Chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp

Thứ tư, 29/11/2023 21:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là việc của mỗi cơ quan báo chí, nhằm thay đổi toàn diện hoạt động trong ngành báo chí; mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp đúng trọng tâm.

Chiều 29/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề "Thúc đầy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp".

Đồng chủ trì hội thảo có Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; ông Đỗ Xuân Quý - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp; ông Phạm Quang Hiếu - Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp.

Báo cáo dẫn đề tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Quý - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết: Thực tiễn triển khai chuyển đổi số báo chí cho thấy, nhận thức và kinh nghiệm về chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là một bước ngoặt, tạo cơ hội thay đổi toàn diện về chất của mỗi cơ quan báo chí và tiếp nhận của công chúng, nhưng đồng thời cũng đem đến cho báo chí nhiều thách thức, khó khăn, buộc phải có giải pháp xử lý, thích ứng từ góc độ quản lý của cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí.

“Các tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện các cơ quan quản lý báo chí, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí sẽ là những kinh nghiệm quý báu để Bộ Tư pháp tiếp thu, tham khảo phục vụ việc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số báo chí của Bộ Tư pháp và triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng”, ông Đỗ Xuân Quý chia sẻ.

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TH. 

Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin truyền thông cho biết một số kết quả bước đầu chuyển đổi số báo chí và chiến lược chuyển đổi số báo chí.

Theo bà Thảo, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là việc của mỗi cơ quan báo chí. Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động trong ngành báo chí; mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp đúng trọng tâm, trong đó cần quan tâm đến chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; công tác đào tạo nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số:

Đi cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí gắn với việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện tôn chỉ, mục đích. Triển khai đánh giá, công bố xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí để làm cơ sở đề xuất chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các cơ quan báo chí phù hợp…

Bà Trịnh Thị Hương Giang - Phó Giám đốc Trung tâm mạng xã hội Báo Pháp luật Việt đã chỉ ra những khái niệm cơ bản của chuyển đổi số báo chí và những cơ hội, thách thức từ chuyển đổi số báo chí.

Bà Hương Giang cho hay, trong thời gian tới, Ban biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp, định hướng để đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, như: Xây dựng một nền tảng cho toàn bộ tờ báo, để không sử dụng nền tảng thì không thể hoạt động. Đầu tư vào công nghệ số: Mua, thuê... hệ thống máy móc và con người để ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tất cả các khâu của toà soạn. Quản lý dữ liệu trên nền tảng Cloud; Đón đầu xu hướng 5G để đầu tư sản xuất nội dung cho di động; Đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí; Xây dựng hệ thống xuất bản phân tích và tự động đề xuất nội dung theo sở thích của người đọc…

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định, báo chí không thể nằm ngoài công cuộc chuyển đổi mang tính đột phá này. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng.

Theo Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, các cơ quan báo chí, với tư cách là các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước cần phải ý thức trách nhiệm cao với đất nước và cũng vì chính sự tồn tại và phát triển của mình trong kỷ nguyên công nghệ 4.0…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực