Thấy gì từ phổ điểm năm nay?

Thứ hai, 15/07/2019 18:51
(ĐCSVN) – Bắt đầu tổng kiểm soát xe vi phạm giao thông trên toàn quốc; Hà Tĩnh có tân Chủ tịch UBND 43 tuổi; phổ điểm các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phản ánh đúng năng lực học sinh phổ thông.... là những tin tức đáng chú ý trong ngày 15/7.

Thấy gì từ phổ điểm năm nay?           

 


Ảnh minh họa. (Nguồn: Hồng Vĩnh)

Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố điểm thi và kết quả phân tích phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, điểm trung bình các môn thi năm nay hầu hết đều cao hơn năm 2018.

Một số chuyên gia giáo dục nhận định, kết quả phân tích phổ điểm các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phản ánh được đúng năng lực học sinh phổ thông. Việc phổ điểm hầu như nghiêng về phía tay phải có nghĩa đề thi không quá khó cũng không quá dễ.

Ở hầu hết các tổ hợp xét tuyển 3 môn truyền thống vào ĐH đều có mức điểm 16-17, tức trên mức trung bình, mức điểm cao 22 điểm trở lên có độ phân hóa rõ rệt. Nhiều chuyên gia cho rằng, đề thi năm nay đã đáp ứng được cả tiêu tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ, các trường top giữa sẽ không còn “khát” sinh viên như những năm trước.

Đáng chú ý, khi phổ điểm thi các môn được công bố, nhiều người muốn biết điểm thi trung bình của ba tỉnh là Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình từng xảy ra gian lận điểm thi gây chấn động năm 2018 sẽ ra sao trong năm nay? 

Theo dữ liệu được công bố, kết quả điểm thi THPT quốc gia 2019 của 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã có sự “đảo chiều” so với năm 2018.

Theo thống kê từ dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình xếp cuối với điểm trung bình các môn thi lần lượt đạt 4,29 điểm, 4,3 và 4,7 điểm.

Các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là ba địa phương có điểm trung bình xếp cuối bảng ở các môn toán, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý. Riêng Sơn La, Hà Giang thay nhau "đội sổ" về điểm trung bình ở tất cả môn thi.

Điểm khác biệt là tỷ lệ thí sinh đạt mức điểm cao của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã giảm nhiều so với năm 2018. Đơn cử như năm ngoái, Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La lần lượt đứng đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh có điểm thi môn toán từ 9 điểm trở lên thì năm nay, Hà Giang đã tụt xuống vị trí thứ 56, Sơn La đứng ở vị trí 63 và Hòa Bình có khá hơn khi xếp ở vị trí thứ 22 cả nước.

Hà Tĩnh có tân Chủ tịch UBND 43 tuổi

Sáng 15/7, kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã bầu ông Trần Tiến Hưng giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu tán thành đạt 48/48 đại biểu HĐND tỉnh có mặt.

Ông Trần Tiến Hưng, sinh ngày 8/3/1976, tại thị trấn Phúc Yên, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; quê quán: phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Trình độ học vấn: Cử nhân Kinh tế, Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội; học vị: Tiến sỹ Kinh tế; Lý luận chính trị: Cao cấp.

Trước khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Tiến Hưng là Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ngày 2/7/2019, ông Trần Tiến Hưng được Ban Bí thư luân chuyển, chỉ định tham gia BCH, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng chia sẻ: "...được trở về quê hương công tác, giữ cương vị người đứng đầu UBND tỉnh, tôi nhận thức sâu sắc đây là vinh dự, là trọng trách lớn trước Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà”.

Ông cũng hứa sẽ tận tâm, tận tụy cống hiến trí tuệ, sức lực; thực hiện cao nhất trách nhiệm của người đứng đầu UBND tỉnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của tỉnh, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam có khả thi?


Đường sắt Bắc - Nam hiện hữu đã khai thác hơn 100 năm, nhiều đoạn xuống cấp.
(Ảnh minh họa: thanhnien.vn)

Những ngày gần đây, dư luận và nhiều chuyên gia đang bàn tán sôi nổi về việc Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng phương án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại phục vụ chở khách địa phương và chở hàng hóa, đồng thời đầu tư mới tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ chạy tàu 320km/h, tổng vốn xây dựng lên tới 1.344.459 tỉ đồng (khoảng 58,7 tỉ USD).

Dư luận và nhiều chuyên gia quan tâm tới câu chuyện này bởi cách đây 9 năm, dự án đường sắt cao tốc tương tự đã được chính phủ đưa ra và giới chuyên gia đã phân tích từ nhiều khía cạnh để thấy là hoàn toàn không khả thi và không đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Lần này, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư chỉ khoảng 26 tỷ USD; tốc độ 200 km/h. Mức này có chênh lệch rất lớn về tổng mức đầu tư so với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, do vậy đã gây nên cuộc tranh luận về việc lựa chọn công nghệ nào, tốc độ chạy tàu bao nhiêu để đảm bảo hiệu quả đầu tư và phù hợp với tình hình kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, các ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, việc đầu tư dự án 58,7 tỷ USD sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển. Cụ thể các dự án đầu tư khác phải đình hoãn để tập trung vốn cho đường sắt tốc độ cao trong 30 năm và lâu hơn nữa. Toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao chỉ chở khách thì không giải quyết được tình hình vận tải hàng hóa để giảm chi phí vận tải...

Được biết, cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng, cùng sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Tước hết chức vụ trong giáo hội của sư trụ trì chùa Ba Vàng

Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác nhận đã ra nghị quyết nhất trí bãi nhiệm tất cả chức vụ của đại đức Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ còn đảm nhiệm làm trụ trì chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, các chức vụ bị bãi nhiệm của đại đức Thích Trúc Thái Minh bao gồm: Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu; Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Bắt đầu tổng kiểm soát xe vi phạm giao thông trên toàn quốc


Ảnh minh họa (Nguồn: KS)

Từ 15/7 đến 14/8, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước sẽ thực hiện tổng kiểm soát đối với ô tô chở khách, xe container và mô tô. Kế hoạch tổng kiểm soát này được thực hiện thành 2 đợt: Đợt 1 từ 15-29/7 và đợt 2 từ 30/7 đến 14/8.

Trong thời gian tổng kiểm soát, CSGT sẽ bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên tất cả tuyến đường bộ, trong đó tập trung ở những tuyến quốc lộ trọng điểm và các đường cao tốc, để kiểm soát các phương tiện nói trên nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Các hành vi vi phạm trong đợt tổng kiểm soát này sẽ bị xử lý nghiêm. Trong đó, CSGT sẽ tập trung vào các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: Sử dụng rượu bia, ma túy; chở quá số người quy định, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm; sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sử dụng giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định bị tẩy xóa…

Để phục vụ công tác, lực lượng CSGT được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, bảo đảm thực hiện hiệu quả việc tổng kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi cản trở, chống đối, cũng như hoạt động tội phạm.

Toàn bộ quá trình hoạt động trong ca công tác đều được ghi hình bằng camera.

Kế hoạch công tác này được CSGT triển khai trong bối cảnh những diễn biến phức tạp của tình hình TTATGT thời gian gần đây. Hi vọng cuộc tổng kiểm soát sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; ý thức chấp hành của người tham gia giao thông tốt hơn và góp phần phòng ngừa tội phạm, tai nạn có thể xảy ra./.

 

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực