳ. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn và số phận của viên phi công. Phía Mỹ đã đề nghị lực lượng tìm kiếm và cứu nạn Anh hỗ trợ.

Hiện chiến dịch giải cứu đang được tiến hành để tìm kiếm phi công máy bay chiến đấu của Mỹ ở ngoài khơi vùng biển Đông Bắc nước Anh.

Năm 2014, một trực thăng quân sự của Mỹ đã bị rơi ở vùng biển phía Đông nước Anh, khiến toàn bộ 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng./.

MK (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực