Bổ sung chế độ, chính sách với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng

Thứ tư, 21/10/2020 20:01
(ĐCSVN) – Đại biểu kiến nghị, cần bổ sung chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Có chính sách ưu đãi thỏa đáng để người lính biên phòng yên tâm công tác, bám trụ địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và cũng để gia đình yên lòng khi người thân của mình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều ngày 20/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN).

Dự thảo Luật BPVN được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thảo luận tại Kỳ họp thứ 9. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban Soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các cơ quan của Quốc hội. Đến nay, dự thảo Luật BPVN qua tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương, 36 điều quy định các chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội, đa số đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân vào sự nghiệp bảo vệ biên giới. Xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn như: Bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách về biên phòng; chính sách của Nhà nước về biên phòng…

Về chính sách của Nhà nước về biên phòng, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý để thể hiện khái quát, đầy đủ chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới. UBTVQH cho rằng, chính sách của Nhà nước về biên phòng cần thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ Biên giới Quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý lại Điều này, quy định về chính sách của Nhà nước về biên phòng, có bổ sung chính sách đặc thù như thể hiện trong dự thảo Luật.

Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung một khoản quy định: “Khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ về vật chất, tài chính và tinh thần để thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên cơ sở tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã bổ sung cho phù hợp với chính sách của Nhà nước về quốc phòng.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh: Xa nhà, xa quê hương, xa người thân, bộ đội biên phòng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ đe dọa đến tính mạng khi đối mặt với tội phạm buôn bán ma túy, tội phạm buôn bán người, gian lận thương mại, đặc biệt là ứng phó với các sự cố thiên tai, bão lũ, đại dịch… Vì vậy, đại biểu Phương kiến nghị, cần bổ sung chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Có chính sách ưu đãi thỏa đáng để người lính biên phòng yên tâm công tác, bám trụ địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và cũng để gia đình yên lòng khi người thân của mình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân về biên phòng, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể trách nhiệm của công dân về biên phòng, nên chuyển Điều này thành 1 khoản của Điều 3; cân nhắc cụm từ “nghĩa vụ” để tránh có nghĩa vụ mới về biên phòng cho công dân. UBTV nhận thấy, việc bổ sung Điều này là thể chế quan điểm “Nhân dân khu vực biên giới là chủ thể bảo vệ biên giới quốc gia” tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị và quy định rõ trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ biên phòng, làm căn cứ để quy định chế độ, chính sách cho phù hợp. Do đó, đề nghị giữ nguyên vị trí Điều này như dự thảo Luật. 

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), quy định này nêu cao trách nhiệm của công dân đối với hoạt động biên phòng. Từng người dân ở khu vực biên giới nếu làm tốt trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ có lực lượng hùng hậu để thực hiện hoạt động biên phòng. Vì không ai nắm rõ địa bàn, các hoạt động xảy ra tại khu vực biên giới bằng chính người dân nơi đó. Mỗi người dân sẽ là một chiến sỹ, góp phần cùng lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; phù hợp với mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân khu vực biên giới hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nhằm phát huy hơn nữa ý nghĩa, hiệu quả thực tiễn của quy định.

Cho ý kiến về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới, nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và tăng cường của bộ đội biên phòng. UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật chỉ quy định về trường hợp áp dụng hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và tăng cường của bộ đội biên phòng, còn nội dung cụ thể về tổ chức thực hiện giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết là phù hợp với thẩm quyền, nhằm bảo đảm yếu tố bí mật về quân sự, tổ chức lực lượng, bảo đảm vũ khí và phương tiện của Bộ đội biên phòng.

Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu cũng đề nghị cân nhắc nội dung "kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” để tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Hải quan và rà soát, chỉnh lý lại điều này cho đầy đủ, bảo đảm tính khả thi.

Theo quan điểm của UBTVQH, nội dung dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam là phù hợp, thống nhất với pháp luật hiện hành, kế thừa Pháp lệnh BĐBP, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Hải quan, phù hợp với thực tiễn hoạt động của hai lực lượng này. Đồng thời, giữa BĐBP và Hải quan đang thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp ở khu vực biên giới, cửa khẩu./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực