TP.Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội đến hết tháng 9

Thứ hai, 13/09/2021 19:50
(ĐCSVN) - TP.Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 9; Lý giải chứng nhận tiêm vắc-xin biến mất trên Sổ sức khỏe điện tử; Hơn 1 triệu máy tính trao tặng học sinh khó khăn; Trung Quốc đột phá kinh ngạc xử lý chất thải hạt nhân, giữ an toàn 1000 năm... là những tin đáng chú ý trong ngày 13/9.

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 9

Chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết toàn TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến 30/9. Một số địa phương tùy mức độ kiểm soát dịch sẽ thực hiện Chỉ thị 16 (-) hoặc Chỉ thị 15 (+).

leftcenterrightdel
                      Hình ảnh tại Họp báo chiều 13/9 tại Tp Hồ Chí Minh. Nguồn: TTXVN

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, trong quá trình thành phố tăng cường siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội thì từng lúc, từng địa bàn, thành phố đã mở ra một số dịch vụ.

Ví dụ như thành phố đã mở rộng hoạt động của siêu thị ở xã, phường, thị trấn gắn với shipper. Với sự tham gia của hệ thống siêu thị và shipper thì việc cung ứng đơn hàng đã tăng đáng kể, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, dịch vụ ăn uống mang về sau này cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ăn uống của bà con.

“Dù giãn cách nhưng TP sẽ liên tục điều chỉnh những ngành an toàn để phục vụ người dân” - đồng chí Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin, so với tiêu chí Chính phủ đề ra, rằng ngày 15/9 TP.HCM phải kiểm soát dịch, thì TP.HCM vẫn còn một số nội dung chưa đạt.

Vì vậy, để đảm bảo kết quả bền vững, từng bước nới lỏng phục hồi kinh tế, để hài hòa phòng chống dịch thì TP quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn TP, dự kiến đến cuối tháng 9. Một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Q.5, Q.7, Q.11 thì sẽ thực hiện Chỉ thị 16 (-) hoặc Chỉ thị 15 (+).

Theo đồng chí Phan Văn Mãi việc chuẩn bị như trên của TP là để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững; có sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn mở cửa sau dịch bệnh.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết một số hoạt động TP sẽ tập trung thực hiện đến cuối tháng 9 như: tiêm vắc xin, qua đó sẽ tập trung đạt tỷ lệ cao nhất và đẩy nhanh tiêm mũi 2 khi tới hạn, hoặc rút ngắn thời gian từ 8 - 12 tuần xuống còn 6 tuần. Đây là điều kiện để nhanh chóng mở cửa trở lại các hoạt động bình thường. TP.HCM cũng sẽ tập trung củng cố năng lực hệ thống y tế, cơ sở; chuẩn bị kỹ kế hoạch phục hồi kinh tế sau tháng 9 trở đi.

Người dân lúng túng khi các dữ liệu về sức khỏe bị biến mất. Nguồn: VA

Lý giải chứng nhận tiêm vắc-xin biến mất trên Sổ sức khỏe điện tử

Những ngày qua nhiều người dân tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội phản ánh chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19 của mình biến mất đột ngột trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử mà không rõ nguyên nhân.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho hay, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống Tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế. Mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử sẽ thay thế cho giấy chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19.

“Khi thực hiện việc tiêm vắc-xin, các đơn vị sẽ cập nhật thông tin của người dân lên hệ thống tiemchungcovid19.moh.gov.vn và sau khi tiêm, người dân sẽ có kết quả tiêm ngay trên Sổ sức khỏe điện tử. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống mới vận hành, dẫn đến dữ liệu bị cập nhật chậm lên hệ thống. Bộ Y tế đã có văn bản đôn đốc các đơn vị triển khai tiêm vắc-xin COVID-19, đồng thời cập nhật kết quả tiêm trước đó lên hệ thống trước ngày 20/9”, ông Nam thông tin.

Ông Nam cho biết thêm, trong trường hợp muốn điều chỉnh thông tin tiêm vắc-xin, người dân cần cung cấp đầy đủ thông tin, đính kèm ảnh chụp Giấy xác nhận đã tiêm vắc- xin COVID-19 vào phần phản ánh thông tin tiêm vắc-xin COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng tiemchungcovid19.gov.vn hoặc đến số đường dây nóng 19009095. Sau đó, người dân cần điền đầy đủ các thông tin cá nhân cần thiết như họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD), đơn vị công tác, số điện thoại và cuối cùng là mục thông tin cần điều chỉnh.

Tại đây, người dùng có thể gửi yêu cầu điều chỉnh thông tin về mũi tiêm một, mũi tiêm 2 hoặc cả hai mũi, sau đó nhập thông tin cần điều chỉnh và bấm thêm tệp để tải lên giấy chứng nhận được cấp trước đó rồi bấm gửi.

Đơn vị tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ chịu trách nhiệm cập nhật và nhập dữ liệu của người được tiêm vắc-xin lên hệ thống.

Hơn 1 triệu máy tính trao tặng học sinh khó khăn

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt ngành Giáo dục tiếp nhận sự hỗ trợ cho học sinh trong chương trình "Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: VB

Sau buổi lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” được tổ chức tối qua (12/9), nhiều tổ chức, doanh nghiệp và UBND các tỉnh, thành phố đã trao tặng, ủng hộ hơn 1 triệu máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng.

Ngoài ra, theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo, 100% cước phí sẽ được miễn khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến, đồng thời miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến.

Năm 2021, tất cả địa phương có học sinh học tập trực tuyến cũng sẽ được phủ sóng Internet di động; miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: Máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Kinh phí dự kiến 645 tỉ đồng (thời gian trong 3 tháng).

 

Trung Quốc đột phá kinh ngạc xử lý chất thải hạt nhân, giữ an toàn 1000 năm

Nấu chảy chất thải lỏng với vật liệu thủy tinh ở nhiệt độ 1.100 độ C hoặc cao hơn.

Ảnh: Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc. 

Trung Quốc có đột phá kinh ngạc khi vừa khai trương nhà máy đầu tiên xử lý chất thải hạt nhân thành thủy tinh để lưu trữ an toàn trong 1.000 năm.

Nhà máy xử lý chất thải lỏng phóng xạ mức độ cao đầu tiên của Trung Quốc, có khả năng nấu chảy chất thải hạt nhân thành thủy tinh, đã chính thức được đưa vào sử dụng ở Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, hôm 11/9, khiến Trung Quốc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có được kỹ thuật đột phá này.

Nhà máy này là một dự án quan trọng trong giai đoạn cuối của chuỗi công nghiệp hạt nhân và được coi là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển an toàn và xanh của ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc - Hoàn cầu Thời báo dẫn thông tin từ Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng hôm 12/9 cho hay.

Xử lý chất thải hạt nhân là công đoạn cuối cùng trong quá trình sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn, trong đó phần khó nhất và đòi hỏi kỹ thuật tiên tiến nhất là xử lý chất lỏng phóng xạ mức độ cao.

Để giải quyết thách thức này, cách tiếp cận của Trung Quốc là trộn và nấu chảy chất thải lỏng với vật liệu thủy tinh ở nhiệt độ 1.100 độ C hoặc cao hơn, sau đó để nguội và tạo thành thủy tinh. Thuỷ tinh này có thể chứa các nguyên tố phóng xạ bên trong một cách hiệu quả và ổn định, nhờ vào độ rửa trôi thấp và độ bền cao của thuỷ tinh - theo tuyên bố của cơ quan quản lý.

Cho đến nay, cách tiếp cận này của Trung Quốc để xử lý chất thải hạt nhân là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới, tuyên bố cho biết. Trước đây chỉ có Mỹ, Pháp, Đức và một số nước khác làm chủ được kỹ thuật này.

Những khó khăn và khả năng cốt lõi của cơ chế xử lý chất thải như vậy nằm ở công thức hợp nhất với tỷ lệ bao trùm cao và độ ổn định để đảm bảo các chất phóng xạ bên trong có thể được lưu trữ an toàn trong hơn 1.000 năm, tuyên bố cho biết.

Dự án đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CAEA) phê duyệt vào năm 2004, do Trung Quốc và Đức cùng thiết kế. Lô thủy tinh đầu tiên được tổng hợp từ chất thải phóng xạ đã được đưa ra đánh giá vào ngày 27/8 và đã vượt qua thành công các bài kiểm tra với tất cả các chỉ số kỹ thuật liên quan đạt trình độ tiên tiến quốc tế.

Lượng chất thải phóng xạ hàng năm dự kiến sẽ đạt vài trăm mét khối, và thủy tinh được tạo ra từ chất thải sẽ được chôn trong một kho chứa hàng trăm mét dưới mặt đất, giúp thực hiện việc cách ly hoàn toàn các chất phóng xạ với sinh quyển và đặt nền móng vững chắc cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn trong tương lai./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực