Xét xử phúc thẩm vụ MobiFone mua AVG

Thứ năm, 23/04/2020 19:49
(ĐCSVN) - Xét xử phúc thẩm vụ MobiFone mua AVG; 7 ngày liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19, chỉ còn 44 ca đang điều trị; Máy xét nghiệm COVID-19 giá nhập 2,3 tỉ đồng, CDC Hà Nội mua tới 7 tỉ đồng, Số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới sắp chạm ngưỡng 20 vạn người … là một sô tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (23/4)
 Các bị cáo được bố trí ngồi cách xa nhau để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19  (Ảnh: thanhnien.vn)

Xét xử phúc thẩm vụ MobiFone mua AVG

Sáng 23/4, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 23 đến ngày 26/4).

Phiên phúc thẩm được tiến hành đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19, bố trí khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu là 2 mét và chỉ cho phép người được Tòa án triệu tập vào phòng xử án.

Chủ tọa phiên phúc thẩm này là Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chánh Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Có 9 bị cáo được xử tại phiên phúc thẩm, gồm: Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Công ty AMAX), Phạm Thị Hoa Mai (cựu thành viên Hội đồng thành viên Mobifone), Hồ Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone).

Hội đồng xét xử đã bắt đầu phiên tòa và tiến hành các thủ tục, kiểm tra căn cước đối với các bị cáo kháng cáo, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết, mấy ngày gần đây sức khỏe của bị cáo rất yếu, thường xuyên phải có sự chăm sóc của bác sĩ. "Bị cáo đã có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe không đảm bảo"- bị cáo nói.

Theo Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn, Hội đồng xét xử đã nhận được đơn xin hoãn của bị cáo Nguyễn Bắc Son. Tuy nhiên, do đây là phiên phúc thẩm và đã bị hoãn một lần (vì lý do phòng, chống dịch COVID-19), Hội đồng xét xử cho rằng phiên phúc thẩm sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày, thời gian không quá dài và bị cáo Nguyễn Bắc Son được phép ngồi phát biểu. Do vậy, Hội đồng xét xử quyết định phiên phúc thẩm vẫn tiếp diễn như kế hoạch đã định.

Trước đó, phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra từ (13 - 16/4), tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên Tòa án đã quyết định hoãn phiên xét xử.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Bắc Son không có mặt tại phiên tòa phúc thẩm mà không nêu lý do. Hội đồng xét xử cho biết: Luật sư Trần Hoàng Anh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son đã có đơn xin hoãn tòa vì lý do sức khỏe của thân chủ. Sáng 23/4, thấy luật sư Trần Hoàng Anh không có mặt tại phiên tòa, thư ký phiên tòa gọi điện để liên lạc nhưng vị luật sư này đã tắt máy. Do vậy, Hội đồng xét xử chỉ định luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son ở phiên phúc thẩm.

Sau khi vụ án được xét xử sơ thẩm có 11 trong tổng số 14 bị cáo làm đơn kháng cáo và đều đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm và xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt; không có bị cáo nào kháng cáo kêu oan, kêu không có tội.

Tuy nhiên, đã có hai bị cáo rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm, đó là Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) và Võ Văn Mạnh (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX).

Ba bị cáo không làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gồm Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp của Bộ Thông tin và Truyền thông) và Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG).

7 ngày liên tiếp không có ca mắc mới COVID-19, chỉ còn 44 ca đang điều trị

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, đến 18 giờ ngày 23/4, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mới mắc COVID-19.

 
Như vậy, Việt Nam đã chữa khỏi cho 224/268 người, chiếm 84% số người mắc COVID-19 (Ảnh: TTXVN) 

Trong số 268 ca mắc COVID-19 tại 28 tỉnh, thành phố đã được ghi nhận, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%) và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%).

Trong ngày 23/4 đã có 1 bệnh nhân số 206 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi được công bố khỏi bệnh.

Như vậy, Việt Nam đã chữa khỏi cho 224/268 người, chiếm 84% số người mắc COVID-19.

44 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 7 cơ sở y tế, đã có 12 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2; 8 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong số 44 bệnh nhân đang được điều trị, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 38 bệnh nhân và bệnh nhân 188 đang được theo dõi. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị 1 bệnh nhân người Anh. Ngoài ra, 5 cơ sở khác gồm: Bệnh viện Đa khoa Cầu Treo Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa Kim Sơn Ninh Bình, Bệnh viện Phổi Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn mỗi nơi đang điều trị một bệnh nhân người Việt Nam.

Có 3 ca nặng đang thở máy, lọc máu. Đó là bệnh nhân số 19 và 161 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bệnh nhân số 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng số có 68.081 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó 369 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 18.600 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 49.112 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Máy xét nghiệm COVID-19 giá nhập 2,3 tỉ đồng, CDC Hà Nội mua tới 7 tỉ đồng

 Giám đốc CDC Hà Nội bị bắt tạm giam liên quan đến việc nâng khống giá nhập máy xét nghiệm COVID-19 (Ảnh: vtc.vn)

Chiều 23-4, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho biết qua điều tra về vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), bước đầu đơn vị này đã xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo C03, việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau. Sau đó, Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ vào đó để đề xuất mức giá và CDC Hà Nội mua vào.

Trước đó, ngày 22-4, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội), Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới sắp chạm ngưỡng 20 vạn người

Theo số liệu thống kê do worldometers.info vừa công bố sáng 23/4, thế giới ghi nhận 2.637.673 trường hợp mắc COVID-19 tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 184.217 trường hợp tử vong.

Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì COVID-19, với lần lượt 848.994 và 47.676 trường hợp.

thế giới ghi nhận 2.637.673 trường hợp mắc COVID-19 tại 212 quốc gia (Ảnh": AFP) 

Sau Mỹ, châu Âu vẫn là điểm nóng của đại dịch COVID-19, với 1.168.284 ca nhiễm bệnh và 111.202 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Nga là nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất ở châu Âu là 5.236 ca. Tổng số ca tử vong tại Nga đến thời điểm hiện tại là 513 ca, sau khi ghi nhận thêm 57 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Tình hình dịch bệnh tại Trung Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi Ả rập Xê út ghi nhận thêm 1.141 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, các nước khác trong khu vực gồm: Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Iraq lần lượt ghi nhận 608; 483 và 29 ca nhiễm mới.

Với 3.659 ca nhiễm COVID-19 và 276 ca tử vong vì dịch bệnh, Ai Cập hiện đang là nước đứng đầu châu Phi về số ca nhiễm.

Tại châu Á, trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện thêm 3.083 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 98.674 trường hợp. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất châu Á.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang lan rộng chưa có điểm dừng tại nhiều châu lục, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 22/4 đã kêu gọi thế giới cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho kịch bản đại dịch COVID-19 sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu WHO nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại một số nước Tây Âu đang có dấu hiệu ổn định hay giảm nhiệt. Song đáng quan ngại là dịch bệnh tại châu Phi, khu vực Trung và Nam Mỹ lại đang có xu hướng gia tăng, cho dù các con số ghi nhận được vẫn còn ở mức thấp.

Lưu ý rằng hầu hết các nước trên thế giới đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, ông Ghebreyesus cảnh báo rằng: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Con virus này sẽ sống cùng chúng ta trong một thời gian dài”. Người đứng đầu WHO khẳng định ông sẽ tiếp tục làm việc không quản ngày đêm và tập trung vào nỗ lực cứu sinh mạng con người./.

M.P (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực