Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh còn có 22 xã và 11 thôn nằm trong diện ĐBKK. Với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân vùng dân tộc miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, 100% các xã, thôn ĐBKK của tỉnh hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, đồng thời ra khỏi diện ĐBKK. Theo đó, Đề án xác định lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân là trung tâm; hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân là cần thiết song người dân phải là chủ thể thực hiện, chủ động thoát nghèo. Việc đầu tư sẽ đi đôi với thực hiện chính sách an sinh xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh.
Đề án cũng xác định sẽ ưu tiên bố trí, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, với tổng kinh phí khái toán đầu tư, hỗ trợ khoảng trên 1.600 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các địa phương, sở, ngành, đơn vị của tỉnh đã báo cáo những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện hỗ trợ các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK. Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao nội dung Đề án triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đã trình bày tại cuộc họp. Đồng chí khẳng định, đề án đã căn cứ, bám sát tình hình thực tiễn địa phương để đề xuất những giải pháp cụ thể. Ban soạn thảo Đề án cần tập hợp các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thành dự thảo, sớm báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để xem xét thông qua đề án.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, 7 địa phương có các xã, thôn ĐBKK, gồm: Ba Chẽ, Hải Hà, Tiên Yên, Hoành Bồ, Bình Liêu, Đầm Hà, Vân Đồn cần tiếp tục rà soát các nội dung trong Đề án một cách cụ thể, kỹ càng để kịp thời báo cáo những nội dung còn vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp thực hiện. Khi Đề án được thông qua, bí thư các địa phương phải chịu trách nhiệm với tỉnh trong triển khai thực hiện Đề án. Các địa phương phân công 1 đồng chí phó chủ tịch thường trực phụ trách lĩnh vực nông thôn để trực tiếp giám sát việc triển khai Đề án, đồng thời, thành lập các tổ công tác thường xuyên giám sát việc thực hiện đề án tại địa phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, hiện nay cán bộ cấp xã địa bàn ĐBKK đang được nhận phụ cấp cao hơn cán bộ những địa bàn khác, vì vậy, đi cùng với quyền lợi, đội ngũ cán bộ này cần phải có trách nhiệm cao hơn, phải có ý thức, trách nhiệm đưa địa bàn mình phụ trách ra khỏi diện ĐBKK theo lộ trình đặt ra. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để địa phương đánh giá năng lực và việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của đội ngũ cán bộ này.
Về phía người dân các địa bàn ĐBKK, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ, hiểu rõ về những hiệu quả thiết thực khi thực hiện đề án đưa các thôn, xã ra khỏi diện ĐBKK; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại hỗ trợ của nhà nước; khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế… Đối với vấn đề nguồn lực, cần tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, thực hiện lồng ghép các chương trình… để tạo ra nguồn lực lớn, thực hiện hỗ trợ hiệu quả các xã ĐBKK.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, thời gian qua, một số doanh nghiệp cũng đã thực hiện hỗ trợ rất hiệu quả cho các thôn, bản ĐBKK của tỉnh. Vì vậy, đồng chí đề nghị, thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục chung tay với tỉnh trong hỗ trợ đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK. Việc hỗ trợ không nhất thiết bằng tiền mà còn có thể thông qua nhiều hình thức khác như: đầu tư công trình, hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp…