Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Chỉ thi 3 môn, bỏ môn thứ 4

Thứ sáu, 17/04/2020 20:47
(ĐCSVN) - Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Chỉ thi 3 môn, bỏ môn thứ 4; Việt Nam không thêm ca mắc mới, tổng số bệnh nhân khỏi bệnh COVID -19 là 198; 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 93.671 ca nhiễm mới là những tin nóng trong ngày 17/4.
Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Chỉ thi 3 môn, bỏ môn thứ 4
Thí sinh dự kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2019 - Ảnh: Chu Hà Linh.
 Chiều 17/4, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2020 - 2021. Căn cứ kế hoạch này, khi thi vào lớp 10 THPT, các thí sinh chỉ phải thi 3 môn (Toán, Văn và Ngoại ngữ), bỏ môn thi thứ 4.

Theo kế hoạch trước đây đã được phê duyệt, thí sinh sẽ phải thực hiện thi ở 4 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Theo các chuyên gia giáo dục, mục đích của môn thi thứ 4 chính là việc tránh tình trạng học lệch, học tủ ở học sinh. Học sinh khối 9 sẽ phải tập trung kiến thức cho các môn có thể được lựa chọn là môn thứ 4.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hiệu trưởng đã đề xuất tới cơ quan có thẩm quyền nên hủy môn thi thứ 4 để giảm tải cho học sinh.

Được biết, nội dung của 3 môn thi nói trên được xây dựng trên tinh thần đã giảm tải, tinh giản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

Không có ca mắc mới, 198 người đã khỏi bệnh

 

3 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trà Vinh). (Ảnh: TL) 

Ngày 17/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy đây là lần đầu tiên kể từ ngày 7/3, tròn 36 giờ nước ta không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Số ca mắc hiện vẫn là 268 ca.

Cụ thể, trong tổng số 268 trường hợp mắc COVID-19 thì có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 73.758, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện  324; cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.549; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 57.172.

Cũng trong ngày hôm nay, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết đã có 21 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 198 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

Cụ thể, có 17 bệnh nhân (BN) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN108, BN128, BN133, BN139, BN169, BN172, BN173, BN174, BN183, BN191, BN213, BN217, BN219, BN221, BN223, BN242, BN251.

 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan- Ninh Bình: BN229.

3 bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Trà Vinh: BN105, BN106, BN144.

Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 198 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

Hiện số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 4 ca..

Thế giới ghi nhận thêm hơn 90.000 ca nhiễm mới COVID-19

 Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: Xinhua) 

24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 93.671 ca nhiễm mới và 6.943 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tới thời điểm hiện tại là 2.180.003 ca nhiễm và 145.417 ca tử vong tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo bảng số liệu do trang web thống kê worldometers.info công bố sáng 17/4 thì Mỹ, Tây Ban Nha và Italy vẫn tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, một số nước châu Á gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia…không ghi nhận thêm ca nhiễm mới hay tử vong nào. Tại một số nước trên thế giới, dịch bệnh đã có dấu hiệu chững lại, song việc nới lỏng các biện pháp để kiềm chế sự lây lan của virus vẫn được khuyến cáo thực hiện một cách thận trọng.

Mặc dù số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại bang New York – “điểm nóng dịch bệnh” tại Mỹ trong 24 giờ qua ở mức thấp nhất trong 10 ngày liên tục, song Thống đốc Andrew Cuomo, ngày 16/4 đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa ở bang này đến ngày 15/5 tới vì cho rằng số ca nhiễm COVID-19 cần giảm nhiều hơn nữa trước khi các lệnh nới lỏng phong tỏa được áp dụng. Hiện đã có 7 bang Đông Bắc Mỹ tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa tới thời điểm nêu trên.

Ngày 16/4, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge lên tiếng cảnh báo cho biết dù một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 đã ghi nhận những dấu hiệu lạc quan, nhưng số ca nhiễm mới vẫn đang tăng lên và sắp chạm mốc 1 triệu người chỉ riêng ở châu Âu.

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến từ Copenhagen (Đan Mạch), ông Kluge nhấn mạnh châu Âu vẫn đang là "tâm bão" của dịch bệnh khi số ca nhiễm trên toàn châu lục tiếp tục tăng. Trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm ở châu Âu đã tăng gần gấp đôi, sắp chạm ngưỡng 1 triệu người. Điều này có nghĩa rằng châu Âu đang gánh 50% gánh nặng toàn cầu về dịch COVID-19 khi hơn 84.000 người ở châu lục này đã tử vong vì virus SARS-CoV-2.  Qua đó, quan chức này của WHO kêu gọi Chính phủ các nước châu Âu cần hành động trong bối cảnh nhiều người dân tại khu vực này đã tỏ ra mất cảnh giác và xem các biện pháp về giãn cách xã hội hay phong tỏa là điều kéo dài, gây mệt mỏi.

 

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực