Thực chất của Phát triển kinh tế xanh

Thứ sáu, 28/06/2024 20:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Thực chất của "Phát triển kinh tế xanh" là khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên bằng cách ứng dụng những phương pháp sản xuất và cách thức tiêu dùng không (hoặc ít) gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, để có quan niệm đúng và thống nhất về nội hàm của phạm trù "Phát triển kinh tế xanh" phải hiểu rõ mối quan hệ giữa lao động với giới tự nhiên và môi trường.

 I. Mối quan hệ giữa lao động và giới tự nhiên

Trong tác phẩm "Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến vượn thành người". Ph. Ang-ghen đã phân tích mối quan hệ giữa lao động với giới tự nhiên, trong đó nổi lên những điểm chủ yếu dưới đây:

Một là, nguồn gốc của của cải. Nhiều nhà kinh tế chính trị khẳng định rằng lao động là nguồn gốc của mọi của cải. Ph. Ang-ghen nhấn mạnh: Lao động chỉ đúng là như vậy khi đi đôi với giới tự nhiên là cái cung cấp những vật liệu cho lao động biến thành của cải(1). Như vậy, nguồn gốc của mọi của cải là hai nhân tố: lao động và vật liệu do tự nhiên cung cấp. C. Mác gọi lao động là nhân tố người hay nhân tố chủ quan, còn vật liệu (dùng làm tư liệu sản xuất) là nhân tố vật hay nhân tố khách quan.

Cùng với đà tiến bộ không ngừng của khoa học, kỹ thuật, các nhân tố vật cũng được đổi mới, có hiệu quả hơn, khiến cho mọt khối lượng lao động ít hơn (nhưng chất lượng cao hơn) cũng có thể sử dụng một khối lượng vật chất lớn hơn. Do đó nảy sinh vấn đề gay gắt là phải khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và bảo vệ môi trường để có thể đáp ứng nhu cầu về vật liệu.

Hai là, con người có thể chế tạo ra công cụ lao động, nên có thể tạo ra những biến đổi trong giới tự nhiên một cách có tính toán, có kế hoạch và bắt tự nhiên phục vụ những mục đích của mình.

Nhưng con người hoàn toàn không thể thống trị giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, mà là nhận thức được những quy luật của giới tự nhiên và có thể vận dụng được những quy luật đó một cách chính xác.

Theo Ăng-ghen, chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của mình đối với tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần chúng ta đạt được một thắng lợi là một lần giới tự nhiên trả thủ lại chúng ta. Thật thế, mỗi một thắng lợi trước hết là đem lại cho chúng ta những kết quả mà mình hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, lượt thứ ba, thì nó lại gây ra những tác đụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được - những tác dụng thường hay phá hủy tất cả những kết quả đầu tiên đó. Thí dụ: những người ở miền núi I-ta-li-a khi phá hoại đám rừng tùng trên sườn núi phía Nam dãy An-pơ thì họ không nghĩ rằng làm như vậy sẽ phá hoại việc chăn nuôi trên núi cao, và họ lại càng không nghĩ rằng như thế sex làm cho các dòng suối trên núi bị khô cạn suốt một phần lớn thời gian trong năm và đến mùa mưa thì nước lũ của các dòng suối đó lại tuôn xuống càng dữ dội hơn, làm ngập cả đồng bằng (2).

Giữ gìn và bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm. 

Ở nước ta, một số tỉnh xây dựng quá nhiều dự án thủy điện nhỏ, nên vào mùa khô các hồ đập thủy điện tích nước, nhưng về mùa mưa lại xả lũ, dấn đến tình trạng vào mùa khô hầu hết các dòng sông, suối lưu lượng nước quá thấp, khiến người dân vùng hạ lưu thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; ngược lại về mùa mưa nước tự nhiên vốn đã lớn, lại thêm nước do các hồ đập thủy điện xả lũ nên gây ra ngập úng, sạt lở đất ở nhiều nơi.

Bởi vậy, phải dự báo những hậu quả tự nhiên xa xôi và những hậu quả xã hội gián tiếp và xa xôi của hoạt động sản xuất của chúng ta, từ đó có khả năng điều tiết những hậu quả đó. Ph. Ang-ghen cho rằng phải trải qua một thời gian lâu dài và thường là gay go và phải đối chiếu, nghiên cứu những tài liệu lịch sử, mới có thể dần dần hiểu rõ được những hậu quả xã hội gián tiếp và xa xôi của những hoạt động sản xuất của chúng ta, và do đó mới có được khả năng chi phối và điều tiết những hậu quả đó (3).

Ba là, muốn tiến hành điều tiết các hậu quả nói trên được tốt mà chỉ đơn thuần dựa vào nhận thức thôi thì chưa đủ mà cần phải có sự chuyển biến hoàn toàn trong phương pháp sản xuất.

Theo Ph. Ang-ghen, các phương pháp sản xuất đã có từ trước chỉ nhằm đạt được những hiệu quả có ích gần nhất và trực tiếp nhất của lao động. Còn với những hậu quả xã hội, sau này mới xuất hiện và chỉ có tác dụng khi nó tái diễn nhiều lần và tích tụ thêm lên mãi, thì người ta hoàn toàn không chú ý đến. Thí dụ: những nhà tư bản riêng lẻ chỉ chăm lo làm thế nào thu được nhiều lợi nhuận trước mắt, nên họ chỉ chú ý đến những kết quả gần nhất, trực tiếp nhất mà thôi (4).

II. Lược sử quá trình biến đổi nội hàm của phạm trù “Phát triển kinh tế”

Trước kia thường đồng nhất tăng trưởng kinh tế với phát triển kinh tế. Do chi đơn thuần chạy theo lợi nhuận trước mắt, nên người ta thúc đẩy tăng trưởng với bất cứ giá nào. Nhưng dần dần nhận thấy những bất công xã hội cũng tăng theo, như tăng số người nghèo, phân cực giàu nghèo ngày càng doãng xa hơn, tăng số người thất nghiệp,… nên xuất hiện nhận thức mới: phát triển kinh tế là phải tăng trưởng đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Mấy thập niên cuối thế kỷ XX, một mặt thấy rõ con người hiện đại đang được hưởng thụ một nền văn minh vật chất cao chưa từng thấy trong lịch sử, nhưng mặt khác lại gặp một vấn đề nan giải là tài nguyên cạn kiện và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Từ đó đã nảy sinh khái niệm "phát triển bền vững", nghĩa là tăng trưởng kinh tế không những phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội mà còn phải gắn với bảo vệ môi trường.

Sang thế kỷ XXI nhiều vấn đề môi trường trở nên nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của toàn cầu. Một số báo cáo đã dẫn ra tư liệu: nạn nhân do môi trường ngày càng xấu đi trên toàn cầu đã vượt số nạn nhân do biến động xã hội và chiến tranh. Vấn đề môi trường không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn gắn với an ninh quốc gia và trở thành nguy cơ đe dọa hòa bình thế giới. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về môi trường đã phát đi lời kêu gọi thống thiết: "Phải kịp thời cứu lấy hành tinh của chúng ta"; "Phải bảo vệ môi trường của nhân loại"; "Phải bảo vệ sự cân bằng sinh thái"; "Phải cải thiện cách đối xử với trái đất"… Đáp lại những lời kêu gọi ấy là phát triển kinh tế xanh. Trước khi nêu vắn tắt về phát triển kinh tế xanh cần làm sáng tỏ: Vì sao vấn đề môi trường thứ sinh lại thành vấn đề nóng mang tính chất và quy mô toàn cầu? Và vì sao nó lại gắn với an ninh quốc gia, trở thành nguy cơ của hòa bình thế giới?

Lời giải cho câu hỏi một là chất lượng môi trường ngày càng xấu đi dẫn đến chỗ phá hoại hệ thống sinh thái, điều kiện sản xuất và sinh sống bình thường của con người. Nói một cách cụ thể, những phế thải có hại do hoạt động sản xuất của con người thải ra, chủ yếu là 3 loại phế thải của công nghiệp (khí thải, nước thải và phế liệu) đã phá hoại môi trường như gây ô nhiễm tầng khí quyển; nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng; tai họa do rác rưởi, nạn phá rừng, đất đai bị sa mạc hóa, v.v…

Ứng dụng những phương pháp sản xuất và cách thức tiêu dùng không (hoặc ít) gây ô nhiễm môi trường để bảo vệ môi trường.

Các chất làm ô nhiễm tầng khí quyển chủ yếu là do 3 nguồn: khí thải công nghiệp, khí thải gia đình và khí thải của các xe có động cơ. Nguy hại của sự ô nhiễm không khí rất lớn, trước hết là hiện tượng được gọi là "hiệu ứng nhà kính", làm cho nhiệt độ của trái đất ngày càng nóng lên. Hiệu ứng nhà kính thích hợp thì có ích trong  việc duy trì sự cân bằng của vòng sinh vật trên trái đất, giúp cho trái đất giữ được môi trường sinh tồn cho con người và các sinh vật khác. Nhưng mặt trái của hiện tượng hiệu ứng nhà kính là:

a) Biến đổi khí hậu khiến cho khí quyển của trái đất bị đảo lộn, gây ra nhiều thiên tai hơn.

b)Mặt nước biển dâng cao, nhiệt độ của bề mặt trái đất tăng lên làm tan những núi băng trên đất liền, nhất là những núi băng ở hai cực, làm cho mặt biển dâng cao, sẽ gây ra tai họa cực lớn cho các vùng ven biển, làm ngập lụt, khiến hàng triệu người phải di dời vào nội địa.

c) Khí quyển bị ô nhiễm với nồng độ cao sẽ phá hoại chất diệp lục tố trong tế bào của thực vật, làm cho lá khô héo rồi rụng.

d) Khí quyển bị ô nhiễm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người, gây ra các bệnh về tim mạch, về hệ thống hô hấp, nhất là viêm phế quản…

Việc con người gây ra ô nhiễm nước là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho nguồn tài nguyên này vốn đã rất hạn chế nay lại càng thêm thiếu hụt. Theo số liệu của Hội nghị về nước của Liên hợp quốc, nước trên trái đất có 96,5% là nằm trong các đại dương, là nước mặn không thể dùng để uống hoặc tưới cây. Tổng lượng nước trên trái đất là 1,4 tỷ km3, nhưng số nước ngọt có thể dùng được chỉ chiếm 2,53% tổng lượng nước, còn đại bộ phận nước đóng băng dự trữ ở 2 đầu Nam Bắc cực của trái đất. Không những thế, nước còn là tài nguyên không gì có thể thay thế. Mặt khác nước lại được phân bố không đều và lượng nước dùng ngày một tăng lên do dân số tăng, nước dùng cho công nghiệp và nông nghiệp tăng nhiều lần, nên lượng nước bình quân đầu người ngày càng giảm. Hiện nay, nhiều quốc gia và khu vực thiếu nước với mức độ khác nhau.

Tính trung bình mỗi người dân trong thành phố mỗi ngày thải ra từ 50 đến 100 lit nước ô nhiễm. Phần lớn số nước bẩn này chưa qua xử lý, chảy xuống sông hoặc các đường nước khác, trở thành một nguồn ô nhiễm tài nguyên nước. Mặt khác, nước thải công nghiệp, nước bẩn nông nghiệp (do dùng một lượng quá lớn phân đạm, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng…) gây ra ô nhiễm nước trên mặt đất và nước ngầm.

Rác rưởi do con người thải ra trong quá trình sinh hoạt và sản xuất hiện nay tràn ngập khắp các lục địa, các đại dương và bầu trời của trái đất. Rác rưởi trên không gian hay còn gọi là rác vũ trụ (những vệ tinh hết thời hạn sử dụng, những mảnh vụn sau khi vệ tinh và tên lửa nổ ...). Rác sinh hoạt của các thành phố, rác công nghiệp (thí dụ các loại sỉ) có số lượng lớn hơn rác sinh hoạt và nguy hại hơn..., Ngoài ra nạn ô nhiễm do con người gây ra đã khiến nhiều loại sinh vật bị tuyệt chủng; nhiều diện tích rừng (lá phổi siêu cấp của thiên nhiên) bị phá dẫn đến tình trạng đất đai bị sa mạc hóa...

Còn sở dĩ vấn đề môi trường lại gắn với an ninh quốc gia và trở thành nguy cơ của hòa bình thế giới là vì an ninh quốc gia không chỉ nhằm phòng chống sự xâm lược của các nước khác mà còn phải phòng chống sự xấu đi của môi trường, giải quyết tranh chấp tài nguyên, ngăn ngừa sự chuyển dịch ô nhiễm, sự xâm lược về sinh thái. Do thiếu những nguyên liệu chủ yếu dẫn đến những nguy cơ chính trị, gây ra những cuộc xung đột do tranh giành tài nguyên; có những nước đã trắng trợn dùng vũ lực để đạt được mục đích của mình. Có những nước phát triển dựa vào ưu thế kinh tế của mình, lợi dụng những khó khăn về kinh tế của những nước nghèo đã chuyển những nguy cơ về sinh thái sang những nước nghèo này bằng cách chuyển các sản nghiệp ô nhiễm cao, tiêu hao nhiều năng lượng, trình độ kỹ thuật thấp cho họ. Hoặc một số nước phát triển đã ký hiệp định cho phép xuất khẩu rác độc hại sang những nước đang phát triển với số tiền thù lao rẻ mạt, trong khi phí xử lý rác loại này rất cao. Ở các nước Âu Mỹ việc xử lý 1 tấn rác thải độc hại tốn gấp nhiều lần phí vận chuyển sang đổ tại châu Phi.

Một số nước phát triển đã bị kịch liệt lên án bởi cái gọi là "xâm lược về sinh thái", nghĩa là họ bảo vệ môi trường và sinh thái của nước mình, giữ nghiêm độ che phủ của rừng, nhưng tăng nhập khẩu một lượng lớn gỗ từ các nước đang phát triển, khiến cho rừng của các nước nghèo này giảm với tốc độ mấy triệu ha mỗi năm, tăng nguy cơ sinh thái của địa phương đó.

III. Nội dung vắn tắt của "phát triển kinh tế xanh"

Như đã nói ở trên, vấn đề môi trường hiện nay đã trở thành vấn đề nóng, mang tính chất và quy mô toàn cầu. Vì vậy để bảo vệ sự sinh tồn của nhân loại, một cuộc cách mạng xanh lấy kỹ thuật xanh làm xung kích đang lôi cuốn toàn cầu gọi là phát triển kinh tế xanh. Nói vắn tắt, phát triển kinh tế xanh bao gồm:

Một là: Sử dụng rộng rãi sản phẩm xanh, tức là chú trọng những sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, ít dùng nguyên liệu quý hiếm; trong quá trình sử dụng và sau khi sử dụng sản phẩm không làm tổn hại hoặc ít làm tổn hại sức khỏe con người, không (hoặc ít) gây ô nhiễm môi trường, dễ thu hồi và tái sử dụng... các sản phẩm đó gọi chung là sản phẩm xanh (quần áo bảo hộ xanh, máy tính xanh, tủ lạnh xanh, xe hơi xanh,...) nghĩa là hầu như nó dính dáng đến tất cả các mặt: ăn, mặc, ngủ và đi lại của con người, lấy việc kết hợp kỹ thuật xanh với kỹ thuật cao làm tiêu chuẩn nhằm không làm ảnh hưởng hay ảnh hưởng ít đến môi trường, đạt yêu cầu đỡ tốn điện, đỡ ồn, đỡ ô nhiễm ... phù hợp với sự hấp thụ của cơ thể con người...

Hai là: Ứng dụng công nghệ xanh. Công nghệ xanh là loại công nghệ mới, giảm nhẹ ô nhiễm môi trường, như xử lý và thu hồi khí thải, nước thải, thay thế các nguyên liệu độc hại; tiết kiệm năng lượng; công nghệ và thiết bị hạn chế chất thải hay không có chất thải ... nhằm mục đích nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm về giá cả và chất lượng, Đây cũng là điểm trọng yếu trong chính sách doanh nghiệp của nhiều nước, nhất là khi tiếp nhận FDI.

Ba là: Tận dụng mọi khả năng dùng năng lượng sạch để thay thế cho nhiên liệu có hàm lượng các-bon cao: Những năm gần đây, toàn cầu đã bắt đầu một cuộc "cách mạng nguồn năng mới” làm cho tỷ trọng nguồn năng lượng sạch trong cơ câu năng lượng không ngừng tăng lên. Việc lợi dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng Hy-dro ,... ngày càng phổ biến.

Bốn là: Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu khách quan và nhiều triển vọng vì:

Thứ nhất, ý thức bảo vệ môi trường của đa số công chúng và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao

Thứ hai, vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này ngày càng được tăng cường. Hầu hết các nước trên thế giới đều có xu hướng phát triển mô hình kinh tế hỗn hợp (tức là kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước pháp quyền), và nhà nước đều dùng pháp luật để ngăn ngừa ô nhiễm, như có “Luật về bảo vệ môi trường”, và những văn kiện luật hay dưới luật liên quan đến những vấn đề môi tường, ví dụ như “Pháp lệnh về khống chế việc gây ra ô nhiễm không khí”, “Pháp lệnh về việc làm sạch không khí”;v.v....

Thứ ba là nhu cầu phát triển của mậu dịch quốc tế. Hội nhập vào toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế đòi hỏi hàng hóa xuất nhập khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Thứ tư là doanh nghiệp đi tiên phong trong phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế xanh, sẽ chiếm được địa vị chủ đạo trong cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Báo Tiền Phong số 150, ngày 29-5-2024 đưa tin Vinamilk đã đầu tư phát triển nhiều mô hình trang trại hiện đại, đạt tiêu chuẩn xanh, bền vững, nên đã vươn lên thành thương hiệu sữa giá trị thứ 6 toàn cầu và thương hiệu thực phẩm giá trị nhất ASEAN.



(1) C. Mác và Ph. Ang-ghen, toàn tập, tập 20, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 1994, trang 641.

(2) C. Mác và Ph. Ang-ghen, toàn tập, tập 20, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 1994, trang 654, 655.

(3) C. Mác và Ph. Ang-ghen, toàn tập, tập 20, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 1994, trang 656

(4) C. Mác và Ph. Ang-ghen, toàn tập, tập 20, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 1994, trang 657, 658.

GS.TS. Đỗ Thế Tùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực