Sáp nhập Ban Tiếp công dân vào cơ quan Thanh tra?

Chủ nhật, 10/10/2021 19:52
(ĐCSVN) - ​Ban Tiếp công dân sẽ sáp nhập vào cơ quan Thanh tra; Giá xăng sắp tăng mạnh; Phấn đấu chạy thử 10 đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội; Máy bay Nga gặp nạn ở Tatarstan khiến 16 người thiệt mạng là một số tin trong nước và thế giới đáng chú ý hôm nay 10/10 .

Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ nghiên cứu sáp nhập Ban Tiếp công dân vào cơ quan Thanh tra để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hiện 22,3% số lượt tiếp của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp được ủy quyền, phân công tiếp thay. Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở không niêm yết quy trình tiếp công dân, không mở sổ tiếp dân, ghi chép sổ tiếp dân không rõ ràng, có trường hợp cán bộ tiếp công dân còn sơ suất hoặc ứng xử không phù hợp dẫn đến người dân bức xúc.

Đại diện cơ quan kiểm sát nhân dân tại buổi tiếp công dân (Ảnh: Đức An)

Bên cạnh đó, công tác xử lý đơn còn chậm, chồng chéo, sai sót về trình tự, thủ tục; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại của các địa phương chỉ đạt 66,5%. Các địa phương có tỷ lệ giải quyết khiếu nại đạt thấp (dưới 70%) là: Đà Nẵng, Hải Dương, Tuyên Quang, Quảng Bình, Hải Phòng, Hòa Bình, TP HCM, Bắc Kạn...

Một số địa phương chưa tích cực rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đến nay, còn 13 vụ việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, kết luận nhưng đến nay chưa giải quyết xong.

Hiện tại địa phương vừa có Ban tiếp công dân, vừa có cơ quan thanh tra nên hai cơ quan này phải phối hợp thực hiện 1 nhiệm vụ, mục tiêu chung là để tham mưu Chủ tịch UBND tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Do đó, sẽ nảy sinh bất cập, vướng mắc, làm giảm hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khi hai cơ quan này không phối hợp tốt với nhau.

Trên cơ sở đó, một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2022 là nghiên cứu sáp nhập Ban Tiếp công dân (thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn) vào cơ quan Thanh tra (thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo). Khi đó, cơ quan Thanh tra vừa làm nhiệm vụ tiếp công dân, vừa tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Giá xăng có thể tăng mạnh

Giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tính đến ngày 4/10 biến động mạnh so với chu kỳ nửa tháng trước, khiến mỗi lít xăng từ ngày mai (11/10) có thể tăng thêm 800-1.000 đồng, nối dài kỳ tăng thứ ba liên tiếp.

 Giá xăng dầu sắp tăng mạnh vào ngày 11/10? (Ảnh: Mạnh Thắng)

Giá mỗi thùng xăng RON 92 và RON 95 giai đoạn này đều tăng khoảng 5%, lần lượt là 86,6 USD và 88,2 USD. Giá dầu hoả bình quân là 86,39 USD một thùng và có thời điểm lên gần 88 USD do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhất trí chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi ngày theo từng tháng, chứ không nâng mạnh sản lượng như kỳ vọng của các nhà phân tích và kinh tế học.

Tại kỳ điều hành ngày 25/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng E5 RON 92 lên cao nhất 20.710 đồng một lít (tăng 570 đồng) và RON 95 cao nhất 21.940 đồng một lít (tăng 550 đồng). Cơ quan điều hành cũng chi 850 đồng từ quỹ để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92. Xăng RON 95 và các mặt hàng dầu không chi quỹ bình ổn giá tại kỳ điều hành lần này.

Từ cuối tháng 2/2021 đến nay, mỗi lít xăng RON 95 đã tăng khoảng 4.700 đồng còn E5 RON 92 tăng khoảng 4.400 đồng.

Tháng 12 phấn đấu chạy thử 10 đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đang lắp ráp, thử nghiệm các đoàn tàu và phấn đấu chạy thử liên tiếp tất cả đoàn tàu vào tháng 12.

Trước đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã hoàn thành đưa đoàn tàu thứ 10 về nước. Hiện MRB liên tục lắp ráp, thử nghiệm các đoàn tàu và phấn đấu chạy thử liên tiếp tất cả đoàn tàu vào tháng 12.

 Tháng 12 phấn đấu chạy thử 10 đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân)

Trong quá trình thực hiện dự án, mặc dù chủ đầu tư đã nỗ lực, cố gắng trong quản lý, triển khai các gói thầu nhưng dự án vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, tác động của dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là đối với việc huy động chuyên gia nước ngoài sang làm việc cũng như việc sản xuất, nhập khẩu các thiết bị từ châu Âu.

Tiếp đến, công tác giải phóng mặt bằng của dự án chậm trễ trong thời gian dài do vướng mắc về thủ tục và sự chấp hành của các hộ dân. Ngoài ra, chính sách bồi thường, hỗ trợ và quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng khi thi công tuyến hầm chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định pháp luật hiện hành.

UBND TP Hà Nội hiện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất chính sách theo yêu cầu của nhà tài trợ và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vướng mắc nêu trên.

Máy bay Nga gặp nạn ở Tatarstan, 16 người thiệt mạng

Ngày 10/10, chiếc máy bay L-410 của Nga đang chở một nhóm người nhảy dù đã bị rơi tại thị trấn Menzelinsk thuộc Cộng hoà Tatarstan (liên bang Nga) khiến 16 người thiệt mạng và 7 người bị thương.

Chiếc máy bay L-410 gặp nạn (Ảnh: RIA)

Hãng tin RIA dẫn nguồn tin từ cơ quan cứu hộ cho biết chiếc máy bay gặp nạn là Let L-410 Turbolet, một dòng máy bay có hai động cơ thường được sử dụng cho các chặng ngắn.

Các tiêu chuẩn an toàn hàng không của Nga được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng thực tế vẫn xảy ra một số vụ tai nạn ở các khu vực hẻo lánh.

Tháng trước, một chiếc máy bay Antonov An-26 đâm xuống vùng viễn đông của Nga, khiến 6 người thiệt mạng. Hồi tháng 7, một chiếc Antonov An-26 hai động cơ đâm xuống Kamchatka, khiến toàn bộ 28 người trên khoang thiệt mạng./.

Anh Tuấn (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực