Bảo vệ bí mật các dữ liệu căn cước của cá nhân

Thứ năm, 22/06/2023 23:27
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu, cần làm rõ sự cần thiết và cơ sở của việc quy định 24 trường thông tin cho phù hợp với quy định của Hiến pháp về bảo vệ bí mật cá nhân. Đồng thời, cần có nguyên tắc bảo đảm tính khả thi.

Chiều 22/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Về những thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tại Điều 10 dự thảo quy định có 24 nhóm thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ bản tán thành với những thông tin này, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra, ở khoản cuối cùng của điều này có quy định ngoài những thông tin nêu trên còn thu thập, tích hợp cả những thông tin khác của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Dẫn chứng Bộ Tài chính cho đến nay cũng đã ban hành 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như vậy đối với các bộ, ngành khác, các lĩnh vực khác trên phạm vi cả nước thì sẽ có hàng trăm cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc thêm về các quy định này, bởi vì các cơ sở dữ liệu chuyên ngành là rất nhiều như chuyên ngành y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán, v.v..  

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: TL. 

Cũng theo đại biểu Thủy, trong dự thảo luật quy định "những thông tin khác của công dân" cũng chưa rõ những thông tin khác là những thông tin gì?. Đại biểu nhận định việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bên cạnh mục đích là để phục vụ quản lý nhà nước thì còn có một mục đích rất quan trọng, đó là giúp người dân trong các giao dịch, trong các thủ tục hành chính có thể tiến hành ở bất cứ địa điểm nào mà không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Tuy nhiên, những thông tin này liên quan trực tiếp đến các thông tin của công dân, trong đó có cả những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định cụ thể những thông tin của công dân này ngay ở trong luật mà không nên thể hiện như trong dự thảo là các thông tin khác của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đại biểu Phạm Văn Hòa ( Đoàn Đồng Tháp) lại cho rằng quy định có 24 nhóm thông tin của công dân được thu thập là quá nhiều, có thể thiết kế lại những khoản trùng lắp không cần thiết như nhóm máu, nơi ở hiện tại, ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.... Tình trạng khai báo tạm vắng cũng cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ áp dụng cho những trường hợp cá biệt. Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước về nghề nghiệp, ADN, cân nhắc về nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, ADN đâu phải ai cũng đi xét nghiệm, nếu buộc xét nghiệm thì rất tốn kém.

Đại biểu đề nghị quy định thông tin cá nhân trong dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước của cá nhân phải được bảo vệ bí mật, ngoại trừ các trường hợp cơ quan bảo vệ pháp luật khi khai thác cá nhân vi phạm pháp luật, các trường hợp còn lại muốn khai thác dữ liệu phải được sự đồng ý của cá nhân người đó, kể cả các cơ quan, tổ chức chính trị cũng không được, ngoại trừ trường hợp có yêu cầu xác minh nhân thân trong những trường hợp cá biệt và được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước, dữ liệu dân cư. Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về sự bảo mật thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài, kẻ xấu lợi dụng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân.

Theo đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long), cơ quan soạn thảo cần  quy định cụ thể trường thông tin nào là bắt buộc, trường thông tin nào là cập nhật theo nhu cầu của công dân, trường thông tin nào chỉ áp dụng cho một số đối tượng nhất định để khi công dân có nhu cầu thì bổ sung, không phải yêu cầu nào của công dân cũng được bổ sung một cách tùy tiện. Đối với thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở Điều 10 có quy định là "có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, tình trạng khai báo tạm vắng, mối quan hệ với chủ hộ, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử".

Đại biểu cho rằng những nội dung này thiếu tính ổn định và thường hay thay đổi, do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nội dung này trong dự thảo, vì nó có thể thay đổi thường xuyên và mỗi khi thay đổi chúng ta phải cập nhật, dẫn đến khó khăn cho người dân phải đi lại nhiều lần.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về thời gian có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024 vì từ đây tới đó chỉ còn hơn 1 năm, trong khi Bộ Công an cùng lúc phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như là cơ sở dữ liệu căn cước định danh và xác thực điện tử. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cùng lúc cũng phải xây dựng các phần mềm để đồng bộ với luật này trong giải quyết các thủ tục hành chính và phải áp dụng từ ngày 1/7/2024. Tránh trường hợp sau khi luật có hiệu lực, khi áp dụng phần mềm của Bộ Công an thì triển khai được, nhưng phầm mềm của các bộ, ngành khác chưa có hoàn thiện thì sẽ gây khó khăn cho người dân trong vấn đề giải quyết các thủ tục hành chính./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực