Tỉnh Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, diện tích tự nhiên gần 6 ngàn km2, dân số hơn 1,3 triệu người; có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài hơn 164 km, đường bờ biển dài 137 km; có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Khu kinh tế Vũng Áng. Hà Tĩnh nằm trên các trục giao thông chiến lược liên kết vùng: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường sắt, đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây, một trong những cửa ngõ hướng ra biển của Lào và Đông Bắc Thái Lan. Đây là những thuận lợi cơ bản để Hà Tĩnh trở thành cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ và cả nước.
Tuy vậy, do điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu không mấy thuận lợi, thường xuyên chịu tác động lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu, nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, sự gia tăng ô nhiễm môi trường, đặt ra yêu cầu rất cao đối với quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
|
Hà Tĩnh đặt ra yêu cầu rất cao đối với quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. |
Từ thực tiễn địa phương, tỉnh đã kịp thời triển khai các kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tập trung công tác quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Những kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh
Sau sự cố môi trường biển (tháng 4/2016), trước yêu cầu mới về phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường; loại bỏ các dự án công nghiệp nặng có nguy cơ tác động lớn đến phát triển bền vững, như: Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê; chuyển các dự án điện than sang điện khí; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đô thị thông minh; ưu tiên thu hút các dự án du lịch, dịch vụ thương mại trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế về biển, danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quy hoạch tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước; đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Nhất quán quan điểm tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Tĩnh; tập trung thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kỹ năng, nhận thức cho người lao động trong các ngành kinh tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn để cung ứng cho các trung tâm công nghiệp, du lịch, dịch vụ... Hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển kinh tế gắn với chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thông qua Nhóm tư vấn phát triển bền vững của tỉnh Hà Tĩnh trong xác định chiến lược phát triển. Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị định số 140 của Chính phủ từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về công tác tại tỉnh. Đề ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với đội ngũ trí thức trên địa bàn.
Triển khai chương trình giáo dục tích hợp các nội dung về tăng trưởng xanh trong các cấp học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo các đơn vị, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về kỹ năng mềm, hình thành phong cách, nếp sống văn minh. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh.
Đẩy mạnh hợp tác với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao nhằm quảng bá, xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh. Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để vận động nguồn viện trợ ODA, NGO. Thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố của các nước có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Hà Tĩnh và có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là với một số địa phương của các nước trong khối EU, Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... nhằm quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hà Tĩnh.
Tập trung triển khai xây dựng Phương án phát triển chuyển đổi năng lượng, khuyến khích các nhà đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên năng lượng; ưu tiên phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các dự án điện mặt trời, điện gió nhằm phát huy tiềm năng về năng lượng khu vực ven biển. Kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, đầu tư các dự án điện gió khu vực ven biển và ngoài khơi huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh. Triển khai Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2, tổng mức đầu tư hơn 2,2 tỷ USD, công suất hơn 1.300MW, sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu, áp dụng công nghệ đốt trên siêu tới hạn, công nghệ mới nhất hiện nay, sẽ vận hành thử vào cuối năm 2024, sản xuất điện thương phẩm trong năm 2025. Hiện Hà Tĩnh đang ký kết hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư hệ thống kho khí hóa lỏng và Dự án Điện khí tại Khu kinh tế Vũng Áng, tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ USD. Ngoài ra, trên địa bàn đã có 485 hệ thống điện mặt trời mái nhà hộ gia đình đấu nối vận hành thương mại với tổng công suất trên 144.000 kWp; Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa (công suất 50MWp) và Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hưng (công suất 29MWp) nối lưới hoạt động ổn định.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và huy động các nguồn lực để phát triển công nghiệp. Tăng cường xã hội hóa đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư một số dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, tự động hóa như các Nhà máy sản xuất Pin ô tô điện của Tập đoàn Vingroup tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh công suất 100 triệu lít/năm, Nhà máy bia, nước giải khát Sài Gòn công suất 50 triệu lít/năm; Trung tâm Điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao và Nhà máy Thuỷ điện Vũ Quang; Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà của VSIP Singapore; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là một số công trình quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, liên kết vùng như: Nâng cấp Quốc lộ 1A, 8A; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn qua Hà Tĩnh; đường ven biển Nghi Xuân - Vũng Áng, Dự án đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Phố Nối (Hưng Yên)… Vận hành hãng taxi sử dụng ô tô thương hiệu Vinfat chạy bằng năng lượng điện, mở đường cho hoạt động kinh doanh vận tải hướng tới năng lượng sạch.
Công tác quy hoạch, phát triển đô thị hướng đến mục tiêu đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đến nay, các thành phố, thị xã đã phê duyệt quy hoạch chung; các huyện được phê duyệt quy hoạch vùng huyện. Đẩy mạnh Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2030, Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh đến năm 2030 và Chương trình phát triển các đô thị khác trên địa bàn. Tập trung triển khai Dự án phát triển hạ tầng thiết yếu các xã vùng bãi ngang ven biển; Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Hà Tĩnh; Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu dành của 04 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ. Ưu tiên bố trí các quỹ đất để xây dựng hồ điều hòa, công viên cây xanh, trồng cây xanh đường phố, các trung tâm hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, phát triển “rừng trong phố”. Thực hiện lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Triển khai dự án xây dựng hệ thống giám sát thông minh về trật tự đô thị và an toàn giao thông tại thành phố Hà Tĩnh.
Tập trung phát triển theo hướng tuần hoàn, xanh, sạch, bền vững, thông minh, có khả năng chống chịu với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô, chuỗi giá trị nông sản xanh; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Chủ động lồng ghép các chính sách, chương trình phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...) gắn với định hướng tăng trưởng xanh. Chuyển mạnh hình thức chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ sang chăn nuôi quy mô lớn, công nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, bước đầu hình thành liên kết sản xuất trong một số khâu như cung ứng giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm....
Tập trung thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”, hướng đến xây dựng nông thôn Hà Tĩnh có kinh tế phát triển, giữ gìn nét đẹp văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã, 10/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn; 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 1.202/1.626 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%, trong đó người dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt tỷ lệ trên 24%.
Triển khai hiệu quả Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, hình thành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, thu hồi năng lượng; giảm dần và tiến tới loại bỏ các khu xử lý nhỏ lẻ, công suất thấp, công nghệ lạc hậu.
Trong lĩnh vực y tế, tập trung thực hiện các tiêu chí xanh - sạch - đẹp - an toàn gắn với việc thực hiện Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện và Tiêu chí quốc gia về y tế xã. Hệ thống thu gom xử lý chất thải của các cơ sở y tế đạt quy chuẩn, thực hiện quản lý chất thải y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chú trọng việc nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ trong khám, chữa bệnh; triển khai, tiếp nhận chuyển giao trên 3.600 kỹ thuật mới về chẩn đoán, điều trị, trong đó có hàng trăm kỹ thuật cao của tuyến trung ương đã được áp dụng thành công, như can thiệp tim mạch, phẫu thuật sọ não, cột sống, thay khớp gối, khớp háng toàn phần... Các hoạt động nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng được tiếp cận theo hướng nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, phòng, chống thiên tai và các dịch, bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu.
Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; hình thành các tour, tuyến tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, trang trại, làng nghề… trên địa bàn kết nối với “con đường di sản miền Trung” và các địa phương trong khu vực; phát triển dịch vụ ẩm thực từ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ lưu trú tại trang trại, nhà dân; tổ chức trải nghiệm các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội như: học làm nông nghiệp, nghề thủ công truyền thống, tham gia trải nghiệm các loại hình nghệ thuật dân gian.
Những kết quả nêu trên đã góp phần đưa các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh thuộc nhóm khá cả nước và nhóm đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 7-8%; quy mô nền kinh tế xếp thứ 30 cả nước; thu ngân sách xếp thứ 18; giáo dục - đào tạo thuộc nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước; quốc phòng - an ninh đảm bảo, chính trị ổn định, tạo nền tảng, động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
|
Một góc thành phố Hà Tĩnh ngày nay. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải |
Vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh Hà Tĩnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh trên địa bàn Hà Tĩnh còn gặp nhiều khó khăn. Cơ chế, chính sách, pháp luật về thực hiện tăng trưởng xanh chưa hoàn thiện. Việc ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các nhiệm vụ tăng trưởng xanh còn nhiều khó khăn. Công tác thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tăng trưởng xanh chưa đáp ứng yêu cầu. Tuyên truyền về các mô hình đầu tư, sáng kiến ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất chưa thường xuyên. Tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện, trong khi nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp. Việc đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh làm chi phí sản xuất tăng, dẫn đến một số doanh nghiệp chưa quan tâm. Nhận thức của người dân về yêu cầu, nhu cầu tăng trưởng xanh, sản xuất và tiêu dùng xanh còn hạn chế.
Một số định hướng thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và an toàn trong bối cảnh mới, tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tạo động lực chính để phát triển bền vững; khuyến khích các chủ thể, nhất là doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia; thu hút các dự án tăng trưởng xanh; phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới, “xanh hóa” sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh, “xanh hóa” lối sống và tiêu dùng bền vững.
Thứ hai: Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các doanh nghiệp cho thực hiện quá trình chuyển đổi xanh. Tiếp tục đề ra các chính sách tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tăng nhanh quy mô và tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba: Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gắn với tăng trưởng xanh, bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế đất lâm nghiệp có rừng gần 60% diện tích tự nhiên, diện tích cây lâu năm trên 7,5%, đất trồng lúa trên 11,35% để khai thác, kinh doanh hiệu quả nguồn tín chỉ cacbon phục vụ quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh trên địa bàn. Phát triển các mô hình du lịch xanh; sản xuất nông nghiệp hiệu quả, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao. Tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Thứ tư: Tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, cảng biển, kho bãi, hạ tầng số. Ban hành các chính sách định hướng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng mới, các dự án điện gió ven biển và ngoài khơi. Nâng cấp cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương thành cảng biển đặc biệt để phát huy lợi thế độ sâu tự nhiên, đầu tư xây dựng trung tâm logistics, thúc đẩy phát triển giao thông hàng hải, kết nối giao thương quốc tế. Mở rộng quy mô Khu kinh tế Vũng Áng, gắn với phát triển thị xã Kỳ Anh, từng bước hình thành trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - thương mại phía Nam của tỉnh. Điều chỉnh địa giới thành phố Hà Tĩnh trên cơ sở sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã của huyện Lộc Hà, huyện Thạch Hà, từng bước trở thành đô thị trung tâm của khu vực. Phát triển thị xã Hồng Lĩnh, kết nối với các vùng phụ cận để hình thành đô thị phía Bắc của tỉnh vào năm 2030.
Thứ năm: Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đánh giá toàn diện Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đã tạm dừng hơn 12 năm; phân tích làm rõ những tác động của việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Trên cơ sở đó, kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ cho chấm dứt hoạt động Dự án, bảo đảm ổn định đời sống cho Nhân dân vùng ảnh hưởng. Khi Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê dừng hoạt động, tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển du lịch biển, đô thị biển, dịch vụ thương mại gắn với mở rộng quy mô thành phố Hà Tĩnh trở thành đô thị trung tâm của khu vực.
Tăng trưởng xanh là quá trình thay đổi mô hình tăng tưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh Hà Tĩnh đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị; các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, gắn với từng giai đoạn phát triển, tránh tư tưởng nóng vội, đồng thời phải đón đầu, tận dụng tốt cơ hội, thuận lợi để phát triển bền vững./.
Hoàng Trung Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh