Các vụ việc phức tạp cần có lực lượng ở cơ sở tham gia giải quyết kịp thời

Thứ bảy, 24/06/2023 13:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Nêu vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã tại Đắk Lắk và một số vụ việc mất an ninh khác xảy ra tại nhiều nơi, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, các vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và tính mạng người dân cần có các biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp về bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự, an toàn xã hội ngay tại cơ sở.

Sáng 24/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (BVANTT) ở cơ sở.

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải xây dựng dự án luật nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, hoạt động, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TL. 

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhận định, lực lượng này chính là tai mắt, nòng cốt, hỗ trợ CAND bảo vệ ANTT, phòng cháy chữa cháy, xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là bảo vệ ANTT ở địa bàn trọng điểm.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị, nên bố trí lực lượng này phù hợp với quy mô dân số, phân bố theo địa giới hành chính, đồng thời cho biết, các nhiệm vụ đang được quy định trong dự thảo luật là những nhiệm vụ đang được quy định trong các văn bản pháp luật khác, cần kế thừa, thể hiện rõ tính chất hỗ trợ, bảo vệ an ninh nhân dân, không trùng lặp với nhiệm vụ BVANTT của Công an chính quy và nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở.

“Tôi thấy việc giao cho chính quyền địa phương bảo đảm nơi làm việc cho lực lượng này là hợp lý nhằm phù hợp với điều kiện từng địa phương, trong đó, có thể bố trí tại trụ sở UBND, Công an xã… căn cứ và điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất” – đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu quan điểm.

 Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Đoàn Ninh Thuận) nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay về trật tự an ninh rất phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi, việc phối hợp lực lượng quần chúng tham gia với lực lượng chính quy bảo vệ an ninh, trật tự là điều cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm quyền lợi cho lực lượng cơ sở, huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần xác định lực lượng này chỉ là lực lượng hỗ trợ cho công an xã chính quy trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không phải là lực lượng chính, do đó các quy định về chính sách hỗ trợ trong dự thảo luật cần phù hợp với tính chất của lực lượng này. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định độ tuổi tối đa của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhằm bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ và đổi mới nhân sự. Những người tham gia lực lượng, đại biểu đề nghị ở độ tuổi dưới 65.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TL. 

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) bày tỏ đồng tình với việc cần thiết có sự tham gia của lực lượng an ninh cơ sở trước tình hình phức tạp của ANTT hiện nay. Nêu vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã tại Đắk Lắk và một số vụ việc mất an ninh khác xảy ra tại nhiều nơi, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, các vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và tính mạng người dân cần có các biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp về bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự, an toàn xã hội ngay tại cơ sở.

"Cần huy động các lực lượng đủ mạnh, sự tham gia của quần chúng nhân dân và báo cáo kịp thời cấp trên để giải quyết”, đại biểu kiến nghị; đồng thời đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn vào dự thảo luật các trường hợp xảy ra tình hình phức tạp về an ninh, trật tự, mối quan hệ, trách nhiệm huy động và biện pháp giải quyết.

Quan tâm đến việc bố trí lực lượng, thẩm tra hồ sơ, bầu Tổ viên, chức danh, công nhận chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, đại biểu đề xuất bổ sung một khoản quy định cụ thể, hoặc giao cấp có thẩm quyền quy định về nguyên tắc tiêu chí xác định số tổ bảo vệ an ninh trật tự, số lượng tối đa tổ viên tham gia tổ bảo vệ an ninh, trên cơ sở số hộ dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố và tính chất phức tạp về an ninh trật tự ở cơ sở.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc, làm rõ tư cách, nghĩa vụ của lực lượng này cũng như những việc họ được làm để tránh lạm quyền. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm khi họ vi phạm gây thiệt hại thì ai là người bồi thường./.

 

 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực