Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á

Thứ tư, 22/12/2021 22:34
(ĐCSVN) - Đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; 20 bệnh nền làm người mắc COVID-19 gia tăng mức độ nặng; Nhiều điểm quan trắc cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội rất xấu; Lở đất tại mỏ ngọc ở Myanmar khiến ít nhất 80 người mất tích… là những thông tin đáng chú ý ngày 22/12.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á

Bộ kit test xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (nguồn: baotintuc.vn)

Vừa qua, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của tình hình dịch COVID-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tại các địa phương trong cả nước, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã có dấu hiệu cấu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan, vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu kit xét nghiệm COVID-19 nhằm trục lợi.

Đối với vấn đề trên, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 9373/VPCP-NC ngày 22/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng tiêu cực và "lợi ích nhóm", tuyệt đối không được để xảy ra vi phạm pháp luật; trường hợp khó khăn vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, kịp thời trao đổi, báo cáo Bộ Y tế và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để xử lý, giải quyết.

 20 bệnh nền làm người mắc COVID-19 gia tăng mức độ nặng

 Ảnh minh họa (nguồn:moh.gov.vn)

Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19.

Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới với các biến thể mới được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta (B.1.617), Omicron (B.1.1.529).

Trong đó, nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc COVID- 19 là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, phụ nữ có thai.

Theo Bộ Y tế, có 20 bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc COVID-19, đó là: Đái tháo đường; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Béo phì, thừa cân; Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); Bệnh lý mạch máu não; Hội chứng Down; HIV/AIDS; Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Hen phế quản; Tăng huyết áp; Thiếu hụt miễn dịch; Bệnh gan; Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống; Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.

Nhiều điểm quan trắc cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội rất xấu

 Sương mù dày đặc cùng bụi bẩn ô nhiễm không khí tại khu vực cầu Long Biên, Hà Nội, ngày 17/11/2021. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Ngày 22/12, chất lượng không khí (AQI) được ghi nhận tại nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội và vùng lân cận có chỉ số rất xấu.

Lúc 9 giờ, ứng dụng VNAir của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận, trong số 35 điểm quan trắc ở miền Bắc có 6 điểm màu đỏ tập trung ở Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn - mức mà những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Bảy điểm màu cam ở Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Hải Dương, Phú Thọ, Cao Bằng - mức có ảnh hưởng không tốt cho nhóm người nhạy cảm. Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội ghi nhận tới 2 điểm có màu tím - ở Trường Mầm non Kim Liên (Đống Đa) và Công viên hồ Thành Công (Ba Đình).

Ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) ghi nhận 6 điểm chất lượng không khí rất xấu ở Hà Nội. Theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của ứng dụng AirVisual, trong số 95 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc thì Hà Nội đứng thứ 5 với chỉ số AQI ở mức 197 (màu đỏ).

Đối với ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), ghi nhận nhiều nhất số điểm chất lượng không khí rất xấu với 14 điểm màu tím, chủ yếu tập trung ở Hà Nội.

Theo các chuyên gia, chất lượng không khí ở miền Bắc đang trong giai đoạn ô nhiễm nhất trong năm. Thời tiết hanh khô cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Giá trị của thông số bụi mịn PM2.5 thường cao hơn vào ban đêm và sáng. Người dân nên đóng cửa sổ khi không khí xấu, hạn chế hoạt động ngoài trời, đeo khẩu trang chống bụi khi ra ngoài, hút bụi thường xuyên, trồng thêm cây xanh để hạn chế bụi...

Myanmar: Lở đất tại mỏ ngọc, ít nhất 80 người mất tích

  Người dân và lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ lở đất tại mỏ ngọc ở bang Kachin, Myanmar ngày 23/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22/12, hãng tin Reuters dẫn truyền thông địa phương cho biết vụ lở đất xảy ra tại khu vực Hpakant của bang Kachin (Myanmar) vào lúc 4 giờ sáng 22/12 (giờ địa phương). Một quan chức thuộc Tổ chức phát triển mạng lưới Kachin lo ngại khoảng 80 người đã bị cuốn vào một hồ nước sau vụ lở đất.

Đến 7h sáng (giờ địa phương), các lực lượng chức năng Myanmar có mặt tại hiện trường và triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.

Myanmar là quốc gia sản xuất tới 90% ngọc trên thế giới. Nước này từng ghi nhận các thảm họa lở đất tại mỏ ngọc gây thương vong rất lớn. Mới đây nhất, vụ lở đất tại mỏ ngọc xảy ra tại bang Kachin hồi tháng 7/2020 đã khiến hơn 170 người thiệt mạng. Trước đó, tháng 11/2015, một vụ lở đất xảy ra tại mỏ ngọc cũng ở bang Kachin đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 113 người./.

 

V.Lê (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực