1. Thực trạng phát triển tín dụng xanh tại Agribank
Kết quả tăng trưởng tín dụng xanh tại Agribank
Là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực tam nông, Agribank đã xác định vai trò của mình trong việc thúc đẩy tín dụng xanh, nông nghiệp xanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; nông nghiệp xanh, nông nghiệp carbon thấp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giao thông xanh, xây văn phòng, chung cư... tiết kiệm năng lượng; cho vay dự án sản xuất/sử dụng sản phẩm, công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, dự án có hệ thống kiểm soát ô nhiễm môi trường, các dự án về xử lý rác thải, chất thải, khí thải... Tích cực tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: (i) Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; (ii) Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; (iii) Quản lý rủi ro thiên tai; (iv) Hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; (v) Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; (vi) Điện gió; (vii) Đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên...
Việc thẩm định các dự án đều xem xét các yếu tố tác động đến môi trường, không cho vay đối với các dự án gây ô nhiễm hoặc tác động xấu tới môi trường, hạn chế các dự án không đáp ứng yêu cầu về bền vững.
Agribank đã ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, tuân thủ Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Agribank cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc Ban chỉ đạo triển khai ESG (Environmental Social Governance) trong hệ thống, triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống Agribank, bao gồm: Xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của ngân hàng...); xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG.
Dư nợ cho vay các lĩnh vực xanh của Agribank như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh... cũng tăng trưởng ổn định qua các năm. Trong năm 2024, Agribank vẫn tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh đặc biệt tập trung vào nông, lâm nghiệp và năng lượng tái tạo. Tính đến hết quj I/2024, kết quả cho vay đối với tín dụng xanh vẫn còn hạn chế:
- Phát triển lâm nghiệp bền vững: dư nợ đạt 8.456,1 tỷ, chiếm tỷ trọng 29%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh;
- Lĩnh vực nông nghiệp xanh: dư nợ đạt 5.711,4 tỷ, chiếm tỷ trọng 20%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh;
- Lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: dư nợ đạt 14.680 tỷ, chiếm tỷ trọng 51%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh.
Các dự án này hiện đang triển khai rất hiệu quả và mang lại lợi ích về môi trường và xã hội cũng như thúc đẩy kinh tế tại địa phương.
Các chương trình ưu đãi tín dụng xanh của Agribank
Từ năm 2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ hiện còn 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác...).
Bên cạnh đó, Agribank đã triển khai một số chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với doanh nghiệp trong đó khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp có sản phẩm xanh với mức lãi suất giảm tối đa 1,5% so với sàn lãi suất cho vay của Agribank. Với chương trình này, khách hàng có thể vay với mức lãi suất ưu đãi tối thiểu 3,5%/năm. Đồng thời, khách hàng còn được áp dụng các chính sách ưu đãi về phí, tỷ giá...
|
Agribank đã triển khai một số chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp có sản phẩm xanh. |
Các thỏa thuận, hợp tác
Ngoài ra, Agribank đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, chủ trì triển khai thực hiện, trong đó có Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Là Ngân hàng đi đầu trong việc cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng chương trình, chính sách tín dụng phù hợp nhằm thúc đẩy triển khai đề án một cách hiệu quả.
Khó khăn, vướng mắc trong tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam
Thứ nhất, danh mục xanh là cơ sở quan trọng để ngân hàng thương mại xác định được các dự án, khoản vay được gắn nhãn “xanh”, xác định được định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp. Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn thống kê các lĩnh vực xanh ban hành kèm theo văn bản số 9050/NHNN-TD ngày 03/11/2017, theo đó Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thống kê các dự án, phương án xanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu là các dự án, phương án thuộc 12 lĩnh vực (bao gồm: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...). Tuy nhiên, đây chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia và chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các bộ, ngành khác.
Thứ hai, các quy định, hướng dẫn về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh mang tính chất định hướng, chưa bắt buộc, thiếu các quy định cụ thể, chưa có định nghĩa/khái niệm thống nhất về ngân hàng xanh, thiếu các tiêu chuẩn/điều kiện rõ ràng về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, do đó, các tổ chức tín dụng vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Thứ ba, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, công trình xanh... đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn dài, trong khi đó nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng trong nước thường là vốn huy động ngắn hạn, huy động thương mại đơn thuần với chi phí cao, ngoài ra còn khó khăn trong việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định.
Thứ tư, thiếu các cơ chế ưu đãi và khuyến khích của Chính phủ, bộ, ngành đối với tín dụng xanh, chưa tách bạch giữa tín dụng xanh và tín dụng thương mại như chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất...
Thứ năm, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi đánh giá các yếu tố kỹ thuật về môi trường xã hội chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng (nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo do thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mẫu), khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.
Thứ sáu, khái niệm tài chính xanh đang còn khá mới mẻ, nhận thức của cán bộ ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế, chưa thực sự coi đây là xu hướng cần được quan tâm.
2. Giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới
Kinh tế xanh đang trở thành xu thế tất yếu và đang dần là yêu cầu bắt buộc, nhất là tại các nền kinh tế phát triển. Những yêu cầu cao về các sản phẩm nhập khẩu phải đạt các tiêu chuẩn về môi trường, khí hậu trong quá trình sản xuất, chế biến mà các nước phát triển áp dụng đang và sẽ trở thành rào cản hết sức khó khăn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Vấn đề đổi mới quy trình, công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) đang trở thành yêu cầu bắt buộc, liên quan đến khả năng tồn tại và phát triển bền vững đối với mỗi doanh nghiệp. Với năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là bị bào mòn trong thời gian khó khăn kéo dài vừa qua, nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước, không có những khoản “tín dụng xanh” hỗ trợ để cơ cấu lại, đổi mới để đạt tiêu chuẩn ESG thì nhiều sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất dần thị phần, thị trường tại các nước phát triển. Vì vậy, ngoài các chính sách để khuyến khích “tiêu dùng xanh” trong nước, chính sách giảm, miễn các loại thuế, cơ chế, thủ tục thuận lợi cho đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân “sản xuất xanh”, Chính phủ cần có chính sách để khuyến khích phát triển tín dụng xanh.
Chính phủ cần chỉ đạo nhanh chóng xây dựng, đề xuất ban hành khung pháp lý, quy định và hướng dẫn liên quan tới tài chính xanh nhằm khơi thông cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính tham gia vào thị trường tài chính xanh; phát hành trái phiếu xanh. Ví dụ, ban hành danh mục phân loại xanh (green taxonomy) làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh; xây dựng danh mục và tiêu chí đánh giá ngành nghề sản xuất kinh doanh xanh...
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng; phối hợp với các tổ chức, ban, ngành để xác định được các tiêu chí, định mức cho các dự án xanh. Ngoài ra, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng những cơ chế, chính sách phù hợp, dành riêng cho hoạt động tín dụng xanh, gắn với mục tiêu xanh nhằm khuyến khích, thúc đẩy các ngân hàng thương mại mạnh dạn đưa vốn vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh:
Các doanh nghiệp cần chủ động chuyển mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, thực hành hiệu quả bộ tiêu chuẩn ESG trong doanh nghiệp và các bên liên quan. Điều này là đặc biệt quan trọng khi Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với một số lĩnh vực nhất định để khuyến khích giảm lượng khí thải CO2 và ngăn nguy cơ rò rỉ carbon sang khu vực khác (tháng 10/2023). Theo đó, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Đối với hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính:
Các ngân hàng thương mại cần tăng cường đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao nhận thức, năng lực cho nhân viên ngân hàng về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh; đồng thời nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định về rủi ro môi trường, xã hội của các dự án xanh thông qua hình thức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức.
Tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam. Tăng cường chủ động tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc tiếp cận trực tiếp các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quj tín thác tín dụng xanh (GCTF do SECO thành lập ở Việt Nam), huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.
Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Điều này góp phần giúp các ngân hàng thu hút được nhiều đối tượng khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa sản phẩm cần phải đặt trong sự tương quan với nguồn lực hiện có của ngân hàng, nếu không, việc triển khai quá nhiều sản phẩm có thể làm cho ngân hàng kinh doanh không hiệu quả do dàn trải nguồn lực quá mức. Ngoài ra, khâu thẩm định cũng phải được triển khai một cách chặt chẽ nhằm hạn chế cấp tín dụng cho các dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội./.