Triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động đảm bảo đồng bộ, thống nhất

Thứ tư, 28/09/2022 22:11
(ĐCSVN) - Phát biểu tại Hội nghị quán triệt nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Tư lệnh CSCĐ Lê Ngọc Châu yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị để triển khai thi hành các quy định của Luật CSCĐ đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc khi Luật có hiệu lực thi hành vào ngày 01/1/2023.

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung cơ bản của Luật CSCĐ. Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh CSCĐ chủ trì Hội nghị.

Ngày 14/6/2022 tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật CSCĐ với tỷ lệ tán thành cao đạt 91,16% và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2023.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu - Tư lệnh CSCĐ nhấn mạnh, Luật CSCĐ là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt trong suốt chặng đường gần 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CSCĐ. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức, hoạt động và xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Thiếu tướng Lê Ngọc Châu phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TL 

Việc Quốc hội ban hành một đạo luật riêng về lực lượng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an đối với CSCĐ; đồng thời cũng góp phần tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức xã hội của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ.

Để triển khai thi hành các quy định của Luật CSCĐ đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc khi Luật có hiệu lực thi hành vào ngày 01/1/2023, Tư lệnh Lê Ngọc Châu đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và nắm vững những nội dung được giới thiệu tại Hội nghị để xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật phục vụ công tác và chiến đấu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ quán triệt những nội dung cơ bản của Luật CSCĐ và công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai Luật trong Công an nhân dân.

Luật CSCĐ được thông qua có 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

So với Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, Luật CSCĐ đã có nhiều quy định mới nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ có liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Trong đó, Luật tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của CSCĐ trong việc làm “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. 

Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ. Bên cạnh đó, Luật CSCĐ cũng có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng cảnh sát cơ động, như bổ sung lực lượng kỵ binh, trung đoàn không quân Công an nhân dân,…Luật cũng bổ sung một số thẩm quyền cho lực lượng CSCĐ như được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách.../.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực