Áp dụng kinh tế xanh trong ngành dệt may Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Thứ tư, 03/07/2024 23:24
(ĐCSVN) - Xanh hóa ngành dệt may sẽ giúp giải quyết các vấn đề về môi trường mà ngành này đang gây ra. Các doanh nghiệp cần áp dụng những phương pháp sản xuất xanh, lựa chọn nguyên liệu xanh để tạo ra sản phẩm dệt may bền vững hơn khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm, nhận thức được sự cần thiết phải giải quyết các thách thức môi trường và đạo đức kinh doanh. Làm được điều này còn giúp cải thiện hình ảnh thương hiệu và mang lại lợi thế cạnh tranh doanh nghiệp.

1. Động lực xanh hóa ngành dệt may Việt Nam

Mặc dù là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu nhưng dệt may cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất trên thế giới, vì chuỗi cung ứng sử dụng nhiều tài nguyên và hóa chất, tạo ra lượng lớn chất thải, chất độc hại làm ô nhiễm không khí, nước và đất. Lượng khí thải carbon hằng năm trong vòng đời sản phẩm thời  trang (khoảng 3,3 tấn khí thải CO2) gần bằng lượng khí thải carbon của cả 28 quốc gia trong khu vực Liên minh châu  Âu - EU (3,5 tỷ tấn). Ngoài việc tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên, ngành dệt may còn chịu trách nhiệm cho 5% khối lượng chất thải toàn cầu. Những tác động tiêu cực đến môi trường xảy ra với cường độ khác nhau ở các giai đoạn khác nhau trong vòng đời sản phẩm dệt may, với vai trò khác nhau của người sản xuất và người tiêu dùng trong việc tạo ra và sử dụng sản phẩm. Tác động trực tiếp lớn nhất của người tiêu dùng lên môi trường gắn liền với giai đoạn sử dụng và thải bỏ (Lê Tiến Trường và cộng sự, 2023).

 

Do đó, xanh hóa ngành dệt may sẽ giúp giải quyết các vấn đề về môi trường mà ngành này đang gây ra. Các doanh nghiệp cần áp dụng những phương pháp sản xuất xanh, lựa chọn nguyên liệu xanh để tạo ra sản phẩm dệt may bền vững hơn khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm, nhận thức được sự cần thiết phải giải quyết các thách thức môi trường và đạo đức kinh doanh. Làm được điều này còn giúp cải thiện hình ảnh thương hiệu và mang lại lợi thế cạnh tranh doanh nghiệp.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu  luật  hóa các quy định liên quan đến xanh hóa ngành dệt may trong những năm gần đây như một phần của nỗ lực hướng tới phát triển bền vững. Nổi bật nhất là Liên minh châu Âu với các hoạt động cụ thể thông qua các quy định và chính sách như: Thỏa thuận xanh châu Âu, Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn, Chiến lược Công nghiệp mới cho châu Âu và Chiến lược của Liên minh châu Âu cho ngành dệt may bền vững và tuần hoàn. Do đó, chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh là giải pháp tốt nhất để tuân thủ các quy định về tính bền vững của sản phẩm dệt may tại những thị trường này.

Ngành dệt may Việt Nam thuộc top 4 ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD (chiếm hơn 11% tổng kim ngạch  xuất khẩu cả nước). Hiện nay, ngành dệt may có khoảng 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bảo đảm việc làm trên 3 triệu lao động trực tiếp trong ngành, chưa  kể  các  ngành liên quan, phụ trợ. Vì vậy, khi chuyển dịch sang sản xuất xanh, ngành dệt may sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm xanh, bền vững cho người lao động, góp phần ổn định đời sống, nâng cao chất lượng làm việc, đóng góp vào công tác an sinh xã hội quốc gia.

2. Cơ hội chuyển đổi xanh đối với ngành dệt may Việt Nam

Các xu thế trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu hiện nay đang mở ra cơ hội để thúc đẩy xanh hóa ngành dệt may Việt Nam như:

- Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng dệt may từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam do nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do gần đây, bao gồm CPTPP và EVFTA đã mang lại một số ưu đãi thuế dành cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Thứ hai, sự căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, gần đây còn có thêm cả EU tham gia vào áp dụng các rào cản thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Thêm nữa, việc siết chặt các quy định về chống lao động cưỡng bức khu vực Tân Cương cũng mở ra cơ hội chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam. Thứ ba, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi với sự ổn định về hệ thống kinh tế - chính trị. Trong bối cảnh tình hình địa - chính trị có nhiều bất ổn như hiện nay, việc các hãng thời trang tìm nguồn cung ứng nhiều hơn tại Việt Nam là điều dễ hiểu. Cuối cùng là năng lực sản xuất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam với đội ngũ lao động kỹ thuật tốt, đáp ứng được các đơn hàng khó, yêu cầu chất lượng cao sẽ là một lợi thế.

- Hiện nay, chi phí nhân công rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam, thay vào  đó, trở thành nhà cung ứng bền vững là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp. Xu hướng sản xuất dệt may xanh sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đón được các đơn hàng ổn định với hiệu quả tốt trong tương lai.

- Các nhãn hàng vẫn ưu tiên các nhà sản xuất và các đối tác sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm về mặt xã hội và môi trường. Việt Nam với hệ thống pháp luật lao động, luật doanh nghiệp tương đối hoàn thiện theo chuẩn quốc tế về lao động, việc làm và các vấn đề xã hội, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi triển khai đánh giá mức độ tuân thủ đạo đức kinh doanh của các nhãn hàng trước khi hợp tác.

- Khi nền kinh tế phục hồi, thu nhập và tiêu dùng được cải thiện, người tiêu dùng sẽ quan tâm hơn đến sản phẩm xanh được sản xuất bởi các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và môi trường. Do đó, xu hướng trong trung và dài hạn vẫn sẽ hướng tới các sản phẩm xanh và bền vững hơn.

3. Thách thức trong quá trình xanh hóa ngành dệt may

Thứ nhất, lựa chọn nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp dệt may do hạn chế về nguồn cung cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Mặc dù người tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng ủng hộ vật liệu xanh, bền vững hơn, nhưng thực tế cho thấy các vật liệu tổng hợp đang chiếm ưu thế do giá rẻ, đáp ứng được yêu cầu đa dạng về thiết kế, mục đích sử dụng và nguồn cung dồi dào. Các loại nguyên liệu từ bông, lanh, gai dầu và đay hiện đang phổ biến nhất trong nhóm nguyên liệu xanh, nhưng theo số liệu của Textile Exchange, các loại xơ thực vật này chỉ chiếm 27% tổng sản lượng xơ toàn cầu (trong đó bông chiếm 22%), xơ tổng hợp từ bột gỗ chỉ chiếm 6,3%. Trong khi đó, xơ hóa học tổng hợp chiếm tới 65% tổng sản lượng toàn cầu, phổ biến nhất là xơ polyester (54%) và polyamid (5%). Do đó, nguồn cung nguyên liệu và khả năng chi trả của người tiêu dùng cho các sản phẩm có nguồn gốc thân thiện với môi trường vẫn là rào cản đáng kể đối với doanh nghiệp dệt may trên thế giới nói chung và dệt may Việt Nam nói riêng.

Còn nhiều thách thức trong xanh hóa ngành dệt may 

Thứ hai, vấn đề thị trường tiêu thụ các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Đây là những sản phẩm thuộc phân khúc thị trường ngách với giá cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống hiện hữu, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn như hiện tại. Do đó, việc hạn chế trong thị trường tiêu thụ sẽ là thách thức đối với việc chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Thứ ba, về mặt chính sách, mặc dù chủ trương phát triển kinh tế xanh đã được quan tâm trong thời gian gần  đây, nhưng các chính sách cụ thể để xanh hóa ngành dệt may vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ triển khai. Những chính sách về phát triển bền vững hay phát triển kinh tế xanh chưa có quy định rõ ràng áp dụng cho ngành dệt may. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa có được hành lang pháp lý rõ ràng, khuyến khích chuyển dịch xanh hóa một cách tích cực. Hệ thống chiến lược với nhiều mục tiêu, định hướng và hành động trong chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh hiện còn chưa được lồng ghép triệt để hoặc chi tiết hóa, đặc biệt ở các nội dung chuyên ngành (ví dụ: quy hoạch và phát triển khu công nghiệp xanh cho ngành sợi).

Thứ tư, hệ thống tài chính xanh còn non trẻ khiến các dự án dệt may xanh gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính, bao gồm cả huy động vốn hoặc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi. Điều này xuất phát từ khung pháp lý tài chính xanh chưa hoàn thiện (ví dụ, trường hợp thị trường trái phiếu xanh) và các công cụ huy động tài chính xanh mới chưa được triển khai (ví dụ, thị trường carbon). Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần sự hướng dẫn triển khai đồng bộ, dự án thí điểm và hỗ trợ nâng cao năng lực huy động vốn, đặc biệt với những sản phẩm và cơ chế tài chính mới còn xa lạ đối với thị trường Việt Nam. Đặc thù của sản xuất dệt may xanh là hướng tới sự bền vững, tăng trưởng ổn định trong dài hạn nhưng rất khó để thấy  được  hiệu  quả ngay trong những năm đầu đầu tư, do đó các công cụ tín dụng xanh cần được xây dựng cho phù hợp với đầu tư sản xuất xanh trong ngành dệt may.

Thứ năm, mức độ nhận thức và sự tham gia của người dân vào các vấn đề tăng trưởng xanh và bền vững vẫn chưa cao. Điều này hạn chế tiềm năng thay đổi hành vi và đổi mới xã hội có thể hỗ trợ tăng xanh hóa ngành dệt may và phát triển ít carbon.

4. Một số khuyến nghị

4.1. Về chính sách vĩ mô

Chính phủ cần thể chế hóa các tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế xanh trên thế giới. Lộ trình phát triển dệt may xanh cần nêu rõ các mục tiêu, quy định cụ thể cho từng giai đoạn ngắn, gắn với vai trò của các bên liên quan đồng thời gắn với các cơ chế tài chính để thực hiện mục tiêu như cơ chế hợp tác công tư, cơ chế tài chính xanh, v.v.. Các quy định của Chính phủ là điều kiện sàn, định hướng để những đầu tư mới, đầu tư chiều sâu đi đúng định hướng của nền kinh tế xanh, tránh lãng phí của cải vật chất. Tuy nhiên, các mục tiêu này lại phải rất linh hoạt, liên tục có khả năng điều chỉnh theo diễn biến của thị trường chứ không thể giữ cố định như kế hoạch 5 năm, hay các chiến lược, quy hoạch 10 năm hiện có.

Chính phủ  cũng  nên  đưa  ra  các  chính  sách  hỗ  trợ,

khuyến khích, điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh và áp dụng các sáng kiến xanh thông qua các công cụ về tín dụng, thuế, đất đai. Đặc biệt, cần ưu tiên các chính sách tài chính, có tác dụng bổ sung dòng tiền và lợi thế chi phí cho các doanh nghiệp triển khai sản xuất xanh như giảm thuế giá trị gia tăng,  giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu các nguồn nguyên liệu tham gia tạo sản phẩm xanh ở trong nước, có nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nhân lực xanh tại doanh nghiệp từ quj bảo hiểm thất nghiệp. Việc đào tạo nguồn nhân  lực  kỹ  thuật  và  quản  lý  kinh  tế  xanh  cần  được  đưa vào chương trình đào tạo bậc cao đẳng trở lên để sẵn sàng phục vụ cho quá trình chuyển đổi.

4.2. Về chiến lược phát triển

Đánh giá và phân tích:

- Các bộ quản lý ngành cần tiến hành đánh giá kỹ lưỡng về tình trạng hiện tại của ngành dệt may, bao gồm việc sử dụng tài nguyên, phát sinh chất thải và cấu trúc chuỗi cung ứng.

- Xác định các bên liên quan chính và thu hút họ tham gia vào quá trình chuyển đổi, bao gồm nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng và cơ sở quản lý chất thải.

Đặt mục tiêu rõ ràng:

- Từ kết quả đánh giá, cần xác định các mục tiêu rõ ràng và có thể đo lường được cho quá trình chuyển đổi, chẳng hạn như giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và tăng cường sử dụng vật liệu tái chế.

- Đặt ra các mốc thời gian thực  tế để đạt được  các  mục tiêu này, xem xét cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu linh hoạt, cơ chế điều chỉnh dễ dàng, có khuyến khích tài chính cho doanh nghiệp thực hiện tốt lộ trình chuyển đổi.

4.3. Về công nghệ và đầu tư

Cần có các nghiên cứu mang tính dẫn đường, hướng dẫn và chuyển giao cho doanh nghiệp, cùng với kênh chuyển giao của khách hàng trong chuỗi cung ứng, bảo đảm việc lựa chọn hướng đi cho chuyển đổi sản xuất xanh về phương diện công nghệ không lãng phí.

Trước hết, cần tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và nước, quản lý tài nguyên và xử lý chất thải. Điều này có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra các nguồn tài nguyên bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các đối tác, nhà cung cấp máy móc thiết bị để học hỏi, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành dệt may.

4.4. Về tài chính

Nghiên cứu, khám phá các lựa chọn tài chính xanh như trái phiếu xanh, khoản tín dụng cho sản xuất xanh và đầu tư tác động (impact investing)1. Các công cụ tài chính này thu hút các nhà đầu tư đang tìm cách hỗ trợ các sáng kiến thân thiện với môi trường và có thể cung cấp vốn cần thiết cho các dự án nhà máy dệt may xanh.

Cộng tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức khác để tập hợp các nguồn lực và chia sẻ gánh nặng tài chính của các sáng kiến xanh. Liên doanh, tập đoàn và quan hệ đối tác có thể tạo ra lợi thế kinh tế theo quy mô và đa dạng hóa rủi ro.

4.5. Về nhân lực

Đầu tiên, cần xác định khoảng cách kỹ năng trong doanh nghiệp có thể cản trở quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh. Từ đó, cần đẩy mạnh xây dựng các chương trình đào tạo để nâng cao kiến thức lực lượng lao động về các tiêu chí của dệt may xanh, thực hành bền vững và công nghệ mới.

Hợp tác với các trường đại học, cơ sở đào tạo để phát triển các chương trình đào tạo lực lượng lao động nguồn cho sản xuất xanh, bao gồm cả lao động trực tiếp lẫn khối quản lý.

Xây dựng mạng lưới liên ngành/liên doanh nghiệp để cùng chia sẻ kiến thức, kỹ năng, thực hành xanh hóa sản xuất.

4.6. Về thị trường

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các chiến lược, chương trình cũng như sản phẩm xanh và ý nghĩa của dệt may xanh mà doanh nghiệp đang  có  để  thu  hút  sự quan tâm của cộng đồng, từ đó góp  phần  thay  đổi  nhận thức, thói quen của người tiêu dùng hướng đến sản phẩm xanh, bền vững.

Sử dụng các chiến dịch tiếp thị và các kênh truyền thông phù hợp để làm nổi bật các khía cạnh tuần hoàn của sản phẩm, đồng thời tạo cơ hội cho người tiêu dùng được tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm xanh như đóng góp sáng kiến về nguyên liệu xanh, đề xuất quy trình sản xuất xanh, v.v..

4.7. Xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững

Dịch chuyển sang sử dụng sản phẩm dệt may xanh với số lượng ít đi, giá mỗi đơn vị sản phẩm cao lên, mẫu mã chưa đa dạng như hàng hóa dệt may thời trang truyền thống, thời trang nhanh hiện nay là một quá trình điều chỉnh hành vi tiêu dùng đã hình thành nhiều năm của nền kinh tế thế giới, tiêu thụ quá mức nhu cầu dẫn đến tạo áp lực về chất thải đang là vấn đề cấp bách nhất của toàn cầu. Chính vì vậy, bên cạnh các nỗ lực về kinh tế thì cần rất nhiều nỗ lực xây dựng văn hóa tiêu dùng mới, văn hóa tiêu dùng sản phẩm xanh. Sự thấu hiểu, chấp nhận sử dụng ít đi nhưng là sản phẩm xanh với giá cả cao hơn từ người tiêu dùng là nhân tố quyết định thành công của quá trình xanh hóa ngành dệt may.

-----------

Chú thích

1. Đầu tư tác động là việc đầu tư của các công ty, tổ chức, quj với kỳ vọng tạo ra những tác động về xã hội và môi trường song song với thu nhập tài chính.

 

Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực