Long An: Thực hiện nghiêm các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ hai, 20/11/2023 16:54
(ĐCSVN) - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, từ đầu năm 2023 đến nay, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án trên địa bàn vẫn xảy ra, chưa được giải quyết dứt điểm.
 Một buổi sinh hoạt pháp luật ở cơ sở trên địa bàn TP Tân An, tỉnh Long An.(Ảnh: Bùi Tùng)

Từ đầu năm 2023 đến nay, các ngành chức năng Long An đã nhận 874 đơn đủ điều kiện xử lý (tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2022); 254 đơn tố cáo đủ điều kiện xử lý (giảm 40,4%). Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Tuy nhiên theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, từ đầu năm 2023 đến nay, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án trên địa bàn vẫn xảy ra, chưa được giải quyết dứt điểm.

Nguyên nhân là do việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, dẫn đến phát sinh lượng đơn khiếu nại và kiến nghị tăng. Một số ít trường hợp lạm dụng quyền khiếu nại để gửi nhiều nơi, nhiều lần mặc dù đã được xem xét, giải quyết, kết luận.

Để xử lý dứt điểm những khiếu nại, tố cáo, UBND tỉnh Long An yêu cầu, các ngành chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành, các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Các ngành chức năng tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh thuộc thẩm quyền tại cơ sở và các vụ việc được giao tham mưu cho cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp; phấn đấu tỷ lệ giải quyết đạt trên 85%; đồng thời, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trên 90% các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

Các đơn vị công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, văn bản pháp luật; chú trọng đối với các lĩnh vực về đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, tài chính, công tác cải cách hành chính và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Các đơn vị nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong các cơ quan, ban, ngành; đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; thực hiện tốt công tác đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở…

Các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế và đặc thù của các cơ quan, đơn vị, địa phương.../..

Thanh Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực