Xuất khẩu gạo phải bảo đảm an ninh lương thực

Thứ bảy, 11/04/2020 19:12
(ĐCSVN) - Xuất khẩu gạo phải bảo đảm an ninh lương thực; Thêm 1 ca mắc COVID-19 ở Mê Linh, Hà Nội; Không thực hiện dịch vụ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 theo yêu cầu; Tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội, tuyệt đối không lơi lỏng, chủ quan; Cây "ATM gạo" đầu tiên ở Hà Nội được lắp đặt để giúp đỡ người nghèo; Thử nghiệm vaccine chống COVID-19 của Italy cho kết quả tích cực là một số tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (11/4).
Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng Tư. (Ảnh: TTXVN) 

Xuất khẩu gạo phải bảo đảm an ninh lương thực 

 Căn cứ ý kiến tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 31/3/2020 về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4/2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương (sau khi đã lấy ý kiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về các nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền khẩn trương quyết định và triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo nêu trên và các quy định hiện hành; bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh COVID-19, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 trước ngày 25/4/2020. Xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài kể cả đến hết năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2020.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Công Thương, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách; kịp thời cung cấp số liệu xuất khẩu gạo theo đề nghị của Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt, đồng thời nghiên cứu việc mua tăng thêm mức dự trữ nếu cần thiết theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp cho xuất khẩu.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan căn cứ yêu cầu công tác quản lý và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến chế tài đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thực hiện chế độ báo cáo cho Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (nếu cần thiết).

 

Lực lượng chức năng đã thiết lập 10 chốt kiểm soát tại các ngõ ra vào thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: Trần Cường) 

Thêm 1 ca mắc COVID-19 ở Mê Linh, Hà Nội

18h00 ngày 11/4, Bộ Y tế công bố thêm một ca mắc COVID-19, sau buổi sáng không ghi nhận người nhiễm mới. Bệnh nhân thứ 258 ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội).

Bệnh nhân là nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Hội (Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội). Người này là mẹ của bệnh nhân 257, đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Hà Nội.

Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết luận dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 11/4.

Bộ Y tế cho biết thêm, hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 72.508, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.198; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.519; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 53.791.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca.

Theo Bộ Y tế, từ 0h ngày 12/4 Bệnh viện Bạch Mai sẽ được dỡ bỏ phong toả.

Chiều 11/4, Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) Võ Nguyên Phong đã ký ban hành Quyết định số 1052/QĐ-UBND về việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Việc kết thúc cách ly này có hiệu lực kể từ 0h ngày 12/4.

Theo quyết định trên, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện cách ly y tế đủ 14 ngày, đáp ứng đủ các yêu cầu như quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế, quận Đống Đa quyết định kết thúc việc cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai để bệnh viện có thể tiếp tục thực hiện công tác khám, chữa bệnh bình thường.

Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế tại Quyết định số 963/QĐ-BYT ngày 18/3/2020 và Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 28/3/2020, về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế.

 
Người tham gia giao thông đông hơn sau hơn 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội (Ảnh TTXVN) 

 

Tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội, tuyệt đối không lơi lỏng, chủ quan

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trước hết đến hết ngày 15/4/2020, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Chiến lược ngăn chặn, cách ly khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả là đúng đắn, các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng đúng thời điểm, phù hợp với diễn biến dịch; đặc biệt việc cách ly toàn xã hội được thực hiện kịp thời. Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, là kết quả rất đáng mừng.

Tuy nhiên, nguy cơ lây lan trong cộng đồng, bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam vẫn rất cao. Các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện chủ động các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trước hết đến hết ngày 15/4/2020, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan.

Hiện nay, đã có hiện tượng người dân một số địa phương không chấp hành nghiêm Chỉ thị, tụ tập đông người, không giữ khoảng cách an toàn, tham gia giao thông đông đúc, ra ngoài đường không đeo khẩu trang… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền các cấp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo đúng quy định, yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, ở tại nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, không tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng… Chính quyền các cấp lưu ý triển khai các biện pháp chống dịch phải đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để người dân hoang mang, đồng thời không để lơi lỏng, bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn, lưu thông hàng hóa thuận lợi.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh. (Ảnh minh họa. Ảnh: TL) 

Không thực hiện dịch vụ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 theo yêu cầu

Trong giai đoạn hiện nay, các phòng xét nghiệm thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc và khẳng định SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, không xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu. Đây là nội dung trong công văn khẩn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm COVID-19.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế các tỉnh thành phố đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo có thể xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tại chỗ.

Tính đến nay, các nước đã có 110 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19, trong đó ngành y tế có 95 phòng, các ngành khác (Nông nghiệp, Quốc phòng) có 15 phòng; 36 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định.

Để đảm bảo đầu tư cho công tác xét nghiệm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị xét nghiệm phải được cân nhắc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí vì trong bối cảnh diễn biên phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới như hiện nay, các máy xét nghiệm, trang thiết bị và sinh phẩm có nguồn cung ứng hạn chế và giá thành cao.

Trong giai đoạn hiện nay, các phòng xét nghiệm thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc và khẳng định SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, không xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu.

Theo Bộ Y tế, phương pháp xét nghiệm phù hợp với điều kiện phòng chống dịch ở nước ta là sử dụng xét nghiệm RT- PCR với test kit do Học viện Quân Y sản xuất, đảm bảo khả năng cung cấp chủ động cho xét nghiệm phòng chống dịch, không phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Bộ Y tế đang thẩm định và cấp phép cho một số đơn vị đăng ký.

Việt Nam là quốc gia đứng đầu có số lượng người được xét nghiệm trên một ca dương tính. Công suất xét nghiệm đạt 27.000 mẫu/ngày.

Hình ảnh người dân nhận gạo tại cây "ATM gạo" đầu tiên ở Hà Nội được lắp đặt để giúp đỡ người nghèo (Ảnh: thanhnien.vn) 

Cây "ATM gạo" đầu tiên ở Hà Nội được lắp đặt để giúp đỡ người nghèo

Ngày 11/4, cây "ATM gạo" đầu tiên ở Hà Nội đã được lắp được tại khu vực Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hoạt động từ 8 - 17h hàng ngày. Với số gạo dự trữ lên đến 10 tấn, dự kiến gạo sẽ được phát từ nay đến ngày 30/4, giúp đỡ cho hàng nghìn người nghèo, người gặp khó khăn tại Hà Nội bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sách Thái Hà và những người bạn đưa ra ý tưởng cho ra đời cây "ATM gạo" với mong muốn không để người dân nào bị "đứt bữa" trong thời điểm dịch bệnh. Nguồn gạo do Công ty Sách Thái Hà và các nhà hảo tâm đóng góp. Ban tổ chức dự kiến mỗi ngày phát từ 2-3 tấn gạo. 

Biết thông tin về chương trình, nhiều nhà hảo tâm đã cùng chia sẻ, chung tay đóng góp. Đến chiều nay, số gạo các tổ chức và người dân cùng chung tay đóng góp đã lên đến 7-8 tấn. "Khi tôi đưa ra ý tưởng, nhiều người bạn của tôi liền hưởng ứng ngay, mong tôi triển khai càng sớm càng tốt, để giúp đỡ được nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống", ông Hùng cho biết thêm.

Chiếc máy "ATM gạo" được ra đời sau 48 tiếng vừa lên ý tưởng vừa thiết kế. Máy gồm 1 bồn bằng inox đựng gạo và các ống nhựa để gạo chảy xuống. Phần giữa ống có một bộ điều khiển bằng van tự động và phía dưới là pê-đan giậm chân để người dân không phải ấn bằng tay. Mỗi lần ấn pê-đan, cây "ATM gạo" sẽ chảy đúng số lượng đã được thiết kế sẵn.

Ngay trong sáng 11/4, đã có hàng trăm người dân đến xếp hàng nhận gạo. Mỗi người dân đến nhận gạo đều phải đeo khẩu trang, được ghi lại thông tin, sát khuẩn tay, sau đó vào xếp hàng theo vị trí đã kẻ sẵn, đảm bảo khoảng cách 2m an toàn theo quy định phòng, chống dịch. Mỗi người dân được đến lấy một lần, mỗi lần 3kg gạo. 

Khi mới hoạt động, cây "ATM gạo" này có những sai số đầu tiên, số gạo chảy ra không đúng 3kg. Nhận được sự phản ánh của người dân, những người lên ý tưởng đã kịp thời điều chỉnh và ngay sau đó, người dân đã nhận được đúng 3kg gạo.

Điều bất ngờ là khi chiếc máy "ATM gạo" vừa hoạt động, có một số người dân đã chở hàng chục cân gạo đến cùng góp với ban tổ chức để phát thêm cho bà con gặp khó khăn.

Đây là một trong những hành động đẹp, ý nghĩa, đầy ắp nghĩa tình trong đại dịch COVID-19. Những hành động, việc làm đó đang là điểm tựa cho nhiều người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, không chỉ đóng góp một phần công sức bé nhỏ, chia sẻ cùng đồng bào, đồng loại, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực, nhen lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng, vì mục đích: Cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nhân viên y tế làm việc lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 tại Rome, Italy ngày 8/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN 

Thử nghiệm vaccine chống COVID-19 của Italy cho kết quả tích cực

Các thử nghiệm tiền lâm sàng đầu tiên của 5 loại vaccine do công ty Takis của Italy phát triển đã cho những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ và đã tạo ra những kháng thể mạnh.

Giám đốc Takis, ông Luigi Aurisicchio cho biết: “Sau những thí nghiệm đầu tiên, chúng tôi đã tìm thấy những kháng thể mạnh. Kết quả của mô hình tiền lâm sàng cũng cho thấy kết quả khác nhau của 5 loại vaccine đang được thử nghiệm”.

Cũng theo ông Aurisicchio, tất cả 5 loại vaccine được phát triển để ngăn chặn “vũ khí” chính mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm chiếm các tế bào, đó là protein Spike. Trong số 5 loại vaccine đang được thử nghiệm, có 2 loại hiện đang cho kết quả tích cực.

Tiến trình bào chế và thử nghiệm vaccine là một phần của các nỗ lực quốc tế nhằm loại bỏ căn bệnh COVID-19. Ngày 15/3 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt Quỹ Đoàn kết, nơi tập hợp các chương trình thử nghiệm lâm sàng quốc tế, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Cho tới nay đã có hơn 90 công ty và các tổ chức nghiên cứu trên thế giới tham gia vào quỹ này với ít nhất 4 cuộc thử nghiệm vaccine đã được thực hiện trên động vật, trong đó vaccine đầu tiên do Công ty Công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại thành phố Boston (Mỹ) bào chế đã gần hoàn tất quá trình thử nghiệm trên động vật và chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người./.


 

 

MP (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực